Đón đọc Báo Tuyên Quang cuối tuần phát hành ngày 1-4

- Chỉ số SIPAS là gì? Tại sao gần đây tỉnh không ngừng quan tâm cải thiện thứ hạng chỉ số này? Chuyên đề Báo Tuyên Quang cuối tuần phát hành ngày 1-4 với chủ đề "Thước đo" chất lượng cải cách hành chính sẽ làm rõ những nội dung này.

Chỉ số SIPAS là chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước Năm 2021, chỉ số này trên địa bàn tỉnh đạt 86,27%, xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 4,02% và tăng 7 bậc so với năm 2020. Trong đó, chỉ số hài lòng về tiếp cận dịch vụ đạt 92,24%, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số hài lòng về thủ tục hành chính (TTHC) đạt 92,57%, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố.

Chỉ số hài lòng về công chức giải quyết TTHC đạt 92,71%, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số hài lòng về kết quả giải quyết TTHC đạt 93,48%, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố. Những nỗ lực nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với cơ quan hành chính Nhà nước trong giải quyết TTHC đã cho kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, các giải pháp để duy trì và cải thiện thứ hạng của chỉ số này luôn song hành với việc cải thiện Chỉ số cải cách hành chính nói chung một cách đồng bộ với quyết tâm cao. Toàn bộ nội dung này có trong bài viết "Thước đo" chất lượng cải cách hành chính của Thủy Châu (trang 2+3).

Đề cập đến việc xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, nhà báo Đức Anh có bài viết trong chuyên mục Chuyện cuối tuần với tiêu đề: Trên lộ trình chuyên nghiệp, hiện đại (trang 2).

Đức Anh dẫn chứng: Nhiều nước trên thế giới có bước tiến vượt bậc trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội là bởi họ bắt đầu từ chính con người. Hàn Quốc thực hiện một loạt cơ chế, chính sách đột phá để thu hút người tài vào bộ máy hành chính và động viên họ làm việc, cống hiến vì sự phát triển của đất nước. Kết quả là nhanh chóng có được đội ngũ công chức tài năng, chuyên nghiệp để vận hành hiệu quả bộ máy hành chính thúc đẩy Nhà nước phát triển, tạo nên sự phát triển bứt phá thần tốc, giúp Hàn Quốc nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển. Trong khi nhìn lại những năm 60 của thế kỷ trước, đội ngũ công chức của Hàn Quốc đều trình độ học vấn thấp. Chỉ có 2/3 cán bộ cấp trung trong Chính phủ tốt nghiệp phổ thông trung học và không được đào tạo lại, 80% cán bộ cấp cao được đề bạt do thâm niên công tác. Hay như sự hiểu biết của giới công chức, đặc biệt về công nghệ là một nền tảng quan trọng giúp Singapore thi hành chính phủ điện tử và luôn đứng trong đội ngũ những nước đi đầu áp dụng công nghệ mới trong quản lý quốc gia. 

Từ đó, tác giả khẳng định: Cải cách hành chính, trong đó có cải cách thủ tục hành chính, nâng cao thứ hạng các chỉ số thành phần của tỉnh ta qua hàng năm đạt nhiều kết quả. Tuy vậy, trong lộ trình xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại thì vẫn đòi hỏi cần những đổi mới, sáng tạo nhiều hơn nữa và đội ngũ cán bộ, công chức chính là nhân tố quyết định.

Ở một góc nhìn khác, nhà báo Chúc Huyền cho rằng, cùng với việc cán bộ thực thi công vụ nỗ lực cải thiện chỉ số hài lòng của người dân thì người dân cũng cần thay đổi nhận thức của chính mình. Tác giả kể câu chuyện của một người lần đầu làm thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công trực tuyến; rồi những khó khăn họ gặp phải. Và tất cả đã được giải quyết khi họ nhận được kết quả giải quyết thủ tục hành chính tiện lợi và nhanh chóng. Điều đó cho thấy, trong lộ trình thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nếu chỉ cán bộ thực thi công vụ nỗ lực thì chưa đủ mà rất cần sự thay đổi từ chính người dân. Bởi xét cho cùng, người dân chính là trung tâm phục vụ. Toàn bộ nội dung này được chuyển tải trong chuyên mục Diễn đàn với tiêu đề: Thay đổi nhận thức (trang 3).

Xoay quanh nội dung về cải cách thủ tục hành chính, trang 4 +5 có bài viết:

Sử dụng dịch vụ công trực tuyến: Cần sự chủ động từ phía người dân (trang 4, Trần Liên) và chùm ý kiến của lãnh đạo ngành, doanh nghiệp và người dân về vấn đề này.

Cùng với nội dung thời sự, ấn phẩm dành tặng bạn đọc yêu Tuyên Quang cuối tuần trang văn học, nghệ thuật với các tác phẩm thơ, văn nhẹ nhàng, lắng đọng:

- Truyện ngắn (trang 8): Đã trọn một đời của Nguyễn Thị Bích Nhàn

- Thơ (trang 9): Rừng xuân (Bùi Việt Phương); Cũng là họa tiết (Đoàn Thị Ký); Lời thì thầm vạt cải (Nguyễn Hạ Thu Sương).

- Chuyên mục Đến với bài thơ hay (trang 9) giới thiệu tác phẩm: Đeo lại xà tích của nhà thơ Trần Đức Tín (Khét). Thi phẩm vừa đoạt giải Nhất cuộc thi thơ Nhịp điệu mới do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên phối hợp tổ chức.

- Chuyên mục Mỗi tuần một cuốn sách (trang 10) giới thiệu tác phẩm sách ảnh về  Lễ đại phan dân tộc Sán Dìu huyện Sơn Dương vừa mới mắt bạn đọc.

Nhịp cầu nhân ái (trang 10) kỳ này thông tin về trường hợp của chị Bàn Thị Hiền (đăng trên báo Tuyên Quang điện tử ngày 18-3). Đến nay gia đình chị đã nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, cá nhân với tổng số tiền 125 triệu đồng. 

Trang 12 giới thiệu phóng sự ảnh Giữ bản sắc Dao Tiền qua những bức ảnh đầy sinh động về việc dệt vải, nhuộm chàm, thêu dệt của phụ nữ vùng cao.

Các chuyên mục: Tản văn, Tin tốt trong tuần, Ẩm thực xứ Tuyên... sẽ góp thêm góc thư giãn thú vị cho độc giả trong ngày cuối tuần.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!.

Tin cùng chuyên mục