100 năm nghệ thuật xiếc Việt Nam

Ngày 5-12, tại Rạp Xiếc trung ương (Hà Nội), Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 100 năm xiếc Việt Nam và tôn vinh những đóng góp của Nghệ sĩ nhân dân Tạ Duy Hiển với nghệ thuật xiếc nước nhà.

Chương trình kỷ niệm 100 năm Xiếc Việt Nam. Ảnh: Thúy Hiền

Ngày 5-12-1922, cách đây tròn 100 năm, chương trình biểu diễn mang tên “Xiếc Việt Nam” do Nghệ sĩ nhân dân Tạ Duy Hiển đặt tên và ra mắt khán giả đã đi vào lịch sử của ngành Xiếc Việt Nam. Nghệ sĩ nhân dân Tạ Duy Hiển với tinh thần tự tôn dân tộc và tình yêu đất nước đã khởi tạo những viên gạch đầu tiên cho nghệ thuật xiếc hiện đại ngày nay, đồng thời có nhiều cống hiến phát triển nghệ thuật xiếc nước nhà.

Tiếp nối những giá trị nghệ thuật Xiếc quý báu do Nghệ sĩ nhân dân Tạ Duy Hiển để lại, các thế hệ lãnh đạo, nghệ sĩ, viên chức người lao động Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã không ngừng cố gắng, học hỏi để gìn giữ và phát huy nghệ thuật xiếc Việt Nam. Trải qua 66 năm thành lập và phát triển, Liên đoàn Xiếc Việt Nam luôn là cánh chim đầu đàn của ngành xiếc, nơi hội tụ đội ngũ nghệ sĩ tài năng, tâm huyết đã vượt qua mọi khó khăn, không ngừng phấn đấu, song hành với những chặng đường phát triển của nền văn nghệ cách mạng, đóng góp quan trọng cho thành tựu của nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà.

Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba, Cờ thi đua của Chính phủ... Nhiều nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú.

Tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông ghi nhận những đóng góp cho nghệ thuật xiếc của Nghệ sĩ nhân dân Tạ Duy Hiển cũng như thành tích của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. 

Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhận định, trong bối cảnh hội giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế, bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã năng động tìm tòi, đổi mới, sớm thích ứng với cơ chế thị trường và thực hiện tốt công tác xã hội hóa, nỗ lực sáng tạo nghệ thuật, khẳng định vị thế, tạo chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng trong nước và quốc tế.

Để tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật xiếc quý giá mà Nghệ sĩ nhân dân Tạ Duy Hiển để lại, giữ vững truyền thống tốt đẹp, đạt được nhiều thành tích trong hoạt động nghệ thuật, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị Liên đoàn Xiếc Việt Nam chú trọng đào tạo nghệ sĩ có trình độ cao về chuyên môn để nâng cao chất lượng trong sáng tác, dàn dựng, biểu diễn ở trong và ngoài nước; tăng cường xây dựng các tác phẩm nghệ thuật mới có chất lượng cao để tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi hơn nữa nghệ thuật xiếc với nhân dân trong nước, đặc biệt là khán giả trẻ, người nước ngoài; tập trung mọi nguồn lực, phát triển cơ sở vật chất, tăng cường hợp tác quốc tế; nâng cao đời sống của nghệ sĩ, diễn viên, người lao động…

Nhân dịp này, Liên đoàn Xiếc Việt Nam khánh thành Khu tưởng niệm Nghệ sĩ nhân dân Tạ Duy Hiển tại khuôn viên Rạp Xiếc trung ương (67-69 Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội); tổ chức chương trình nghệ thuật “Nghệ sĩ nhân dân Tạ Duy Hiển - Tự hào xiếc Việt” và tọa đàm “Xiếc truyền thống trong xu thế mới”.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục