Câu hỏi: Tôi đang có con học lớp 5 và sắp tới sẽ được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Tôi xin được hỏi, liệu vaccine này có ảnh hưởng lâu dài, nhất là vấn đề sinh sản của trẻ hay không?
Trả lời:
PGS, TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương:
Đứng trước một mũi tiêm dành cho trẻ em, chúng ta đều lo lắng. Với nhóm trẻ ít tuổi hơn, có sự đặc biệt hơn về thể chất, về tinh thần, sự lo ngại của cha mẹ cũng nhiều hơn. Để nghiên cứu và chỉ định tiêm vaccine nào cho trẻ, chúng tôi đều phải đọc tài liệu để tiếp cận, để tư vấn được tốt cho các bậc phụ huynh.
Sự an toàn của loại vaccine Pfizer tiêm cho đối tượng trẻ em đã được nghiên cứu bởi nhà sản xuất và được cấp phép bởi tính an toàn. Đến nay, đã có 60 nước chỉ định vaccine này cho trẻ em.
Về phản ứng lâu dài như sinh sản hay di truyền, chúng ta cần hiểu, vaccine Pfizer lấy vật liệu chính là các ARN thông tin (mRNA) đi vào trong bào tương tế bào miễn dịch, phối hợp cùng các ribosom tạo ra các protein S.
Các protein S ra ngoài cùng các tế bào miễn dịch khác tạo các kháng thể chống đỡ vaccine. Các ARN thông tin này chỉ vào bào tương của tế bào, không xâm nhập vào nhân tế bào, nơi chứa các vật liệu di truyền của cơ thể con người. Đây là một cơ chế khoa học rất rõ ràng.
Những ảnh hưởng ngay lập tức 5-10 ngày sau tiêm không nên lo ngại vì đây là những ảnh hưởng giống như các loại vaccine tiêm chủng cho trẻ lớn hơn và cho người lớn.
Vai trò của các ông bố, bà mẹ là phối hợp với những người tiêm chủng, với hệ thống y tế điều trị để quan sát, theo dõi trẻ xem trẻ chỉ phản ứng ở mức độ thông thường hay phản ứng ở mức độ nặng hơn.
Trong thời gian vừa qua, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiêm chủng cho nhóm tuổi từ 12-18 tuổi, thấy rằng sự đồng thuận của cha mẹ cũng như phản ứng của các cháu rất tốt về tâm lý. Vì vậy, trong thời gian tới đây, ngoài việc chuẩn bị về số thuốc, về dây chuyền tiêm… chúng ta phải có vai trò nữa là truyền thông, để bố mẹ các cháu đồng thuận đưa các cháu đi tiêm.
Gửi phản hồi
In bài viết