Vang dội chiến thắng Bình Ca

- Di tích lịch sử Bình Ca là nơi bắn chìm một pháo thuyền Pháp trên sông Lô ngày 12-10-1947 và đánh lui một trận đổ bộ của chúng sáng 13-10-1947. Đây là chiến công mở đầu cho những chiến công rực rỡ khác trên sông Lô của quân và dân ta trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947.

Đánh bại chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của địch

Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, khu vực Bình Ca thuộc xã Đèo Tỉnh. Sau cách mạng tháng Tám đổi thành xã Thái An. Tới cuối năm 1947, hợp nhất xã Thái An với xã Kim Ninh, xã Vân Thành, xã An Hòa thành xã Vĩnh Lợi. Di tích nằm ở thôn Thái An, nay là thôn Bình Ca, xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đây là nơi đã diễn ra nhiều trận đánh nên địa bàn phân bố khá rộng xung quanh khu vực bến Bình Ca. Trận địa phục kích bắn chìm tàu chiến Pháp nằm trên lưng chừng thành Vại trên đồi Ba Cô, gần sát mép bờ sông Lô, phía sau đền Ba Khuân. Trận địa phục kích đánh trận đổ bộ của thực dân Pháp xâm lược tại dốc Ba Khuân, sát quốc lộ 37.

Tượng đài chiến thắng Bình Ca.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quay trở lại Việt Bắc lần thứ hai để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngày 7-10-1947, thực dân Pháp xâm lược cho quân ào ạt tấn công lên Việt Bắc. Nắm được ý đồ của địch, ngày 8-10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi bộ đội, dân quân, du kích và toàn thể đồng bào ra sức tiêu diệt địch. Cùng với quân - dân Việt Bắc, Tiểu đoàn 42 vinh dự được giao nhiệm vụ trấn giữ bến Bình Ca. Ngày 12-10-1947, từ sớm đến trưa máy bay “Bà già” của địch từ phía Đoan Hùng bay lên phía Tuyên Quang, rà soát dọc hai bên bờ sông Lô nhiều lần. Khoảng 16 giờ, đài quan sát đặt gần đền Ba Khuân báo tin có đoàn tàu địch đi theo đội hình một tốp 3 chiếc xuất hiện. Toàn trận địa nhận lệnh chiến đấu. Chỉ với một trận đánh quyết liệt, gọn ghẽ, bắn chìm tàu chiến, đập tan cuộc đổ bộ của Pháp, tiểu đoàn đã dập tắt ý đồ của địch định thọc vào căn cứ Tân Trào.

Quang cảnh khu vực bến Bình Ca trên sông Lô nối từ xã An Khang (TP Tuyên Quang) sang xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương).

Sau chiến dịch đánh bại cuộc tấn công lớn của thực dân Pháp xâm lược lên Việt Bắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư khen ngợi cán bộ, chiến sĩ và tặng cờ khen Tiểu đoàn 42. Chiến thắng trên sông Lô đã bẻ gãy một trong hai gọng kìm của thực dân Pháp xâm lược. Trong đó chiến thắng Bình Ca là chiến công mở đầu cho những chiến công rực rỡ trên sông Lô. Chiến thắng Bình Ca đã báo hiệu sự chuyển biến mới về tình hình chiến cuộc. Từ đây, giặc Pháp không thể tự do đi vào đất khu X như vào nơi không có người.

Một số hiện vật của di tích như lá cờ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao tặng Tiểu đoàn 42 về thành tích chiến đấu được bảo quản nguyên vẹn. Một số chiến lợi phẩm thu được tại chiến trường và trên xác tàu chiến Pháp (trục vớt năm 1996) cũng được bảo quản tốt. Các hiện vật này đang được bảo quản tại Bảo tàng Quân đội và Bảo tàng Tuyên Quang. Bình Ca được xếp hàng Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.

Bình Ca hôm nay

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lợi Nguyễn Đức Tính cho biết: kinh tế của xã tập trung phát triển nông, lâm nghiệp. Xã có trạm y tế, trường Mầm non, Tiểu học, THCS, hệ thống đường điện, viễn thông, giao thông, đường nội đồng, kênh mương thủy lợi được đầu tư xây dựng khang trang lồng ghép từ nhiều nguồn lực. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và nỗ lực của nhân dân trong xã, năm 2019 Vĩnh Lợi được công nhận xã nông thôn mới và đang thực hiện xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Số hộ nghèo của xã giảm xuống còn 7,4%, hộ cận nghèo còn 4%, thu nhập bình quân đầu người đạt 53,4 triệu/người/năm.

Trường Tiểu học Vĩnh Lợi được đầu tư xây dựng khang trang.

Những năm gần đây kinh tế của xã có sự chuyển dịch sang phát triển công nghiệp. Trên địa bàn xã có Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa thuộc Khu công nghiệp Long Bình An của tỉnh đang hoạt động, là điều kiện để xã phát triển nguồn nguyên liệu gỗ và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho địa phương.  

Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn luôn được xã Vĩnh Lợi thường xuyên quan tâm, chú trọng; chất lượng khám chữa bệnh, các dịch vụ y tế ngày một được nâng lên; chế độ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách, trẻ dưới 6 tuổi được đảm bảo. Các thôn đều có đội văn nghệ, thể thao góp phần xây dựng đời sống văn hóa tại cơ sở.

Xã Vĩnh Lợi hôm nay đã nhiều đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một nâng lên. Xã đang tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới xứng đáng với truyền thống lịch sử, để Bình Ca mãi là địa chỉ đỏ về nguồn của nhân dân cả nước.

Bài, ảnh: Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục