Ứng xử có văn hoá khi xảy ra va chạm giao thông

- Các vụ va chạm giao thông trên đường có thể xảy ra với bất kỳ mỗi người và khá phổ biến hiện nay. Khi không may xảy ra trường hợp này, mọi người cần bình tĩnh, ứng xử có văn hoá tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

 Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an Tuyên Quang tăng cường tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông và kết hợp tuyên truyền pháp luật, văn hoá ứng xử cho người tham gia giao thông.

Thời gian qua, báo chí, mạng xã hội liên tục thông tin nhiều vụ va chạm giao thông trên đường phố. Những thiệt hại về tài sản sau vụ va chạm có thể không lớn, nhưng nhiều sự việc để lại hậu quả nghiêm trọng khi mà các bên thiếu kiềm chế dẫn đến những hành vi ứng xử không chuẩn mực, thậm chí vi phạm pháp luật hình sự. Từ những va chạm nhỏ, chính cách hành xử côn đồ, xảy ra ẩu đả, gây tắc đường, gây rối trật tự công cộng, ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự an toàn giao thông.

Những hành vi xấu trên bị xã hội lên án, cơ quan chức năng cũng đã xử lý nghiêm minh, tạo sự răn đe, góp phần xây dựng văn hoá ứng xử khi tham gia giao thông và nơi công cộng. Ví như, đầu tháng 2 này, Công an huyện Thạch Thất (TP Hà Nội) đã khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Huy Văn, cán bộ Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Thạch Thất về hành vi gây rối trật tự công cộng. Trước đó, vào ngày 22-01-2025, ông Văn đã xảy ra xô xát với anh T.H.Th. (trú tại huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ). Nguyên nhân ban đầu, ông Văn điều khiển xe ô tô con va chạm với xe tải do anh Th điều khiển. Sau đó, ông Văn đã xuống xe, hành hung khiến anh Th bị thương.

Theo Luật sư Vũ Trung Kiên, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Tuyên Quang, Giám đốc Công ty Luật TNHH Vũ Kiên, nếu có va chạm giao thông, các bên cần bình tĩnh, nhẹ nhàng giải quyết bởi sự việc ra đều không ai mong muốn, cố ý. Với những vụ va chạm không quá nghiêm trọng về người và tài sản, các bên có thể tự thỏa thuận và thương lượng với nhau trên tinh thần cảm thông, hài hòa đôi bên và di chuyển phương tiện để tránh cản trở giao thông. Nếu có người bị thương, cần ưu tiên đưa nạn nhân đến nơi an toàn.

Trường hợp một trong các bên có dấu hiệu không kiềm chế được cảm xúc, có ý định xâm phạm tài sản, sức khỏe, tính mạng... hoặc vụ việc nghiêm trọng, phức tạp thì cần giữ nguyên hiện trường và báo với cơ quan Công an để can thiệp, giải quyết kịp thời. Người trong cuộc tuyệt đối không nên vì bức xúc, nóng giận nhất thời mà có những hành động mang tính cực đoan, dễ dẫn tới hậu quả pháp lý là các vụ án hình sự đáng tiếc. Pháp luật hiện hành đã quy định rõ ràng các chế tài đối với những hành vi vi phạm do thiếu kiềm chế khi tham gia giao thông. Các hành vi như "cố ý gây thương tích", "gây rối trật tự công cộng" hay "hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác"… Các hành vi trên đều có thể bị xử lý nghiêm tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm thì người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trung tá Vũ Hoàng Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông- Trật tự, Công an thành phố Tuyên Quang cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, văn hoá ứng xử khi tham gia giao thông cho đông đảo người dân, học sinh thông qua các hội nghị, buổi ngoại khoá, báo chí, mạng xã hội và kết hợp trong quá trình tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Thực tế, các vụ va chạm giao thông trên đường xuất phát từ nguyên nhân như: Hạ tầng giao thông, số lượng các phương tiện tăng cao, nhưng cốt lõi vẫn là ý thức của người tham gia giao thông. Khi không may xảy ra va cham giao thông, mọi người cần bình tĩnh và cách ứng xử phù hợp, nâng cao ý thức và tuân thủ quy định giao thông. Đừng để một phút nóng giận dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Thực tế, việc mỗi người khi tham gia giao thông, ngoài việc phải chấp hành nghiêm pháp luật và có những ứng xử văn minh, lịch sự sẽ góp phần xây dựng văn hóa giao thông để những chuyện đáng tiếc không xảy ra, tạo môi trường giao thông thân thiện và an toàn.

Bài, ảnh: Lý Thịnh

Tin cùng chuyên mục