Nhà thơ Mai Liễu (ngoài cùng bên trái) trao đổi kinh nghiệm sáng tác (năm 2016).
Nói về thơ ông, là những câu thơ róc rách giữa suối ngàn chảy mãi mà bấy nay tôi vẫn thích, thích thì thuộc đọc chơi thôi.
Nơi ấy muôn loài tìm đến chen nhau
Xé đất cắm rễ chìm rễ tỏa.
Ôi mạch ngầm mỏng mảnh như sương
Như tia nắng mặt trời buổi sớm
Chảy trong lá trong cây trong đất
Trong mênh mông vũ trụ giao hòa
Những nhú đá vô tri bỗng căng muôn bầu sữa
Mạch sống trào dâng bền bỉ ngọt ngào.
Nơi ấy là cái gì mà mỏng mảnh như sương, có gì mà muôn loài chen nhau tìm đến, mà xé đất cắm rễ chìm rễ tỏa... là gì nhỉ, thơ gợi phải tò mò, phải rón rén sợ lộ mình thì mất cảnh. Nhưng khi nguồn mạch đầy tràn: “Suối làng tôi bắt nguồn từ nơi ấy/Là ngọn nguồn trong trẻo đời tôi”. Thì tự nhiên khắp người mình cũng mát mẻ, dạt dào và không phải rón rén nữa. Cứ thế cùng ông ngập vào miền róc rách trong xanh ấy. Thơ Mai Liễu là vậy, vừa ẩn vừa hiện nhưng cả hai miền ẩn hiện đều giản dị, vĩnh hằng, sáng trong, bền bỉ. Có người bảo: Thơ Mai Liễu thì ở suối, ở làng nhưng Mai Liễu lại là tay lang bạt kỳ hồ, ồn ã, đến đâu là tụ tập bạn bè sôi nổi… Nhận xét này đúng chút tý thôi. Quả ông cũng lang bạt thật, chả lang bạt mà mới ngoại sáu mươi ông đã có tới sáu, bẩy lần chuyển nhà, chuyển cửa nhưng dù đi đâu, đến đâu lòng ông vẫn đau đáu về chỗ cha sinh mẹ dưỡng.
Thế mà nỗi nhớ quê hương
Cứ thăm thẳm, cứ mênh mông điệu hồn.
Chim rừng bay lẻ hoàng hôn
Bè xuôi khuất bến núi còn trông theo.
(Nhớ Khâu Luông)
Đọc thơ thì mới thấy ông, thấy kẻ một mình lầm lũi ra đi, lầm lũi trở về và chỗ ông trở về là chỗ cội nguồn, chỗ có cái bếp vuông mùa đông than hồng rực, chỗ có cái vợt mẹ đi hớt vía... Và chính nơi này để ông sinh nở những bài thơ đặc sắc đậm đà miền núi, dân tộc mà lại có cánh bay lượn khắp miền quê nước Việt. Chủ đề này đeo bám và xuyên suốt sáng tác của ông. Nhờ thế ông càng viết thơ càng đằm thắm càng ngây ngất càng chan chứa yêu thương. Đọc thơ ông có người khen. Thơ hay nhưng chỉ yêu mỗi suối làng. Đúng nhưng mà chưa chắc đâu, lòng ông cũng biển khơi lắm.
Thơ Mai Liễu muôn màu, muôn vẻ vừa róc rách, đượm tình với quê hương, vừa mênh mông với biển và còn giàu có những ví von, so sánh về lẽ trời, lẽ đất.
Bên suối
Mặt trời mọc
Quả dáy chín đỏ
Quả cà đưa chín vàng
Ăn quả dáy ngứa đứt cổ
Chạm phải hạt Cà Đưa ngứa rách da...
Chim khướu ăn quả dáy chín đỏ
Tiếng hót vang
Chim họa my ăn quả cà - đưa chín vàng
Tiếng hót trong
Bên suối
Mặt trời mọc
Quả dáy chín đỏ
Quả cà - đưa chín vàng
Chim cắt rình bắt họa my
Diều hâu rình bắt khướu
Chẳng ai nghe thấy chúng hót bao giờ.
(Quả và chim)
Lẽ đời vốn vậy, bài thơ ví von, so sánh mà tự nhiên thành triết lý, chả cần phải bình luận thêm chữ nghĩa làm gì, tự nó lắng đọng để ta ngẫm được sự đời. Thơ Mai Liễu là vậy. Cái tình, cái lý lầm lũi theo ông sinh nở rồi tự vỗ cánh bay xa khắp miền đất nước. Thơ ông đậm đà bản sắc quê hương và nó có sức sống dài cùng năm tháng. Đó cũng chính là niềm tự hào của người xứ Tuyên quê ta.
Chiều ngày 26 tháng 10 năm 2020, tôi đang tưới cây thì nhận được tin ông đột ngột đi xa! Tôi ngẩn người nửa ngờ nửa tin nhưng nhìn về phía Tây thì thấy mặt trời đã khuất núi - Dáng ông lầm lũi theo sau! Nhìn cái dáng lầm lũi ấy tự nhiên tôi đứng lặng như trời trồng, cái vòi bơm nước tuột khỏi tay. Mai Liễu đi thật rồi, đi xa lắm!... Tôi đứng lặng nhìn trời, nhìn theo cái dáng lầm lũi ấy! Và lại thấy những vòm sao từ đỉnh núi nhấp nháy sáng lên, gió cuối thu se se lạnh vẳng theo tiếng suối ngàn rì rầm chảy dài! Vâng - Tiếng suối ngàn cũng là tiếng lòng, tiếng thơ ông đấy. Chỉ biết cầu chúc cho linh hồn ông thanh thản cõi vĩnh hằng.
Gửi phản hồi
In bài viết