Văn chương không đứng ngoài cuộc

Gần hai năm qua, phòng, chống dịch Covid-19 là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Văn chương cũng không đứng ngoài cuộc, nhiều tác giả đã tận dụng thời gian để viết, không ít cuốn sách đã kịp ra đời trong thời gian vừa qua...

Nhiều cách thực hiện

Theo dõi trên các phương tiện truyền thông, có thể thấy số tác giả bám đề tài phòng, chống dịch Covid-19 khá nhiều. Ngoài các bài ký, ghi chép, tản văn, truyện ngắn, thơ... được in và phát hành thì còn có nhiều tác phẩm thơ được phổ nhạc, góp phần khích lệ cộng đồng trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh. Nhiều tác giả kịp xuất bản sách về đề tài này, được bạn đọc đón nhận như Tập truyện ngắn và tản văn “Cô Vy tự sự - Gió và Tình yêu vẫn thổi” (nhiều tác giả), “Nhật ký mùa dịch” (nhiều tác giả), tự truyện “Đi qua hai mùa dịch” của Dy Khoa, tiểu thuyết “Những ngày cách ly” của Đào Quang Thắng, trường ca “Sự sống và lòng biết ơn” của Phạm Phương Thảo, tiểu thuyết “Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái” của Iris Lê...

Theo tác giả Dy Khoa, ý tưởng để anh hoàn thành tự truyện xuất phát từ việc anh từng chịu khốn khổ khi là một bệnh nhân của dịch cúm A/H1N1 cách đây 11 năm, thấu hiểu cảm xúc của người mang kết quả "dương tính" và phải đi cách ly. Đại dịch Covid-19 và dịch cúm A/H1N1 đều có điểm chung là tác động tiêu cực đến sức khỏe, tinh thần của mọi người. Bởi thế Khoa viết, với mong muốn truyền năng lượng tích cực để độc giả bình tâm vượt qua đại dịch.

Trong tiểu thuyết “Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái”, tác giả Iris Lê tập trung vào cô y tá, nhân vật chính tên Mia đã chứng kiến biết bao chuyện vui buồn trong nghề nghiệp và cuộc sống. Đội ngũ y, bác sĩ ngày thường đã đối diện với nhiều áp lực lẫn nguy hiểm của đại dịch, họ không chỉ đối diện với sống chết, với những ẩn họa trong chính môi trường làm việc mà còn phải chịu áp lực từ những tin đồn thất thiệt, nhưng họ vẫn gieo tin yêu, nhân ái và cứu chữa cho nhiều bệnh nhân.

Với chất giọng đầy nữ tính, mượt mà, nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo cho ra mắt tập trường ca “Sự sống và lòng biết ơn”, gồm 46 khúc, hơn 220 trang in. Khi viết trường ca này, Phương Thảo thấy mình được chia sẻ rất nhiều. Chị bắt đầu viết trường ca từ tháng 1-2020 cho đến hết tháng 6-2021 thì kết thúc. Trong suốt gần hai năm ấy, hằng ngày chị luôn theo dõi và ghi chép thông tin về dịch Covid-19 như một thói quen ghi nhật ký và tiến hành sáng tác luôn những khúc ngắn, ghi lại cảm xúc, chiêm nghiệm, những câu chuyện và cả suy ngẫm của mình trước thời cuộc. Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo chia sẻ: “Tôi thấy con người thật mong manh trước vũ trụ. Con người và xã hội càng hiện đại càng cuốn vào lối sống nhanh, đôi khi đến vô cảm. Tôi thấy mình cần phải viết kỹ lại, nhấn mạnh yếu tố môi trường và những nỗi đau thân phận con người trong đại dịch”.

Động viên tinh thần, nâng cao ý thức xã hội

Gần 2 năm qua, nhân loại đã phải "chung sống" cùng đại dịch Covid-19 trong một “thế giới khác” với một tâm thế khác. Văn chương có ý nghĩa lớn trong việc phản ánh cái đẹp của cuộc sống trong những thay đổi đó, góp phần động viên, nâng đỡ tâm hồn con người, nâng cao ý thức xã hội, đề cao lối sống chậm, tất cả vì sự sống an toàn cho xã hội.

Trước câu hỏi nhà văn cần phải làm thế nào để khai thác sâu hơn về hiện thực đang diễn ra, tác giả Dy Khoa cho rằng điều cần có là trải nghiệm của người viết, bởi sẽ rất khó để một người không làm nghề y viết về nghề y cũng như rất khó để một người ngoài showbiz lại viết sách về showbiz. Thiếu trải nghiệm, những chi tiết được đề cập sẽ khá mơ hồ. Như với “Đi qua hai mùa dịch”, Dy Khoa viết dựa trên trải nghiệm của một người từng là bệnh nhân và hiện nay là một nhân viên y tế. “Kiến thức, trải nghiệm nghề nghiệp giúp tác phẩm thực tế hơn. Vì vậy, tác giả là người hiểu rõ bản thân có điểm mạnh gì nhất, nếu chưa có thì phải dấn thân” - Dy Khoa trải lòng.

Một số tác giả cho rằng, tác phẩm viết trong đại dịch chủ yếu vẫn là để thỏa mãn tính thời sự và mong muốn được chia sẻ là chính. Tuy nhiên, vẫn có thể có những tác phẩm hay trong đại dịch, bởi thời gian kéo dài hàng năm, những nhà văn có năng lực mạnh mẽ và tài năng thiên bẩm sẽ đủ chiêm nghiệm để viết ra tác phẩm có tính tư tưởng. Theo nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm, thường thì tác phẩm lớn không sinh ra ngay trong đại dịch. Nếu có thì đại dịch chỉ như một nguyên cớ cho những suy ngẫm và khắc khoải lâu dài về thân phận đời sống. Hiện thực đời sống cần có độ lùi nhất định, đó là quãng thời gian để tác giả nghiền ngẫm, suy tư về nó, tìm kiếm một phương thức biểu đạt thẩm mỹ tối ưu nhất. Từ hiện thực đời sống đó, nhà văn nâng lên thành những hình tượng, biểu tượng, thể hiện tư tưởng về giá trị nhân văn.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục