Ngày 6 và ngày 7-4-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp với Thường vụ Trung ương Đảng để nghe báo cáo tình hình trong thời gian Người đi công tác nước ngoài và bàn một số nhiệm vụ cấp bách.
Ngày 14-4-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký 7 Sắc lệnh bổ nhiệm các chức vụ thuộc Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Bộ Canh nông, Bộ Giao thông Công chính, thành lập Nha Vận tải, Vụ Kiến trúc trong Bộ Giao thông Công chính.
Ngày 22-4-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với các đại biểu phụ nữ dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất.
Ngày 24-4-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với học viên khóa II Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại Việt Bắc.
Ngày 1-5-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 61/SL quy định trong thời kỳ kháng chiến, để tiết kiệm thóc gạo và gia súc, cấm việc dùng gạo nấu rượu, hạn chế việc giết trâu, lợn, bò; Sắc lệnh số 62/SL bổ nhiệm ông Nguyễn Chánh làm Chính ủy Liên khu V; Sắc lệnh số 64/SL cử ông Trần Đăng Ninh làm đặc phái viên Chính phủ phụ trách công việc sửa chữa đường sá; Sắc lệnh số 65b/SL đặt Huân chương Lao động để tặng thưởng những người có thành tích đặc biệt.
Toàn cảnh Di tích Khấu Lấu - Vực Hồ, thôn Bòng, xã Tân Trào (Sơn Dương).
Ngày 9 và ngày 10-5-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Trung ương chuẩn bị cho Đại hội lần thứ II của Đảng. Người nói về việc đổi tên Đảng:
“Đó là điều cần thiết..., bởi vì có như thế mới tập hợp được tất cả các phần tử tiên tiến trong công nông, trí thức vào Đảng... dễ kêu gọi dân tộc hơn, vì ta đang cần đoàn kết rộng rãi với các tầng lớp nhân dân”.
Ngày 14-5-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 66/SL chia Cục Tình báo Bộ Quốc phòng làm hai bộ phận: một bộ phận sáp nhập vào Nha Công an thuộc Bộ Nội vụ và một bộ phận sáp nhập vào ngành Quân báo Bộ Tổng tham mưu thuộc Bộ Quốc phòng; Sắc lệnh số 67/SL, bổ nhiệm các ông Trần Văn Quang, Hoàng Minh Thảo vào Bộ Tư lệnh Đại đoàn 304; Sắc lệnh số 68/SL, về việc thành lập Ban Kinh tế Chính phủ.
Ngày 18-5-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 73/SL, về việc thành lập Bộ Tư lệnh Bộ đội địa phương Liên khu IV; Sắc lệnh số 74/SL cử các ông Lê Chưởng làm Chính ủy, ông Trần Sâm làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh bộ đội địa phương Liên khu IV.
Cuối tháng 5-1950, từ Tân Trào Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xã Ấm Thượng, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ thăm cán bộ và chiến sĩ Đại đoàn 312.
Ngày 15-6-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 106/SL quy định các hình phạt và các cấp tòa án có thẩm quyền xét xử những người không tuân lệnh hay chậm trễ tuân lệnh làm nghĩa vụ quân sự, những người tự hủy hoại thân thể hoặc dùng thủ đoạn gian dối để hoãn làm nghĩa vụ quân sự, những người lạm dụng quyền hạn trong việc ra lệnh thi hành nghĩa vụ quân sự, những người tuyên truyền bằng lời nói hay việc làm để người khác trốn nghĩa vụ quân sự.
Ngày 20-6-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 111/SL chỉ định các ông Nguyễn Duy Trinh và Trần Đình Tri làm Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính miền Nam Trung Bộ.
Cũng khoảng thời gian tháng 6-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Trung ương quyết định mở Chiến dịch Biên giới.
Ngày 8-7-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 199/SL, ấn định nền tiền tệ Việt Nam là đồng.
Trung tuần tháng 7-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Hội nghị giáo dục toàn quốc họp ở Việt Bắc. Người căn dặn phải xây dựng một nền giáo dục phù hợp với cuộc kháng chiến và kiến quốc cả về chương trình sách giáo khoa và phương thức đào tạo.
Trước ngày 27-7-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Ban Tổ chức Trung ương nhân ngày thương binh tử sĩ nhắc nhở ý nghĩa ngày kỷ niệm này và mong các đoàn thể, các giới đồng bào có nhiều hình thức để tỏ lòng thương mến thương binh và gia đình các tử sĩ.
Ngày 6-8-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mệnh lệnh gửi Liên khu ủy Việt Bắc và các tỉnh trong liên khu “phải chỉnh đốn, phát triển và củng cố du kích các xã một cách thiết thực”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với em Nguyễn Thị Thanh, đại biểu nhỏ tuổi nhất dự Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ Nhất (Tuyên Quang, tháng 5-1952).
Ngày 25-8-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi Hội nghị các cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc. Người căn dặn: Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Cần dạy cho các cháu biết “Yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa”, đồng thời “phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ hoạt bát, tự nhiên, tự động trẻ trung của mình”.
Trong tháng 8-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng chuẩn y phương án tác chiến của Chiến dịch Biên giới.
Ngày 2-9-1950, bài Phải tẩy sạch bệnh quan liêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra thang thuốc chữa bệnh quan liêu là phải gần gũi dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Đầu tháng 9-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường đi chỉ đạo Chiến dịch Biên giới (Chiến dịch Cao-Bắc-Lạng).
Trong thời gian ở Khấu Lấu - Vực Hồ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp của Hội đồng Chính phủ tháng 4, tháng 5, tháng 7-1950, quyết nghị về công tác ngoại giao, giáo dục, cải tổ bộ máy tư pháp, giao thông công chính, nội vụ; nhận định về tình hình quân sự, thảo luận và nghị quyết những vấn đề về nội chính và kinh tế; kiểm điểm tình hình quân sự trong thời gian kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến; nghe báo cáo tình hình 6 tháng đầu năm, thông qua những công tác chính trong 6 tháng cuối năm và giải quyết một số vấn đề quan trọng khác.
(Còn nữa)
Theo Địa chí Tuyên Quang
Gửi phản hồi
In bài viết