Đặc biệt, những năm gần đây, khi văn hóa được coi là “sức mạnh mềm” để phát huy tầm ảnh hưởng của mỗi quốc gia, hợp tác về công nghiệp văn hóa, xây dựng thành phố sáng tạo đã được chính phủ hai nước thúc đẩy mạnh mẽ.
Giao lưu văn hóa - nhịp cầu gắn kết tình hữu nghị
Thị trường âm nhạc Việt Nam đã nhiều phen sôi sục với các nhóm nhạc Hàn Quốc mang phong cách độc đáo, trẻ trung và có sức thu hút hàng triệu người hâm mộ trên toàn thế giới.
Ban nhạc BlackPink chuẩn bị biểu diễn tại Hà Nội vào cuối tháng 7.
Những chương trình nghệ thuật biểu diễn là điểm nhấn trong hành trình giao lưu, hợp tác văn hóa mà Việt Nam và Hàn Quốc thúc đẩy trong những năm gần đây. Trong thời gian qua, hai nước thường xuyên tổ chức các tuần văn hóa, lễ hội văn hóa và các sự kiện quảng bá trên từng lĩnh vực với nhiều cấp độ, để lại những dấu ấn sâu sắc, giúp cho người dân hai nước hiểu hơn về nền văn hóa của Việt Nam và Hàn Quốc.
Gần đây nhất, Lễ hội Du lịch - Văn hóa Việt Nam 2022 tại Hàn Quốc đã thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều người dân bản địa. Họ không chỉ tới tham quan mà còn trực tiếp trải nghiệm các sản phẩm văn hóa - du lịch như: Thử áo dài truyền thống của Việt Nam, vẽ trên nón lá, làm tranh Đông Hồ…
Trong chuỗi sự kiện này, Việt Nam còn vinh dự là khách chính tại Lễ hội quốc tế “Kết nối văn hóa” với Không gian văn hóa Việt Nam bên bờ sông Hàn và các chương trình biểu diễn nghệ thuật, thời trang tại Liên hoan Âm nhạc châu Á 2022.
Điều đó cho thấy, việc tổ chức các lễ hội du lịch - văn hóa, tuần lễ văn hóa tại Hàn Quốc và Việt Nam rất thành công, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giao lưu trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch phát triển.
Trình diễn áo dài Việt Nam tại Lễ hội Du lịch - Văn hóa Việt Nam 2022 tại Hàn Quốc.
Nhờ có nhiều nét văn hóa tương đồng trải qua quá trình giao thoa, tiếp biến, nên hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm thuận lợi. Hai bên đều có thế mạnh riêng có thể hỗ trợ lẫn nhau để khai thác tiềm năng một cách hiệu quả nhất.
Việt Nam với kho tàng văn hóa có bề dày hàng nghìn năm, nhiều phong cảnh đẹp, hơn 40.000 di tích, di sản được kiểm kê, xếp hạng, trong đó nhiều di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận. Việt Nam cũng đang nỗ lực xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch - văn hóa. Đây là một nội dung trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong khi đó, Hàn Quốc là một trong những quốc gia châu Á chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa từ rất sớm. Với chiến lược xuất khẩu văn hóa thông qua Làn sóng Hàn Quốc Hallyu vào khoảng năm 1999, độ phủ sóng và sự yêu thích của người dân trên thế giới đối với văn hóa của xứ sở Kim chi ngày càng rầm rộ, từ phim ảnh, âm nhạc, thời trang tới ẩm thực... Ước tính, công nghiệp văn hóa kết hợp với Hallyu đã mang về cho nền kinh tế nước này 12,3 tỷ USD trong năm 2021.
Trong quá trình hợp tác, giao lưu văn hóa, Hàn Quốc có thể chia sẻ với Việt Nam những kinh nghiệm quý báu về quá trình xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đang đạt rất nhiều thành tựu. Trong cuộc hội đàm gần đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Hùng và người đồng cấp Hàn Quốc Park Bo Gyoon đã nhất trí thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Bộ trưởng Park Bo Gyoon nhấn mạnh: “Khi hai nước giao lưu, quan trọng nhất là chia sẻ về điểm mạnh của nhau. Vì vậy, chúng tôi sẵn sàng hợp tác chia sẻ những kinh nghiệm trong các lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh. Việc hai bộ tăng cường hỗ trợ lẫn nhau cũng chính là để góp phần vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị ngày càng trở nên sâu đậm”.
Hợp tác giữa các thành phố sáng tạo - chia sẻ giá trị chung
Kể từ khi UNESCO thiết lập Mạng lưới các thành phố sáng tạo (UCCN) vào năm 2004, cả Việt Nam và Hàn Quốc đều có những thành phố được công nhận là thành viên của mạng lưới này. Trên nền tảng mối quan hệ hữu nghị liên tục được mở rộng, hai nước đã tổ chức nhiều hoạt động với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các thành phố trong mạng lưới, coi đây là một yếu tố chiến lược phục vụ phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường đúng như mục tiêu mà UNESCO đã đề ra.
Đáng chú ý, năm 2019, Hàn Quốc đã thành lập Văn phòng đại diện Cơ quan Nội dung sáng tạo (KOCCA) tại Việt Nam để xúc tiến phát triển sản xuất và hợp tác trong các lĩnh vực sáng tạo giữa hai nước.
Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam lúc đó, ông Park Noh Wan khẳng định: "Việt Nam sẽ trở thành đối tác chủ lực mang tính chiến lược mà Hàn Quốc không thể bỏ qua trong lĩnh vực nội dung văn hóa. Trọng tâm của công nghiệp văn hóa đó chính là "nội dung". "Nội dung" là một lĩnh vực có tiềm năng vô tận, nó được ví như một "đại dương của sự sáng tạo và đổi mới". Đây là lĩnh vực có thể phát huy tối đa năng lực sáng tạo của người dân hai nước; cũng là lĩnh vực để thế hệ trẻ có thể phát huy tiềm năng cũng như tự khai phá hiện tại và tương lai của chính mình. Hơn nữa, "nội dung" cũng góp phần củng cố tình cảm bền chặt giữa hai nước dựa trên nền tảng của sự tương đồng về văn hóa và lịch sử - những điểm tương đồng mà chỉ Việt Nam và Hàn Quốc có".
Gần đây nhất, Korea CEO Summit (KCS) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (HUBA), Hội Doanh nhân trẻ thành phố Hồ Chí Minh (YBA HCM) và Tập đoàn Imex Pan Pacific (IPPG) đồng tổ chức Diễn đàn Văn hóa, Đô thị, Công nghiệp (CICON) thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 với chủ đề "Thành phố thông minh chứa đựng đô thị - văn hóa - công nghiệp hội tụ". Sự kiện diễn ra với mục tiêu xây dựng mô hình phát triển công nghiệp sáng tạo "đô thị - văn hóa - hội tụ", giúp hai quốc gia mở rộng cơ hội tham gia vào lĩnh vực đô thị thông minh và chia sẻ những kinh nghiệm về xây dựng thành phố sáng tạo.
Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm tại Diễn đàn hội tụ văn hóa đô thị sáng tạo Hà Nội 2022.
Trước đó, Diễn đàn hội tụ văn hóa đô thị sáng tạo Hà Nội 2022 (CICON Hanoi 2022) đã được tổ chức thành công cuối năm 2022 nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc.
Theo các chuyên gia về quy hoạch đô thị, trong thời đại của kỷ nguyên số hiện nay, các thành phố cần phải tận dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để phát triển môi trường đô thị vừa sôi động với các hoạt động kinh tế, vừa hội tụ các giá trị văn hóa, lại vừa có một môi trường đáng sống.
Hiện tại, Hàn Quốc có nhiều thành phố đã gia nhập UCCN như Seoul (thiết kế), Bucheon (văn học), Busan (điện ảnh), Daegu (âm nhạc), Gwangju (nghệ thuật truyền thông), Jeonju (ẩm thực)… Còn ở Việt Nam, Hà Nội được UNESCO ghi danh là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế. Một số thành phố khác như Huế, Đà Nẵng, Hội An, Hạ Long, Vũng Tàu, Đà Lạt... có tiềm năng phát huy sáng tạo để phát triển bền vững và có khả năng tham gia vào mạng lưới này.
Việc thường xuyên tổ chức các chương trình, sự kiện để trao đổi các kinh nghiệm phát triển đô thị bền vững và sáng tạo sẽ giúp hai nước chia sẻ và nâng cao được những giá trị lợi ích chung.
Ông Chung Woo Taik, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc từng nhận định: “Việt Nam và Hàn Quốc có mối quan hệ tương hỗ, do đó, hai nước sẽ cùng tìm một con đường để phát triển thịnh vượng. Vì vậy, chúng ta nên tổ chức nhiều diễn đàn hơn nữa, để giao lưu, chia sẻ những giá trị quý báu cùng nhau”.
Gửi phản hồi
In bài viết