Truyền đam mê
- “Sông! Cũng như người ấy/Có khi vui buồn có khi hờn ghen chỉ tình yêu tuổi thơ mới thấy/Ôi! Những con thuyền giấy những năm tuổi thơ đã đi về đâu...”.
- Chưa được rồi Yến Nhi. Chữ “Sông” em cần mở khẩu hình to hơn và ngân thêm nữa nhé!
Từ lớp học thanh nhạc của chị La Hồng Nhung, Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Thanh thiếu nhi tỉnh Tuyên Quang, tiếng hát trong trẻo, mượt mà, cao vút vang ra, khiến người nghe như bị cuốn theo. 20 năm sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc (Thái Nguyên), chị Nhung vẫn gắn bó với nơi này. Hiện chị được phân công giảng dạy 1 lớp, duy trì quanh năm từ 25-30 học sinh. Niềm đam mê ca hát của các em học sinh như “liều doping” để chị vượt lên mọi mệt mỏi.
Học sinh của chị dạy ở nhiều lứa tuổi. Nhiều nhất là lứa tuổi từ 8 - 15 tuổi, nhưng cũng có nhiều lớp, học viên đã ở lứa tuổi U50, U60.
Chị Nhung (bên phải) say sưa luyện cho học sinh hát đơn ca.
“Cây không có gốc thì không phát triển. Đam mê thì không kể tuổi”, chị Nhung bảo thế. Bởi vậy, ai có nhu cầu học chị cũng cố gắng tạo điều kiện hết sức. Chị chú trọng dạy các kiến thức cơ bản nhất làm nền tảng để phát triển. Chị khuyến khích học trò thử sức ở nhiều dòng nhạc khác nhau như: dân ca, thính phòng, rock, balat... để các em tự khám phá khả năng của chính mình.
Lớp học hội họa Sunny art club Tuyên Quang của cô giáo Mai Thị Hương ngổn ngang những giá vẽ, màu vẽ, những bức tranh với nhiều chủ đề treo khắp phòng. Dưới sự hướng dẫn tận tình của chị Hương, các em say sưa với màu và các bức vẽ với vô vàn các chủ đề trong cuộc sống.
Chị Hương trải lòng, 14 năm dạy môn Mỹ thuật tại trường THCS Phan Thiết, chị thấy học sinh ở trường có năng khiếu, nhiều em rất thích vẽ nhưng lại chưa biết cách thể hiện. Trăn trở đó đã khiến chị kết nối với các giáo viên dạy Mỹ thuật ở các trường khác trên địa bàn thành phố để mở trung tâm, xây dựng chương trình học phù hợp theo độ tuổi, bám sát với chương trình đổi mới giáo dục phổ thông năm 2018 và phân công nhau giảng dạy. Học sinh đến đây không chỉ được vẽ trên giấy bằng chì màu hoặc sáp màu mà được vẽ bằng màu nước, màu bột, sơn Acrylic, màu Goat... trên nhiều chất liệu như: gỗ, vải, sỏi, đá, gốm... Mục tiêu chị hướng tới là giúp các em tiếp cận với mỹ thuật ứng dụng, tạo ra những sản phẩm thiết thực trong cuộc sống như: trang trí túi vải, giày vải, mũ...
Chị Hương (thứ tư từ phải sang) hướng dẫn học sinh vẽ màu nước.
Với môn Toán, kết quả đúng chỉ là duy nhất nhưng ở môn Mỹ thuật không có đáp án duy nhất. Mỗi em có cách thể hiện riêng và mỗi cách thể hiện là một tác phẩm nghệ thuật. Ngay đến việc hướng dẫn các em pha màu, chị Hương cũng khiến các em vô cùng tò mò và thích thú. Điều đó, càng kích thích các em tự do khám phá, nâng cao kỹ năng quan sát, có năng lực đánh giá và thể hiện cá tính, tư duy. Chẳng thế, chỉ 1 cơ sở ban đầu vào năm 2021 đến nay, trung tâm của chị Hương đã có 6 cơ sở dạy vẽ. Trong đó, có 4 cơ sở ở thành phố, 1 cơ sở ở huyện Na Hang và 1 cơ sở tại Hà Nội.
Kết “trái ngọt”
Chị Nguyễn Thị Hà Ly, thôn Tân Thành, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) phấn khởi chia sẻ, con trai chị chỉ sau 2 năm được cô Hương và các cô ở trung tâm chỉ bảo, cháu vẽ ngày càng đẹp hơn. Từ ngày gặp các cô, tất cả những vật dụng giản dị trong cuộc sống đều trở thành đề tài để cháu sáng tác. Dù nắng hay mưa, dù nhà có cách xa trung tâm nhất nhưng cháu luôn háo hức chờ đến cuối tuần để được đi học vẽ.
Từ việc truyền đam mê, giúp các em có thêm nhiều trải nghiệm mới, có thêm thú vui để thư giãn sau những giờ học căng thẳng ở lớp, chị Hương và các giáo viên ở trung tâm còn giúp các em mạnh dạn thử sức ở những cuộc thi và bước đầu đã gặt hái được “trái ngọt”. Tiêu biểu như em Phạm Hương Giang, lớp 6C, trường THCS Trần Phú, xã Đội Cấn (TP Tuyên Quang) đạt giải Nhì cuộc thi vẽ tranh - chụp ảnh - sáng tác thơ “Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới” lần thứ I dành cho thiếu nhi toàn quốc, do Tạp chí Thể thao và Cuộc sống tổ chức; giải triển vọng tại Cuộc thi vẽ tranh “Ngôi nhà mơ ước năm 2023” do Tạp chí Trẻ em Việt Nam tổ chức và giải B tại cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi “Cuộc sống quanh em” do Trung tâm Văn hóa Thể thao - Thanh thiếu nhi tổ chức.
Ngoài ra, học sinh do chị Hương hướng dẫn còn đạt các giải thưởng khác như: 1 giải Khuyến khích Cuộc thi vẽ tranh quốc tế về môi trường dành cho thiếu nhi do Tập đoàn Kao tổ chức; 1 giải Giải Nhất tuần Cuộc thi “Thiếu nhi Việt Nam - mừng Đại hội Đoàn” do Hội đồng Đội Trung ương tổ chức; giải Nhì cấp Quốc gia Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc với tác phẩm truyện tranh song ngữ; 2 giải Nhì tại Cuộc thi Sơ đồ tư duy Việt Nam...
Em Nguyễn Hoàng Anh Tuấn (đứng thứ 3 từ phải sang) nhận giải Xuất sắc tại Festival nghệ thuật Châu Á năm 2022.
Nỗ lực của chị Nhung cũng được đền đáp với những thành quả xứng đáng. Đó là những học trò chỉ mới 4 - 5 tuổi, khi đến nói còn ngọng nghịu, chị vừa dạy, vừa dỗ nhưng nay hát tròn vành, rõ tiếng, là những “tài năng nhí” vô cùng đáng yêu. Nhiều em là những “cây” văn nghệ, thành viên nòng cốt trong Đội văn nghệ của lớp, của trường.
Một số bạn xuất sắc hơn thì đạt giải cao tại các cuộc thi như: Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, THCS Lưỡng Vượng, đạt giải Nhất Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc “Thắp lửa ước mơ”; giải Xuất sắc tại Festival nghệ thuật Châu Á năm 2022; Vũ Thị Kim Ngân, xã Yên Lâm (Hàm Yên) đạt Cup ca sỹ tài năng nghệ thuật Châu Á - Thái Bình Dương năm 2022 tại Gala tôn vinh Tài năng nghệ thuật và làm đẹp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ II; 1 tiết mục tam ca do 3 học sinh cô Nhung hướng dẫn đạt 1 Huy chương vàng tại Liên hoan Búp sen hồng năm 2022...
Từ những “trái ngọt” đầu tiên này, cô Nhung, cô Hương và các nhiều thầy cô dạy năng khiếu khác đã và đang tiếp tục chắp cánh ước mơ cho các thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện để các em - những “hạt giống” nghệ thuật của tỉnh nhà ngày càng nảy nở và phát triển trong tương lai.
Gửi phản hồi
In bài viết