Tuyên Quang xây dựng hậu phương, chi viện tiền tuyến trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) (tiếp theo)

- Bảo vệ hậu phương, bảo vệ An toàn khu, chi viện tiền tuyến

Ngày 14-10-1952, Trung ương Đảng mở chiến dịch Tây Bắc giải phóng Nghĩa Lộ, Mộc Châu, Tuần Châu, Thuận Châu, Sơn La... Để cứu vãn tình thế thất bại, cuối tháng 10-1952, quân Pháp mở chiến dịch Lolen, từ Trung Hà đánh lên Hưng Hóa (Phú Thọ), theo Quốc lộ 2 đánh lên Đoan Hùng, uy hiếp Tuyên Quang. Đầu tháng 11-1952, địch ném bom, bắn phá ác liệt xuống các trục đường giao thông chiến lược.

Ở Tuyên Quang, chúng đánh phá Quốc lộ 2, đường 13A, từ Tuyên Quang đi Yên Bái và hai huyện Yên Bình, Sơn Dương nhằm phá hoại các công binh xưởng, xí nghiệp, cơ quan và kho tàng của ta. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy chỉ thị cho Tỉnh đội phân tán 2/3 bộ đội địa phương xuống các xã, 1/3 tập trung ở những nơi trọng yếu theo dọc Quốc lộ 2; 1 đại đội bố trí ở Sơn Dương, 1 đại đội ở dưới huyện Yên Sơn; đồng thời, một số cơ quan và nhân dân được lệnh sơ tán khỏi các vùng trọng điểm.

Quân Pháp theo đường 31 lên Thác Bà (Minh Phú, Yên Bình), vượt sông Chảy sang đóng ở bến Hiên (xã Mỹ Lâm, huyện Yên Sơn). Tỉnh đội đã điều động quân sang bảo vệ Nhà máy MK1 và H51. Sau khi đốt một kho quế của ta và phá hoại một số tài sản của dân, ngày 15-11-1953, do bị bộ đội địa phương và dân quân du kích bao vây uy hiếp, địch buộc phải rút khỏi bến Hiên, 4 tên bỏ mạng vì vấp phải mìn của du kích cầu Tre, tự vệ Nhà máy MK1. Cuộc tiến công của địch lên Tuyên Quang lần này diễn ra trong thời gian ngắn, chiến sự không ác liệt, song đã để lại cho chúng ta những bài học lớn.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II diễn ra từ ngày 11 đến 19/2/1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang).

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng được tiến hành tại xã Vinh Quang huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức và 33 đại biểu dự khuyết thay mặt cho hơn 73 vạn đảng viên của các Đảng bộ Việt Nam, Lào và Campuchia1. Đại hội đã thông qua Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày, Báo cáo về cách mạng Việt Nam, Tuyên ngôn của Đảng Lao động Việt Nam, Chính cương Đảng Lao động Việt Nam và Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội cũng quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai, lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cử ra Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư. Tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Đại hội II là Đại hội đẩy mạnh kháng chiến thắng lợi và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam. Lúc đó, Tỉnh ủy Tuyên Quang, Huyện ủy Chiêm Hóa chỉ đạo quân và dân địa phương tham gia tích cực và chu đáo công tác chuẩn bị, hậu cần, bảo vệ, phục vụ Đại hội.

Cũng tại Tuyên Quang, trong các năm 1951, 1952 và 1953, một loạt hội nghị của Trung ương đã được tổ chức. Ngày 3-3-1951, Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt được tổ chức, nhằm tăng cường khối đoàn kết dân tộc trên cơ sở liên minh công nông do Đảng lãnh đạo. Từ ngày 1 đến ngày 5-5-1952, Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất, đã tuyên dương 7 anh hùng đầu tiên của nước ta. Tiếp đó, Hội nghị đấu tranh kinh tế với địch, Hội nghị kháng chiến hành chính toàn quốc và Hội nghị về công tác tài chính toàn quốc cũng được tổ chức ở Tuyên Quang.

Nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ, tạo điều kiện mọi mặt cho những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan Đảng, Nhà nước. Đồng bào hăng hái tham gia hàng vạn ngày công để vận chuyển vật liệu, máy móc, làm đường, đào hầm, đóng góp hàng chục tấn lương thực, thực phẩm phục vụ xây dựng An toàn khu và đã lập nhiều thành tích trong việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II. Trong lời khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Trung ương Đảng và đồng bào cả nước gửi lời cảm ơn tới nhân dân địa phương. Người viết: “Vật liệu: đều lấy ở chung quanh. Đã dùng trên 100 cây mít, 1 vạn cây mai, 10 vạn cây nứa, 8 vạn lá cọ, 5 ngàn thước vuông gỗ xẻ. Làm đất: Đào đắp trên 3.000 thước khối để làm nền nhà, đường đi, hầm tránh máy bay. Nhân công đã dùng: 7.000 công chuyên môn và 1 vạn dân công”.

Tỉnh Tuyên Quang được phân công bảo vệ vòng ngoài An toàn khu. Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã chỉ đạo chặt chẽ các cấp, các ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Mọi âm mưu hoạt động phá hoại của kẻ thù đối với vùng căn cứ địa kháng chiến đều bị vô hiệu hóa, thất bại trước mặt trận bảo vệ an ninh rộng rãi và vững mạnh của nhân dân Tuyên Quang.

Tự vệ thị xã Tuyên Quang.

Năm 1952, bọn phản động tổ chức lập hội tề để đón quân Pháp ở xã Mỹ Lâm (Yên Sơn). Ở các huyện Hàm Yên, Sơn Dương, Chiêm Hóa, một số tên đội lốt “linh mục” lợi dụng tình hình khó khăn về kinh tế để tuyên truyền xuyên tạc, dụ dỗ giáo dân chống cách mạng. Tại Nà Hang, một số tổ chức phản động cũ như “Nam Dương Hoa kiều hội” nổi dậy cấu kết với bọn phỉ ở Cao Bằng, Hà Giang, theo Pháp xúi giục, tập hợp trong tổ chức gọi là “Việt - Pháp - Trung liên hiệp hội”, do một tên Quốc dân Đảng cầm đầu. Tổ chức này ban đầu rộ lên ở hai xã Hồng Thái và Đà Vị, sau lan ra các xã Yên Viễn, Vĩnh Yên, Côn Lôn, Thượng Nông. Âm mưu của chúng là lật đổ chính quyền từ xã đến huyện, thành lập “Xứ tự trị” ở Nà Hang, Bắc Mê.

Nắm được âm mưu của địch, chấp hành chỉ thị của Liên Khu ủy, tháng 7-1953, Tỉnh ủy Tuyên Quang ra chỉ thị: “Dập tắt tổ chức phản động Việt - Pháp - Trung liên hiệp hội”. Tỉnh đội đã điều một trung đội bộ đội địa phương phối hợp với lực lượng công an, cán bộ và dân quân du kích huyện Nà Hang tiến hành truy quét bọn phỉ. Sau ba tháng kiên trì vận động, thuyết phục, hầu hết bọn phản động đã trở về với gia đình, số ngoan cố bị ta truy quét, bắt giữ. Lực lượng vũ trang địa phương đã phát hiện và bắt giữ 373 tên phỉ ở Hồng Thái và Đà Vị. Ở các xã khác, ta bắt giữ thêm 146 tên. Ta đã tập trung cải tạo để bọn chúng nhận ra sai lầm, tự nguyện trở về địa phương làm ăn lương thiện. Vì thế, tổ chức “Việt - Pháp - Trung liên hiệp hội” bị giải tán. Thắng lợi này của quân và dân Tuyên Quang đã góp phần đập tan âm mưu phá hoại bên trong của địch, bảo vệ an toàn hậu phương và cơ quan Đảng, Chính phủ đóng trên địa bàn tỉnh.

Ngoài nhiệm vụ bảo vệ hậu phương, lực lượng vũ trang Tuyên Quang còn hoàn thành xuất sắc việc tham gia các chiến dịch đánh Pháp, tiễu phỉ của Trung ương và các tỉnh bạn.

Tháng 6-1951, gần 2.000 quân Tưởng bị Giải phóng quân Trung Quốc đánh, chạy bạt sang đất Việt Nam, đã âm mưu liên lạc với quân Pháp ở Nghĩa Lộ, Yên Bái. Đại đội 220 và Đại đội 79 bộ đội địa phương truy kích suốt ngày đêm, phục kích ở đèo Bụt, bến Đông Cuông, tiêu diệt 627 tên (trong đó có 1 tên sư đoàn trưởng), bắt sống và bức hàng 203 tên (có 2 đại úy), vũ khí thu được đủ trang bị cho 1 đại đội.

Tháng 8-1951, Đại đội 220 và Đại đội 79 lại tham gia chiến dịch Lý Thường Kiệt. Bị quân địch nhảy dù đánh tập hậu, tuy bị động và yếu hơn địch, song Đại đội 220 vẫn anh dũng chiến đấu cầm cự chờ tiếp viện, sau đó phản công, truy kích địch. Trong chiến dịch này, bộ đội Tuyên Quang còn đón đánh địch ở ngã ba Gia Hội, diệt gần 100 tên, bắt sống 30 tên, thu 2 trung liên, 1 cối 81 ly, 10 tiểu liên, 1 vô tuyến điện và nhiều súng trường. Cuối tháng 12-1951, bộ đội tỉnh đi tải thương trong chiến dịch Hòa Bình ba tháng và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Để đảm bảo yêu cầu của tiền tuyến, tháng 7-1953, Tuyên Quang mở chiến dịch cầu đường, huy động 1.021.136 ngày công sửa chữa toàn bộ hệ thống đường dài 168km.

Để huy động cao nhân lực và vật lực cho cuộc kháng chiến đang bước vào thời điểm quyết định, đầu năm 1953, Tỉnh ủy Tuyên Quang thành lập Hội đồng cung cấp tiền phương của tỉnh do một số đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy làm chủ tịch.

Năm 1953, tỉnh huy động 3 đợt dân công với 9.762 người phục vụ chiến dịch Tây Bắc. Năm 1954, tỉnh huy động 1.854.360 ngày công. Trong suốt cuộc kháng chiến, chỉ tính riêng việc phục vụ cho các chiến dịch và kiến thiết cầu đường, Tuyên Quang đã huy động hơn 6.519.000 ngày công. Với số dân 13 vạn người, năm 1954, tỉnh đã huy động tới 56.196 người đi làm dân công (chiếm 43% dân số của tỉnh).

Những tiểu thương tiêu biểu ở chợ Tam Cờ (thị xã Tuyên Quang) trong phong trào mua trái phiếu quốc gia.

Động viên được sức mạnh toàn dân, riêng trong đông - xuân 1953 - 1954, Tuyên Quang đã cung cấp cho tiền phương 6.486.955 kg gạo, 52.770 kg thịt trâu, 914 kg thịt bò, 41.657 kg thịt lợn, 10.890 kg lạc, 11.282 kg đỗ xanh... Tỉnh còn cung cấp cho bộ đội hàng trăm tấn rau xanh và 1.881.322 kg gạo cho chiến dịch cầu đường.

Đồng bào các dân tộc Tuyên Quang đã tích cực tham gia phong trào đón thương binh về làng, đỡ đầu bộ đội; giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sĩ; viết thư động viên, thăm hỏi các chiến sĩ ngoài mặt trận. Tỉnh đã xây dựng 6 trại điều dưỡng cho hơn 500 thương, bệnh binh; đồng thời động viên nhân dân chuẩn bị cơ sở vật chất để đón thương binh về làng chăm sóc, nuôi dưỡng.

Năm 1954, ngoài lực lượng bảo vệ cầu đường, bộ đội địa phương Tuyên Quang còn điều 5 đại đội làm nhiệm vụ giải tù binh, truy quét biệt kích trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngày 7-5-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Ngày 21-7-1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Qua chín năm kháng chiến, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang vinh dự được Chính phủ tặng thưởng Cờ thi đua và Huân chương Kháng chiến hạng Ba.

Theo Địa chí Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục