15 năm xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô đáp ứng thời kỳ mới

Hội thảo “Tổng kết 15 năm xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô trong thời kỳ mới” do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức ngày 16-3, tại Hà Nội, đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết phân tích về những thành tựu, yếu kém, hạn chế và nêu ra những giải pháp để tiếp tục phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô xứng tầm trong thời gian tới.

Đây là cuộc hội thảo nhằm nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết về sự phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô.

Nhiều bất cập, yếu kém vẫn tồn tại

Đề dẫn tại hội thảo, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội khẳng định, 15 năm từ khi Nghị quyết số 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ra đời, nhận thức của đội ngũ văn nghệ sĩ về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật có nhiều chuyển biến tích cực, từ đó, lực lượng này luôn có ý thức đoàn kết, trau dồi, nâng cao vai trò trách nhiệm của người nghệ sĩ - chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, văn học, nghệ thuật, tích cực lao động sáng tạo. Nhiều tác giả, gồm cả tác giả trẻ, luôn tìm tòi sáng tạo hướng tới chân, thiện, mỹ và có những thành tựu rất đáng ghi nhận về nghệ thuật cũng như tinh thần hội nhập với thế giới, phát huy các giá trị di sản của dân tộc. 

Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm khẳng định, thời gian qua, nền văn học nghệ thuật Thủ đô đã có đổi mới, bám sát hiện thực sôi động thành phố, có quan điểm biện chứng với đời sống, ca ngợi, khẳng định những cái tích cực, cổ vũ những nhân tố mới, thành tựu mới, tính tích cực xã hội được đề cao. Văn học, nghệ thuật tiếp tục phát triển đa dạng, phong phú, giàu tiềm năng, đạt được nhiều thành tựu trong tất cả các lĩnh vực văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa, kiến trúc, văn nghệ dân gian…, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đổi mới của Thủ đô và đất nước.

“Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của đời sống xã hội và xu thế hội nhập hiện nay, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa X) trong văn học, nghệ thuật Thủ đô vẫn còn bộc lộ hạn chế, cần phân tích, chỉ rõ và đưa ra giải pháp để thực hiện tốt Nghị quyết trong thời gian tiếp theo, thúc đẩy văn nghệ sĩ cống hiến, sáng tạo, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Nội”, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm nhấn mạnh.

Nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận, những mặt yếu kém trong phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ vẫn chưa được khắc phục. Cụ thể, còn tác phẩm có biểu hiện xa lánh những vấn đề lớn lao của đất nước, chạy theo các đề tài nhỏ nhặt, tầm thường, chiều theo thị hiếu thấp kém; tình trạng “nghiệp dư hóa” các hoạt động văn học, nghệ thuật ngày một tăng; lý luận văn học, nghệ thuật còn xơ cứng, kém năng động; các sáng tác có giá trị được giới thiệu ra nước ngoài còn rất hạn chế; công tác đào tạo, bồi dưỡng còn lạc hậu; năng lực chỉ đạo, điều hành quản lý còn bất cập, chậm đổi mới; kinh phí, ngân sách đầu tư cho văn học, nghệ thuật chưa tương xứng với yêu cầu mới…

Nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan (Hội Điện ảnh Hà Nội) cho rằng, sự đầu tư, hỗ trợ sáng tạo văn học, nghệ thuật vẫn nhỏ giọt. Nếu thiếu nguồn lực thì khó có tác phẩm vượt lên. Nhiều hội chuyên ngành Hà Nội phải khai thác nguồn xã hội hóa để thực hiện tác phẩm phục vụ công chúng.

“Có tác phẩm đã được viết xong kịch bản, đạo diễn đã viết kế hoạch quay, phỏng vấn, khai thác tư liệu… được các cơ quan chuyên môn, giới nghề đánh giá tốt, nhưng không được đầu tư nên vẫn ở trên giấy”, Nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan nêu thực trạng.

Thúc đẩy sáng tạo tác phẩm đáp ứng yêu cầu mới

Thủ đô và đất nước đang phát triển và hội nhập mạnh mẽ với nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen đối với tất cả các lĩnh vực, trong đó có văn học, nghệ thuật. Vì vậy, để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa X) cần sự chuyển động mạnh mẽ của văn nghệ sĩ, các cấp quản lý, cấp hội và sự quan tâm, đầu tư từ các nguồn lực xã hội. 

Nỗ lực xây dựng nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu mới. Ảnh minh họa

Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội Trần Quốc Chiêm cho biết, cùng với Nghị quyết số 23-NQ/TƯ, hiện nay, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVII) về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là những nội dung định hướng tư tưởng, “kim chỉ nam” cho văn học, nghệ thuật Thủ đô sáng tạo, phục vụ công chúng trong thời đại mới.

Để tạo ra những tác phẩm văn học, nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân như mục tiêu của Nghị quyết số 23-NQ/TƯ đề ra, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện (Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội) đề xuất, cần lựa chọn cán bộ lĩnh vực văn hóa, văn nghệ có trình độ chuyên môn, am hiểu sâu sắc văn học, nghệ thuật để đồng hành cùng văn nghệ sĩ, có đề xuất cơ chế, chính sách thiết thực khuyến khích, tạo điều kiện cho văn học, nghệ thuật Thủ đô phát triển. 

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cũng cho rằng, các văn nghệ sĩ phải không ngừng học tập, rèn luyện, khiêm tốn và cầu thị, trau dồi bản lĩnh và phát huy tài năng sáng tạo, đi sâu vào đời sống, say mê lao động nghệ thuật để tạo nên những tác phẩm mang hồn cốt, bản sắc Thăng Long - Hà Nội, có cá tính độc đáo, hấp dẫn, nhân văn, hướng công chúng tới giá trị chân, thiện, mỹ.

Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Bùi Việt Mỹ góp ý, trước sự phát triển và nhu cầu ngày càng cao của công chúng, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội và các hội chuyên ngành phải đổi mới hoạt động, trang bị cơ sở vật chất hiện đại, ứng dụng công nghệ số trong lưu trữ, khai thác thông tin, kết nối văn nghệ sĩ và các nguồn đầu tư để hỗ trợ sáng tạo…

Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp về việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn của văn nghệ sĩ Thủ đô; tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật với những đề tài thời sự về Thủ đô hôm nay; gìn giữ, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật… để triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ hiệu quả hơn.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục