Những ngày cuối năm 2023, chúng tôi theo chân chị Bàn Thị Sản, sinh năm 1986, người có uy tín, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn Húc, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) thu hoạch quất quả. Chị Sản tươi cười bảo, năm nay quất quả được giá hơn mọi năm, dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán 2024 giá quất quả còn tăng nữa, sau khi trừ chi phí, chị có thể thu được khoảng trên 150 triệu đồng. Gần 500 gốc quất 18 năm tuổi là thanh xuân của chị Sản. Từ ngày chị lấy chồng và theo anh về đây làm kinh tế, khởi nghiệp từ trồng quất. Quất cho quả quanh năm, suốt tháng và cũng chẳng tốn công chăm sóc và đây cũng là nguồn thu chính của gia đình trong những năm qua. Từ nguồn thu từ quất, chị Sản bàn với chồng đầu tư, chuyển đổi cây trồng sang cây ăn quả. Trên diện tích hơn 4 ha đất sản xuất, gia đình chị hiện trồng các cây ăn quả như bưởi, mít, hồng không hạt với khoảng 800 gốc. Đa phần các loại cây ăn quả đều đã cho thu hoạch. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, mô hình kinh tế của chị cho thu nhập từ 200 triệu đồng trở lên.
Phát huy vai trò người có uy tín trẻ tuổi, anh Ma Văn Dự, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Tâm, xã Bình Nhân (Chiêm Hóa) năng nổ, nắm chắc tình hình đời sống Nhân dân.
Đồng chí Phạm Ngọc Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh cho biết, không chỉ gương điển hình trong phát triển kinh tế, 6 năm là người có uy tín, chị Sản còn nêu cao vai trò, trách nhiệm, chủ động nắm bắt ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân cũng như đồng bào các DTTS. Chị kịp thời tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với bà con; kịp thời nắm bắt, báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương những vụ việc làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Xuất ngũ về địa phương, anh Ma Văn Dự, sinh năm 1987, dân tộc Tày được cấp ủy, chính quyền bồi dưỡng để đứng trong hàng ngũ của Đảng. Từ năm 2015 đến nay, anh được giao đảm nhiệm các chức danh chủ chốt của thôn là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn. Năm 2018, anh được tín nhiệm là người có uy tín Đồng Tâm, xã Bình Nhân (Chiêm Hóa) được cấp ủy, chi bộ, Nhân dân tin tưởng chính là động lực để anh nỗ lực xây dựng, củng cố uy tín, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Phát huy vai trò trên cương vị, chức trách được giao, nhất là người có uy tín trẻ tuổi, anh Dự đã luôn xốc vác, quyết liệt trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao phó. Thôn có gần 140 hộ, trên 520 nhân khẩu. Từ năm 2019 đến nay, anh cùng tập thể chi bộ lãnh đạo, vận động Nhân dân đóng góp hàng trăm triệu đồng, gần 2.000 ngày công để xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở. Nhân dân trong thôn đoàn kết, tập trung phát triển kinh tế, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Tính đến thời điểm này, thu nhập bình quân của thôn đạt trên 40 triệu đồng/người/tháng, đời sống của Nhân dân được nâng lên. Năm 2021, anh được UBND tỉnh tặng Bằng khen người uy tín tiêu biểu đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.
Chị Bàn Thị Sản, anh Ma Văn Dự là 2 trong 21 người có uy tín trẻ tuổi từ 30 đến dưới 40 tuổi, chiếm 1,88% trong tổng số người có uy tín trên địa bàn tỉnh. Theo Ban Dân tộc tỉnh, năm 2023, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của toàn tỉnh có 1.116 người. Trong đó, từ 40 đến dưới 50 tuổi là 97 người, chiếm 8,7%; từ 50 đến dưới 60 tuổi là 307, chiếm 27,5%; từ 60 đến dưới 70 tuổi là 485 người, chiếm 43,45%; từ trên 70 tuổi là 206 người, chiếm 18,47%.
Chị Bàn Thị Sản được UBND tỉnh công nhận là người có uy tín thôn Húc, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) từ năm 32 tuổi cho đến nay.
Có thể thấy, đội ngũ người có uy tín đang dần được trẻ hóa. Nhiều người uy tín trẻ tuổi từ 30 đến dưới 40 tuổi nhưng được công nhận là người có uy tín từ những năm 30 tuổi, 32 tuổi và giữ “vị thế” cho đến nay. Điều đó cho thấy, đồng bào DTTS đã thay đổi quan niệm “Người có uy tín phải là người cao tuổi”. Người có uy tín trẻ tuổi có những ưu thế nhất định: Có sức khỏe, nhanh nhạy trong tiếp cận thông tin; ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới; đa phần có trình độ chuyên môn, bằng cấp được đào tạo, luôn nhiệt huyết, tìm tòi, sáng tạo. Từ những việc làm thực tế đó đã làm cho người dân tin tưởng, làm theo.
Việc lựa chọn người cao tuổi vào hàng ngũ người có uy tín không chỉ bởi bản thân người cao tuổi gương mẫu mà họ còn có nhiều kinh nghiệm sống; có sự am hiểu về lịch sử, văn hóa địa phương, bản sắc dân tộc, hiểu về phong tục, tâm tư của bà con chòm xóm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, đội ngũ người có uy tín cao tuổi còn những bất cập nhất định như sức khỏe hạn chế, chưa am hiểu, sử dụng thành thạo các phương tiện về công nghệ nên công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng Nhân dân tham gia hoạt động, phong trào của địa phương chưa đạt hiệu quả như mong đợi. “Tre già, măng mọc” là quy luật tất yếu, do đó việc xây dựng đội ngũ người có uy tín trẻ tuổi cần có sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đồng thời, cần có chính sách cho người có uy tín trong giai đoạn tới cần quan tâm để phát huy “sức trẻ”.
Theo đồng chí Hoàng Thị Thắm, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, từ trước đến nay, tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS thực hiện theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Để tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín, hiện nay, cấp Trung ương đang xây dựng dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 12. Dự thảo đang trong quá trình lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân để hoàn thiện trình Chính phủ. Gắn với triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó chính sách cho người có uy tín được bố trí một tiểu dự án riêng, thì Quyết định mới được ban hành sẽ mang lại hiệu quả nhiều hơn nữa. Mong rằng, việc điều chỉnh chính sách sẽ phát huy hiệu quả sức trẻ của đội ngũ người có uy tín.
Gửi phản hồi
In bài viết