Với cương vị Chủ tịch nước, Ngươi thường xuyên chủ trì các phiên họp Hội đồng Chính phủ, ký nhiều sắc lệnh thực thi Hiến pháp, xây dựng và củng cố chính quyền trong sạch, vững mạnh, huy động tối đa trí tuệ, nhân tài, vật lực của toàn dân cho cuộc kháng chiến; chỉ đạo xây dựng hậu phương vững mạnh về các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa; ban hành Luật cải cách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng, tạo ra sức mạnh và khí thế mới của nông dân, thúc đẩy kháng chiến mau đi đến thắng lợi, thực hiện phương châm vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Ngươi có nhiều hoạt động đối ngoại gửi thư, điện, tiếp xúc với các nhà lãnh đạo, đại diện của nhiều nước, tổ chức quốc tế, trả lời các nhà báo nhằm giới thiệu, tuyên truyền tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến; chỉ đạo công tác ngoại giao ở Hội nghị Giơnevơ. Thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Tuyên Quang là thời gian lãnh đạo cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp sau phiên họp Hội đồng Chính phủ tại chân đèo De (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương).
Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Tuyên Quang lần thứ hai
Làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương (từ ngày 2-4 đến ngày 19-5-1947).
Thời gian ở làng Sảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì ba phiên họp Hội đồng Chính phủ vào các ngày 19 tháng 4, 30 tháng 4 và 15 tháng 5, có các nội dung nhanh chóng chuyển cơ quan và các vị bộ trưởng vào An toàn khu; cử người thay cụ Huỳnh Thúc Kháng và ông Hoàng Hữu Nam mới mất; vấn đề ngoại giao với Pháp, vấn đề trao đổi đại diện ngoại giao với Inđônêxia; việc thả tù binh.
Ngày 11-5-1947, tại thị xã Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp Pôn Muýt, đại diện của Cao ủy Pháp Bôlae, nêu rõ quan điểm lập trường chính nghĩa của nhân dân Việt Nam là tôn trọng độc lập, chủ quyền của mỗi quốc gia và sẽ tiếp tục chiến đấu đến khi giành cho được độc lập, tự do thật sự.
Ngày 15-5-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 48/SL cho phép lưu hành trong toàn quốc loại giấy bạc Một đồng, Năm đồng, Mười đồng, Hai mươi đồng, Năm mươi đồng, Một trăm đồng và Năm trăm đồng.
Khuôn Đào, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương (từ ngày 27-11-1947 đến ngày 4-12-1947).
Cuối tháng 11-1947, quân Pháp chiếm Chợ Chu, Định Hóa (Thái Nguyên), Đồng chí Võ Nguyên Giáp gửi thư hỏa tốc báo cáo tình hình với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay trong đêm 26, Người cùng các đồng chí bảo vệ chuyển đến Khuôn Đào.
Tại đây Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ chỉ đạo các đơn vị vũ trang chặn đánh, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch đồng thời lên kế hoạch sơ tán các cơ quan nhằm bảo toàn lực lượng.
Khuổi Tấu, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn (từ ngày 4 đến ngày 28-12-1947).
Những ngày đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nhà đồng chí Đặng Nguyên Minh, một cơ sở cách mạng từ năm 1939. Ít ngày sau Ngươi làm việc tại một căn lán nhỏ. Tại đây, Người viết tác phẩm Việt Bắc anh dũng, đánh giá cao những chiến công oanh liệt của quân, dân Việt Bắc.
Ngày 7-12-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 612/MDB về việc khen thưởng các Chủ tịch và Ủy viên kháng chiến kiêm hành chính cấp xã.
Ngày 12-12-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư Gửi Chính phủ Cao Miên giải phóng, nhiệt liệt hoan nghênh việc thành lập Ủy ban giải phóng Việt - Miên - Lào nhằm mục đích theo đuổi đến cùng cuộc chiến đấu chung chống đế quốc và thực dân.
Ngày 19-12-1947, nhân dịp kỷ niệm một năm Ngày toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào và chiến si cả nước hãy ra sức phấn đấu, đóng góp cho kháng chiến và trịnh trọng tuyên bố: “Chính phủ Hồ Chí Minh quyết làm trọn cái nhiệm vụ vẻ vang mà quốc dân đã giao cho, và quyết không phụ lòng tin cậy mà đồng bào đã đặt vào Chính phủ”. Cùng ngày, Người ký thông tư gửi các bộ “về việc cử các nhân viên làm việc đắc lực để khen thưởng”.
Ngày 21-12-1947, Người nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo về thắng lợi của chiến dịch Thu Đông năm 1947.
Ngày 24-12-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi đồng bào Công giáo nhân dịp lễ Nô-en 1947. Người chúc “toàn thể đồng bào Công giáo được Chúa ban phúc” và mong rằng “giáo cũng như lương, đoàn kết kháng chiến để Tổ quốc được độc lập, tôn giáo được tự do”.
Lũng Tẩu, xã Tân Trào (lần thứ nhất từ ngày 12-9 đến ngày 16-12-1948).
Ngày 15-9-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quyết định cử một Phái đoàn của Chính phủ do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm trưởng đoàn vào Nam Bộ úy lạo đồng bào và chiến sĩ, kiểm tra các công việc kháng chiến và hành chính.
Ngày 28 và 29-9-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp của Hội đồng Quốc phòng tối cao để bàn về kế hoạch Thu - Đông và chương trình năm 1949, việc tổ chức bộ máy kháng chiến hành chính, vấn đề tiếp tế cho Việt Bắc, kế hoạch bảo vệ cơ quan và mùa màng.
Thời gian ở Lũng Tẩu lần thứ nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp tháng 10, tháng 11-1948 của Hội đồng Chính phủ, nghe báo cáo tình hình quân sự, nội trị, thảo luận vấn đề phân tán và quân sự hóa, bàn việc thưởng huân chương nhân kỷ niệm Ngày toàn quốc kháng chiến.
Tháng 9, tháng 10-1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài: Cách làm việc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và bài Chủ nghĩa cá nhân, nêu lên những biểu hiện cụ thể, hậu quả nguy hại và cách tẩy sạch “bệnh chủ nghĩa cá nhân”.
Ngày 19-11-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 254/SL về tổ chức lại chính quyền nhân dân trong thời kỳ kháng chiến.
Lũng Trò, xã Trung Trực, huyện Yên Sơn (từ ngày 19-12-1948 đến ngày 10-1-1949).
Trong Điện gửi nhân dân Pháp nhân ngày 19-12-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tố cáo những tội ác của thực dân Pháp. Một lần nữa nêu rõ quyết tâm chiến đấu của nhân dân Việt Nam, khẳng định một quốc gia đã nhất định tranh thủ độc lập tự do cho mình thì nhất định thắng, không gì ngăn cản nổi.
Ngày 25-12-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới đồng bào Công giáo toàn quốc nhân ngày lễ Thiên Chúa giáng sinh động viên, khích lệ đồng bào tham gia kháng chiến.
Lũng Tẩu, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (lần thứ hai từ ngày 10-1-1949 đến ngày 6-4-1949).
Ngày 18-1-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ bế mạc Hội nghị cán bộ Đảng lần thứ sáu.
Tháng 1-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Đảng ta, nêu những yêu cầu đối với mỗi đảng viên là phải mạnh dạn và thành thật kiểm điểm mình cũng như đồng chí mình để loại bỏ căn bệnh chủ quan. Cố gắng học tập, phấn đấu, đẩy mạnh tinh thần đoàn kết, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư và thực sự trở thành người kiểu mẫu trong phong trào thi đua ái quốc.
Ngày 1-2-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 2/SL, thành lập Trường cao đẳng mỹ thuật. Cũng trong tháng 2-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị về việc xây dựng các đơn vị chủ lực, các tiểu đoàn tập trung phải được trang bị đầy đủ vũ khí và biên chế đủ quân số để có đủ khả năng đánh các đồn lẻ.
Ngày 12-3-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 12/SL về việc trừng trị tội ăn cắp các đồ quân giới, quân trang, quân dụng trong thời chiến và thời bình.
Bác Hồ ngồi câu cá trên sông Phó Đáy.
Khấu Lấu - Vực Hồ, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (lần thứ nhất từ ngày 6-4-1949 đến ngày 16-5-1949).
Tại Khấu Lấu - Vực Hồ, các đồng chí phục vụ dựng một căn lán gần bờ sông Phó Đáy gọi là Lán 1, dưới sàn có hầm trú ẩn. Lán 2 được dựng khi Người đi thăm Trung Quốc và Liên Xô.
Ngày 7-4-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Bộ đội địa phương. Với sắc lệnh này, các đội du kích tập trung được nâng lên thành các trung đội, đại đội bộ đội địa phương huyện, tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh do Đảng bộ địa phương lãnh đạo.
Ngày 15-4-1949, trong bài Thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng Người đã viết: “Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ”.
Trong tháng 4-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định dùng bộ đội chủ lực của quân khu Việt Bắc và bộ đội địa phương hai tỉnh Lạng Sơn, Hải Ninh (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) mở chiến dịch “Thập vạn đại sơn” giúp Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc mở rộng vùng căn cứ Ung - Long - Khâm.
Từ ngày 30-4-1949, Chủ tịchHồChí Minh viết tiểu thuyết Giấc ngủ mười năm. Cuốn tiểu thuyết mang tính viễn tưởng, kể về cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
Ngày 25-4-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 36/SL, thành lập Quỹ tham gia kháng chiến.
Bản Chương, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn (từ ngày 16-5 đến ngày 1-6-1949).
Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại nhà ông Hà Văn Tung.
Ngày 17-5-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Việt Bắc báo tin: lực lượng địch có chừng ba tiểu đoàn đánh lên Tuyên Quang, quân ta đã phát triển du kích chiến và địa lôi chiến ở dọc sông Lô làm cho chúng bị thương nhiều.
Trong thời gian này Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Thế nào là Cần, Thế nào là Kiệm.
Khấu Lấu - Vực Hồ, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (lần thứ hai từ ngày 1-6-1949 đến đầu tháng 1-1950).
Ngày 01 và 02-6-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Thế nào là Liêm và Thế nào là Chính.
Ngày 18-6-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 49/SL ban hành Bộ luật thuế trực thu và các Sắc lệnh bổ nhiệm các chức vụ thuộc Bộ Quốc phòng.
Ngày 20-6-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ấn định kế hoạch thực hiện các công trình thủy nông và thể lệ bảo vệ các công trình thủy nông.
Ngày 14-7-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 78/SL ấn định giảm mức địa tô, bổ sung Thông tư giảm tô từ năm 1945. Sắc lệnh quy định chủ ruộng phải giảm 25% so với mức địa tô trước Cách mạng Tháng Tám.
Tháng 7-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho anh chị em học viên lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng góp ý kiến nhiệm vụ, mục đích tôn chỉ, đối tượng, nội dung, hình thức của báo chí.
Ngày 2-8-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 87/SL sửa đổi Điều 2 của Sắc lệnh số 206/SL ngày 19-8-1948 về việc thành lập Hội đồng Quốc phòng tối cao. Điều 2 mới ghi rõ: Hội đồng Quốc phòng tối cao gồm các vị: Chủ tịch Chính phủ: kiêm Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng tối cao; Ông Phạm Văn Đồng, Phó Thủ tướng: Phó chủ tịch; Hội viên gồm các ông Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Hiến, Phan Kế Toại, Phan Anh, Tạ Quang Bửu.
Ngày 13-8-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 95/SLVề việc thành lập ngạch thanh tra lao động và kiểm soát lao động.
Ngày 20-8-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi nhân dân bán gạo khao quân nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2-9.
Ngày 3 tháng 9, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ do bác sĩ Lê Đình Thám dẫn đầu.
Ngày 4-9-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 102/SL lập Hội đồng giáo dục để ấn định chính sách và kế hoạch giáo dục.
Cùng thời gian tháng 9-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trường Nguyễn Ái Quốc tại xóm Thia và ghi vào trang đầu Sổ vàng của nhà trường: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”.
Ngày 15-10-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Dân vận, nhấn mạnh vai trò to lớn của lực lượng dân vận và công tác dân vận, chỉ ra phương pháp làm dân vận: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Ngày 20-10-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 121/SL ấn định cấp bậc, phù hiệu, cấp hiệu và quân phục trong quân đội.
Ngày 4-11-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 126/SL, quy định tất cả nam công dân Việt Nam từ 18 đến 45 tuổi đều phải có 2 năm tại ngũ. Khi có chiến tranh, thời hạn này có thể kéo dài đến hết chiến tranh.
Ngày 9-11-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho lớp “Chuẩn bị tổng phản công” Trường Trung học Lục quân Trần Quốc Tuấn nhân ngày khai giảng.
Ngày 22-11-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 134/SL, cử vào Bộ Tư lệnh quân đội địa phương và dân quân Liên khu Việt Bắc các vị: Thiếu tướng Chu Văn Tấn: Chính trị ủy viên; Đại tá Lê Quảng Ba: Tư lệnh Liên khu; Đại tá Thanh phong: Phó Tư lệnh Liên khu.
Trước ngày 28-11-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư đến Hội nghị cán bộ nông dân cứu quốc toàn quốc. Người khẳng định nông nghiệp là một ngành kinh tế cơ bản và cực kỳ quan trọng của đất nước.
Ngày 18-12-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 138b/SL về việc thành lập Ban Thanh tra Chính phủ thuộc Phủ Thủ tướng. Theo đó Tổng Thanh tra: cụ Hồ Tùng Mậu; Tổng Thanh tra phó: ông Trần Đăng Ninh; Thanh tra: ông Tô Quang Đẩu.
Thời gian ở Khấu Lấu, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ tháng 6, tháng 7, tháng 9, tháng 10, tháng 12 nghe báo cáo tình hình thế giới và trong nước, tình hình quân sự; ngoại giao, giáo dục, canh nông; bàn về Sắc lệnh nghĩa vụ tòng quân, định chính sách đào tạo cán bộ và quyết định một số vấn đề quan trọng.
Đầu tháng 1-1950, từ Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Liên Xô theo lời mời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Đoạn đường từ Tuyên Quang đến biên giới Việt - Trung, Người chủ yếu đi ngựa và nhiều lúc đi bộ. Trong chuyến thăm, Người hội đàm với đồng chí Xtalin, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Cũng trong chuyến đi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trung Quốc. Sau chuyến đi, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên Xô, giữa Việt Nam và Trung Quốc được thiết lập vào năm 1950.
Ngày 20-1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Hội nghị toàn quốc lần thứ ba của Đảng, Người nhấn mạnh: “Riêng về Đảng, các đồng chí hãy kiểm thảo sự lãnh đạo của Đảng về chính trị và tổ chức, đề cao tinh thần phê bình và tự phê bình trong Đảng, tổ chức việc học tập lý luận và sửa đổi lề lối làm việc, để cho Đảng ta thành một lực lượng rất mạnh, đưa dân tộc đến bước thành công”.
Cùng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh về thành lập các công ty hợp danh, trong đó Chính phủ hợp vốn với tư nhân để kinh doanh theo kế hoạch kinh tế chung của Chính phủ; Sắc lệnh xác định tất cả các nguồn khoáng chất ở Việt Nam đều thuộc sở hữu của Nhà nước và về quy chế khai thác mỏ ở Việt Nam.
Ngày 12-2-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20/SL quyết định tổng động viên nhân lực, vật lực, tài lực của toàn thể nhân dân để tiến tới tổng phản công.
Ngày 4-3-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 32/SL về việc thành lập Ban chỉ huy mặt trận; Sắc lệnh số 33/SL bổ nhiệm Giám đốc Nha Y tế nông thôn; Sắc lệnh số 34/SL về bổ nhiệm Tổng Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam.
(Còn nữa)
Theo Địa chí Tuyên Quang
Gửi phản hồi
In bài viết