Bản Chương, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn (từ cuối năm 1947 đến đầu năm 1948).
Ngày 9-10-1947, Tổng Bí thư Trường Chinh chuyển đến Bản Chương ở và làm việc tại nhà ông Hà Văn Lai. Ngày 14-101947, Tổng Bí thư đến Văn phòng Bộ Tổng chỉ huy họp. Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí nói: “Chúng ta vừa đánh, vừa học kể cả học cái hay của địch để sửa chữa sai lầm của ta, lợi dụng triệt để những nhược điểm của địch, nhằm đúng vào chỗ yếu của địch mà đánh, làm sao cho kẻ địch thiệt hại đến mức không thể gượng lại sau chiến dịch này và buộc chúng phải sang thế thủ”.
Ngày 15-10-1947, Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị Phải phá cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp. Tổng Bí thư Trường Chinh viết bài phân tích “Tinh thần bản chỉ thị của Trung ương ngày 15 -10-1947”.
Từ ngày 15 đến ngày 17-1-1948, Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (mở rộng) bàn về đẩy mạnh kháng chiến và kiến quốc, đề ra những nhiệm vụ và công tác mới để đẩy mạnh cuộc kháng chiến trong giai đoạn mới. Đồng chí đã báo cáo về chiến thắng Việt Bắc, nhấn mạnh nguyên nhân dẫn đến thắng lợi là dựa vào sự đoàn kết và cố gắng của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Hồ Chí Minh. Hội nghị quyết định kiện toàn cơ quan lãnh đạo bằng việc lập ra các Ban chuyên trách như: Tuyên huấn Trung ương, Đảng vụ, Kiểm tra... Đồng chí Trường Chinh được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo Ban Tuyên huấn Trung ương và Báo Sự thật.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và Lê Đức Thọ đọc báo Sự Thật tại Chiến khu Việt Bắc, năm 1948.
Đồng Man, làng Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (lần thứ nhất, từ đầu năm 1948 đến cuối năm 1948).
Đầu năm 1948, Tổng Bí thư Trường Chinh và Văn phòng Tổng Bí thư cùng các Ban Đảng chuyển đến ở, làm việc tại Đồng Man, làng Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương.
Ngày 27-3-1948, Tổng Bí thư Trường Chinh thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Bản chỉ thị nhấn mạnh mục đích của thi đua ái quốc là: “làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”1.
Ngày 1-4-1948, thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Trường Chinh ra Quyết nghị về việc triệu tập đại biểu và chuẩn bị Hội nghị toàn quốc của Đảng sẽ tổ chức vào tháng 8-1948.
Tổng Bí thư Trường Chinh đặc biệt quan tâm xây dựng đường lối văn hóa kháng chiến. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai tháng 7-1948, Tổng Bí thư đã đọc báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam nêu lên những luận điểm biện chứng mácxít về văn hóa kháng chiến và kiến quốc. Đây là tác phẩm đặt cơ sở lý luận xây dựng nền văn hóa - văn nghệ cách mạng và giải quyết những vấn đề thực tiễn của văn hóa nước ta trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ.
Tổng Bí thư và Thường vụ Trung ương Đảng chuẩn bị Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ năm (ngày 8-8-1948), bàn về nhiệm vụ củng cố và phát triển Đảng, chấn chỉnh tổ chức, thực hiện dân chủ, thống nhất tư tưởng, hành động, nâng cao trình độ lý luận của đảng viên, sửa đổi lề lối làm việc.
Tháng 10-1948, đồng chí Trường Chinh ký ban hành một số Nghị quyết và Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng: về thành lập Ban Kiểm tra Trung ương; nguyên tắc chi tiêu trong Đảng; sửa chữa những khuyết điểm trong việc lãnh đạo thi đua ái quốc...
Ngày 18-10-1948, Tổng Bí thư Trường Chinh gửi thư cho đồng chí Lê Duẩn và Xứ ủy Nam Bộ về việc củng cố phong trào cách mạng ở Nam Bộ và chỉnh đốn công tác Đảng.
Ngày 24-10-1948, theo đề nghị của Hội nghị cán bộ Đảng trong quân đội lần thứ năm và Hội nghị cán bộ lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Quyết nghị về tổ chức và hệ thống Đảng trong quân đội.
Khuôn Miềng, xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa (từ cuối năm 1950 đến tháng 2-1951).
Trong thời gian ở bản Khây (thôn Khuôn Miềng ngày nay), Văn phòng Tổng Bí thư đã giúp đồng chí Trường Chinh hoàn thiện báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam và chuẩn bị bài phát biểu về chính sách Mặt trận Dân tộc thống nhất của Đảng, trình bày tại Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh - Liên Việt.
Ngày 7-10-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra thông tư gửi các Liên khu ủy Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV, Liên khu V và Hà Nội về việc bảo vệ vụ lúa mùa. Trung ương đã yêu cầu các Khu ủy đặc biệt chú ý cùng các Đảng, Đoàn, chính quyền địa phương thực hiện triệt để những quyết định của Hội đồng Chính phủ đã đề ra.
Ngày 25-10-1950, Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì Hội nghị Thường vụ Trung ương bàn về công việc chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Dự kiến số lượng đại biểu, số lượng ủy viên Trung ương và thảo luận, cho ý kiến về những văn kiện sẽ trình bày tại Đại hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp sau phiên họp Hội đồng Chính phủ tại đèo De, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (năm 1950).
Ngày 30-11-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra quyết định thành lập Đảng ủy Mặt trận Trần Hưng Đạo. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư, đồng thời trực tiếp chỉ huy chiến dịch.
Ngày 8 và 9-12-1950, tại Văn phòng Tổng Bí thư, Ban Thường vụ Trung ương đã họp và quyết nghị về công tác tuyên truyền với những nội dung: Uỷ ban bảo vệ hòa bình thế giới ở Việt Nam ủng hộ và tuyên truyền nghị quyết của Đại hội hòa bình thế giới lần thứ hai. Chọn ngày 9-1 là ngày đấu tranh của học sinh Việt Nam.
Ngày 16-12-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 36-CT/TW Về việc chấn chỉnh công tác thanh vậngửi các cấp bộ Đảng trong tình hình quân địch đang tìm mọi cách lợi dụng thanh niên trong vùng bị tạm chiếm nhằm chia rẽ hàng ngũ thanh niên Việt Nam và tàn sát những thanh niên yêu nước.
Giữa tháng 1-1951, kế hoạch tổ chức Đại hội do đồng chí Trường Chinh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng báo cáo lên Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã được Người đồng ý trong thư gửi cho Đại hội trù bị của Đảng.
Ngày 18-1-1951, đồng chí Trường Chinh báo cáo trước phiên họp trù bị Đại hội về tình hình chuẩn bị Đại hội.
Ngày 1-2-1951, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp kiểm điểm lần cuối tình hình chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng.
Đầu tháng 2-1951, từ Văn phòng Tổng Bí thư, đồng chí Trường Chinh đi dự Đại hội trù bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng.
Thôn Phú An, xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (từ tháng 2 đến tháng 3-1951).
Ngày 11-2-1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Tổng Bí thư Trường Chinh đọc báo cáo Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội (còn gọi là Luận cương cách mạng Việt Nam).
Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đọc báo cáo trước Đại hội lần thứ II của Đảng, xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa - tháng 2/1951.
Đồng chí Trường Chinh đã được Đại hội bầu làm Tổng Bí thư của Đảng Lao động Việt Nam. Ngày 3-3-1951, Đảng Lao động Việt Nam chính thức ra mắt quốc dân. Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày tôn chỉ, mục đích, chính cương mới của Đảng.
Trong bài phát biểu về “Chính sách Mặt trận dân tộc thống nhất của Đảng” tại Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt, tháng 3-1951, Tổng Bí thư Trường Chinh đã nêu những nhiệm vụ trước mắt của Mặt trận ở Việt Nam, đồng thời chỉ rõ mối quan hệ giữa các Mặt trận Dân tộc thống nhất ở Đông Dương. Đồng chí xác định: Mặt trận ở mỗi nước có tổ chức độc lập của mình, nhưng hoạt động theo một cương lĩnh tối thiểu chung chống đế quốc, dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ, hợp tác, tôn trọng lẫn nhau.
Trung tuần tháng 3-1951, Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương. Hội nghị đã phân tích tình hình và đề ra những nhiệm vụ trước mắt, quyết định những vấn đề quân sự, kinh tế tài chính, bảo vệ hoà bình thế giới, về bộ máy và lề lối làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Kiểm tra, Trung ương Cục miền Nam, các cơ quan giúp việc Trung ương và lề lối lãnh đạo.
Đồng Man làng Tân Lập, Tân Trào (lần thứ hai, từ tháng 4-1951 đến cuối năm 1953).
Ngày 16-4-1951, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Trường Chinh ký ban hành Nghị quyết về việc lập các ban và tiểu ban giúp việc.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, cuối năm 1951, Văn phòng Tổng Bí thư đã thành lập thư viện có tên bí danh là CP-15 để lưu giữ những tài liệu quý hiếm, là những tác phẩm kinh điển của C. Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin.
Tiếp tục hoàn chỉnh và cụ thể đường lối kháng chiến, kiến quốc trong năm 19511952, từ ngày 27-9 đến ngày 5-10-1951, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp và ra Nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ chung và về nhiệm vụ quân sự trước mắt.
Tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng, từ ngày 22 đến ngày 28-4-1952, đồng chí Trường Chinh đã trình bày báo cáo Mặt trận Dân tộc thống nhất và vấn đề đại đoàn kết. Báo cáo nhấn mạnh nâng cao vai trò lãnh đạo và tác phong công tác của Đảng đối với Mặt trận, tăng cường tập hợp mọi lực lượng dân tộc và dân chủ vào một Mặt trận thống nhất để kháng chiến, xây dựng nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do, phú cường.
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ ngày 25 đến ngày 30-1-1953, Tổng Bí thư Trường Chinh đọc báo cáo nêu rõ mục đích, ý nghĩa, phương châm, phương pháp và kế hoạch thực hiện chính sách cải cách ruộng đất.
Thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn (từ cuối năm 1953 đến tháng 8-1954).
Cuối năm 1953 đầu năm 1954, Bộ Chính trị thông qua phương án tác chiến tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Ngày 1-1-1954, Bộ Chính trị đã thành lập cơ quan lãnh đạo và chỉ huy chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch.
Ngày 8-2-1954, Bộ Chính trị ra Chỉ thị động viên quân đội và nhân dân tiếp tục đánh giặc và phục vụ tiền tuyến. Ngày 22-2-1954, Tổng Bí thư Trường Chinh thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành chỉ thị Ra sức phá tan mưu mô đẩy mạnh chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp - Mỹ. Sau khi đợt 1 (từ 13 đến 17-3-1954) của chiến dịch kết thúc thắng lợi, ngày 18-3-1954 Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ thị Về việc mở rộng tuyên truyền những chiến thắng của quân ta ở Điện Biên Phủ.
Ngày 20-3-1954, để đợt 4 cuộc vận động phát động quần chúng giảm tô tiếp tục được mở rộng và tác động tích cực hơn nữa đến cuộc chiến đấu của quân, dân ta ngoài mặt trận, Tổng Bí thư Trường Chinh đã ký chỉ thị Về mấy vấn đề cần chú ý trong phát động quần chúng giảm tô đợt 4.
Ngày 19-4-1954, Bộ Chính trị ra Nghị quyết Về tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, tiến chắc, đề cao quyết tâm tích cực giành toàn thắng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Hội nghị Trung ương lần thứ sáu khóa II (mở rộng) họp tại Kim Quan, từ ngày 15 đến ngày 17-7-1954), sau báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày báo cáo “Để hoàn thành nhiệm vụ mới và hoàn thành công tác trước mắt”. Hội nghị đã tập trung xem xét đánh giá tình hình mới và vạch ra phương châm, chính sách và sách lược mới của cách mạng Việt Nam. Đây là hội nghị sau cùng của Trung ương Đảng tại chiến khu Việt Bắc.
Gửi phản hồi
In bài viết