Năm 1951, Chính phủ ban hành Sắc lệnh thuế nông nghiệp, nhằm tập trung một lượng lương thực cần thiết để cung cấp cho tiền tuyến và bình ổn giá cả những hàng hóa chính trên thị trường. Thực hiện đường lối giai cấp của Đảng, tỉnh Tuyên Quang đã đánh thuế nặng vào địa chủ, phú nông; giảm nhẹ cho bần, cố nông và khuyến khích những người trực tiếp lao động sản xuất, khai hoang tăng vụ, chiếu cố những gia đình đông người và ưu đãi gia đình quân nhân, liệt sĩ.
Sắc lệnh thuế nông nghiệp.
Bị động chạm đến quyền lợi, nhiều địa chủ, phú nông đã tìm mọi cách chống lại như khai man, dây dưa kéo dài, lậu và trốn thuế. Mặc dù vậy, Tỉnh ủy đã xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề thuế nông nghiệp, coi đó là một nhiệm vụ trung tâm những năm 1951-1952, nên đạt được kết quả tốt. Với diện tích ruộng đất sản xuất toàn tỉnh là 65.700 mẫu, năm 1951, số thuế tỉnh đã thu được là 7.346 tấn thóc; 5 tháng đầu năm 1952 thu được 6.374.222 tấn. Điển hình như ở xã Kháng Nhật (Sơn Dương), chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, việc thu thuế hoàn thành nhanh, gọn nhất huyện. Chiêm Hóa đã thu vượt mức tỉnh giao trên 200 tấn; điển hình là xã Yên Nguyên. Năm 1953, số thóc thuế tỉnh thu được tăng hơn năm 1952 là 1.500 tấn. Năm 1954, thuế “vụ hạ” thu được 2.027 tấn, đạt 117%, số thóc nhập kho cuối năm đạt 71% định mức.
Tuy nhiên, công tác thuế nông nghiệp còn tồn tại một số khuyết điểm lớn như: có nơi, có lúc còn coi nh công tác này, ý thức chấp hành của người dân không nghiêm; chẳng hạn huyện Hàm Yên trong vụ hè 1952 hầu như không làm thuế, chỉ thực hiện được 16% mức tỉnh giao. Do chỉnh lý và miễn giảm chưa công bằng, nên đã gây mất đoàn kết giữa các dân tộc.
Tháng 1-1953, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) quyết định chủ trương thực hiện cải cách ruộng đất trong kháng chiến. Để chuẩn bị cho cải cách ruộng đất, Trung ương Đảng ra chỉ thị về phát động quần chúng để giảm tô, thực hiện giảm tức nhằm đánh đổ thế lực kinh tế - chính trị của tầng lớp địa chủ phong kiến - chỗ dựa của thực dân, đế quốc.
Thi hành chỉ thị của Trung ương, tỉnh Tuyên Quang đã cử một đoàn cán bộ về đồn điền Việt Lãm (Chính Tâm, Yên Bình) để điều tra ruộng đất, thực hiện khởi đầu chủ trương giảm tô. Do vận động được đông đảo nông dân tham gia vào cuộc đấu tranh, nên ngày 15-5-1953, tên địa chủ Nguyễn Kim Đỉnh đội lốt linh mục phản động đã bị vạch trần bộ mặt thật, cúi đầu nhận tội, phải giao trâu bò, cùng 808 ha ruộng đất để chia cho dân nghèo; vàng bạc, tiền, vũ khí thì nộp cho Nhà nước. Ban Chấp hành Nông hội Chính Tâm cũng đã được phân phối 41.672 kg thóc của địa chủ để cứu đói 282 gia đình, trong đó có 893 người dân bần, cố nông.
Sau cuộc nổi dậy của nông dân Chính Tâm, huyện Yên Bình đã phát động quần chúng giảm tô và triệt để thoái tức trong toàn huyện. Qua hai đợt đấu tranh, đến cuối năm 1953, cuộc phát động quần chúng ở Yên Bình hoàn toàn thắng lợi. 15 địa chủ bị đem ra đấu tố. Hàng ngàn mẫu ruộng về tay dân cày, hàng trăm trâu bò được chia cho nông dân để kịp thời cày cấy.
Từ phong trào ở Yên Bình, tỉnh rút kinh nghiệm, chỉ đạo chung trong toàn tỉnh. Ngày 30-5-1953, Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 24/ CT-TQ phát động phong trào thi đua hưởng ứng cuộc đấu tranh của nhân dân Chính Tâm từ ngày 19-5 đến ngày 19-8-1953. Hàng ngàn lá thư của tập thể, cá nhân, nông dân, công nhân, bộ đội gửi về hoan nghênh tinh thần đấu tranh kiên quyết, vững vàng của cán bộ và nhân dân Chính Tâm, đồng thời thi đua đẩy mạnh mọi mặt, góp phần làm cho kháng chiến mau thắng lợi. Các xã trong tỉnh tổ chức phổ biến, học tập chính sách phát động quần chúng giảm tô. Kết hợp với công tác đó, Tỉnh ủy Tuyên Quang lãnh đạo nhân dân tiếp tục đấu tranh triệt để thi hành sắc lệnh giảm tức của Chính phủ, chống mọi thủ đoạn cho vay nặng lãi, thủ tiêu dần một kiểu bóc lột dã man của địa chủ, phú nông.
Phong trào giảm tô nhanh chóng giành thắng lợi lớn, giải quyết tốt những vấn đề cơ bản của công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Từ đợt 1 làm thí điểm ở xã Chính Tâm (giữa năm 1953) đến đợt 5 (kết thúc ngày 30-8-1954), công tác giảm tô đã hoàn thành ở 90 xã trong 5 huyện (riêng Nà Hang còn 10 xã chưa phát động). Khu vực giảm tô gồm 133.585 nhân khẩu, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 65% (74.223 người). Qua 5 đợt phát động, Tuyên Quang đã quy 537 địa chủ (chưa kể Yên Bình), 522 phú nông, thu 1.155 tấn thóc và 2 triệu đồng chia cho nông dân lao động, bình quân mỗi hộ từ 5 đến 200 kg.
Người nông dân phấn khởi đóng góp thuế nông nghiệp. Ảnh: Sưu tầm
Tuy nhiên, cùng với cả nước, bên cạnh những thắng lợi có tính chất cơ bản, công tác giảm tô ở Tuyên Quang cũng mắc những sai lầm. Phổ biến nhất là quy thành phần không phù hợp với thực tiễn trong tỉnh. Nguyên nhân do không nắm chắc tình hình thực tế của tỉnh miền núi, áp dụng một cách máy móc cách làm của những nơi khác; khi tiến hành giảm tô, quần chúng không được học tiêu chuẩn quy định thành phần và việc quy định không xuất phát từ đa số mà chủ yếu do cán bộ Đội và một số cốt cán phát động.
Là tỉnh trong vùng tự do, Tuyên Quang đã dồn sức cho xây dựng nền kinh tế kháng chiến và nền văn hóa mới. Căn cứ vào từng thời điểm, tỉnh đã đề ra những nhiệm vụ mang tính cấp bách, trước mắt phải tập trung giải quyết, như giảm tô, công trái, huy động nhân lực, vật lực cho các chiến dịch; đồng thời tỉnh cũng đã xác định phát triển sản xuất, tiết kiệm vẫn là công tác trọng tâm, xuyên suốt. Tỉnh đặt công tác kinh tế tài chính lên hàng đầu của mọi công tác.
Mặt trận chính xây dựng kinh tế trong tỉnh là sản xuất nông nghiệp. Tuyên Quang chủ trương xây dựng các tổ chức hợp công, đổi công, từng bước đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể. Đầu năm 1952, Ủy ban Kháng chiến Hành chính và Tỉnh hội nông dân Tuyên Quang đã quyết định lấy xã Thắng Quân (Yên Sơn) làm điểm chỉ đạo về công tác đổi công. Tiếp đó, mỗi huyện đều tổ chức “lớp thực tập đổi công” để tạo điển hình và phát triển trong toàn huyện. Đến năm 1953, hầu hết các xã đều có phong trào làm đổi công. Năm 1954, riêng hai đợt phát động quần chúng, tỉnh đã tổ chức được 665 tổ đổi công, toàn huyện Yên Bình thành lập được 693 tổ đổi công, huyện Chiêm Hóa có 19 xã xây dựng được hàng trăm tổ đổi công. Phong trào đổi công, hợp công phát triển mạnh mẽ đã thực sự thúc đẩy sức sản xuất phát triển, đồng thời tạo cơ sở cho việc ra đời các hợp tác xã sau này.
Để nâng cao năng suất, sản lượng lương thực, tỉnh chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là thực hiện cấy giống lúa mới. Vụ chiêm 1951-1952, toàn tỉnh cấy được 82,8 mẫu giống lúa Nam Ninh, 845 mẫu giống lúa Ba Giăng; vụ chiêm 1952-1953, cấy được 201 mẫu giống lúa Nam Ninh, 488 mẫu giống lúa Ba Giăng. Vụ chiêm 1953-1954, diện tích cấy lúa Nam Ninh đã tăng hơn nhiều. Bên cạnh việc vận động cấy giống lúa mới, tỉnh tuyên truyền, chỉ đạo nông dân các vùng sâu, vùng xa trồng thêm các loại cây nông nghiệp, phá thế độc canh, nhờ đó mà đồng bào Dao đã bắt đầu phát triển trồng cây sắn.
Công tác thủy nông, phòng chống hạn được thực hiện khá tốt. Đi đôi với thuỷ nông, phong trào vận động cải tiến kỹ thuật canh tác thường xuyên được khuyến khích, tạo điều kiện. Từ năm 1951, sau chiến dịch “làm cỏ bỏ phân”, nhân dân đã cày bừa nhiều lần hơn trước. Một số xã ở Yên Bình, Yên Sơn, Sơn Dương đã biết làm phân xanh, phân mục. Việc gieo mạ thưa, cấy ít nhánh, dùng cào cỏ... ngày càng rộng rãi.
Năm 1951, tinh thần thi đua tăng gia sản xuất còn lan rộng trong các cơ quan nhà nước và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Sang năm 1952, phong trào tăng gia tiết kiệm đã rầm rộ, đạt kết quả tốt. Riêng 6 tháng đầu năm, các cơ quan đã thu hoạch được 17.792 kg rau xanh, cấy 58,2 mẫu lúa chiêm, trồng 1.662 cây đu đủ, 2.739 cây chuối, 16.429 gốc sắn; chăn nuôi thu được 2.589 kg thịt.
Vụ mùa năm 1951, toàn tỉnh cấy được 51.793 mẫu, thu hoạch 36.255.100 kg thóc. Năm 1952, diện tích chiêm tăng hơn hẳn so với năm trước 6.775 mẫu; năm 1953 tăng hơn năm 1952 là 5.769 mẫu. Năm 1954, diện tích cấy chiêm chính vụ và cấy lúa Nam Ninh tăng 3.350 mẫu so với năm 1953; vụ mùa toàn tỉnh có 58.375 mẫu. Ngoài lúa, tỉnh còn phát triển các loại màu để tăng cường nguồn thu lương thực. Đến tháng 6-1952, tỉnh đã trồng được 3.270,5 mẫu sắn, ngô, khoai. Năm 1953, tăng hơn 50% so với năm 1952. Các loại cây khác như lạc, vừng, đỗ xanh, đỗ tương, bông... cũng tăng diện tích.
Tỉnh cũng chú ý phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến giữa năm 1952, toàn tỉnh có 25.574 con trâu, 1.537 con bò, 38.283 con lợn. Phong trào chăn nuôi phát triển mạnh ở Chiêm Hóa và Nà Hang. Ở Yên Nguyên (Chiêm Hóa), năm 1953, có 963 con trâu, bò; năm 1954 có 1.152 con (tăng 19%). Xã Bằng Cốc (Hàm Yên) năm 1953 có 267 con trâu, bò; năm 1954 tăng lên 323 con (tăng 21%).
Tuyên Quang chủ trương “phát động công nghệ, coi thủ công nghiệp gia đình là chính; duy trì và phát triển các xưởng thủ công đã có, chú trọng các nghề vải, chiếu, nông cụ, gây cơ sở một số nghề mới cần thiết như đồ gốm”(1). Tính đến tháng 10-1953, có 7 tổ cán bông, 8 cơ sở dệt chiếu, 49 lò đường, 1 lò thuộc da, 3 cơ sở làm bừa, 41 lò rèn dao, cuốc xẻng, 2 lò của Nhà nước sản xuất lưỡi cày, 1 xưởng dệt vải, 2 lò sản xuất bát, chén, nồi, vại, 1 lò cồn sắn, 4 cơ sở sản xuất giấy và 1 lò sản xuất diêm tiêu.
Sự nghiệp văn hóa - xã hội đạt được những bước phát triển vượt bậc. Tỉnh tiếp tục chỉ đạo công tác xóa mù chữ, mở thêm nhiều loại trường lớp phù hợp với nhiệm vụ phổ cập giáo dục, đồng thời nâng cao trình độ, chất lượng cấp học. Năm 1952, tỉnh đã mở 10 lớp đào tạo giáo viên sơ cấp, giảng viên xung phong, giảng viên dự bị với 178 học viên. Toàn tỉnh mở được 20 lớp xóa mù, củng cố 33 lớp dự bị bổ túc, 1 lớp văn hóa cho cán bộ xã, 4 lớp bổ túc văn hóa tại 4 xí nghiệp, thanh toán mù chữ cho 4.616 người. Năm 1954, tỉnh đã đào tạo được 732 giáo viên, trong đó 3/4 là người miền núi. Từ năm 1950 đến 1952, Tuyên Quang đạt thành tích lớn trong công tác giáo dục, thanh toán xong nạn mù chữ ở hai huyện Yên Bình và Sơn Dương, 1/3 số xã của huyện Yên Sơn cùng nhiều thôn xóm ở các huyện khác. Hơn 80.000 người thoát nạn mù chữ, các trường phổ thông phát triển mạnh. Năm 1952, toàn tỉnh có 2 trường phổ thông cấp II với 24 giáo viên, 1.016 học sinh, và 94 trường phổ thông cấp I với 119 giáo viên, 7.776 học sinh, trong đó có 2.758 học sinh là người dân tộc thiểu số.
Cùng với việc xây dựng các bệnh viện, trạm xá, bệnh xá, tỉnh chú ý đào tạo cán bộ y tế xã. Đến tháng 6-1953, số cơ sở y tế nhân dân đã có ở Yên Bình là 10/17 xã, Yên Sơn: 11/20 xã, Hàm Yên: 6/13 xã, Nà Hang: 9/10 xã, tổng số 55/100 xã có cơ sở y tế.
Đời sống văn hóa thay đổi, phát triển đúng hướng. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ không chỉ phát triển ở trung tâm thị xã, mà còn ở các xã với các đội văn nghệ quần chúng. Tại thị xã có các buổi phát thanh buổi tối và các chòi đọc tin chiến sự. Các huyện ra báo tường, nhiều xã có chòi phát thanh, không những mang đến cho bà con tin tức thời sự, góp phần nâng cao hiểu biết, mà còn tuyên truyền kịp thời và sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
-------------------------------------------------------------
1. Báo cáo tổng kết công tác năm 1953 của Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Tuyên Quang, ngày 14-12-1953.
Gửi phản hồi
In bài viết