Họ đang ngày đêm gìn giữ, khơi dậy những mạch nguồn sâu lắng để dân ca và các lễ hội dân gian hòa vào dòng chảy chung, lan tỏa và trường tồn trong đời sống, sinh hoạt văn hóa tinh thần.
Tôn vinh sự sáng tạo, công lao gìn giữ, thực hành và truyền dạy dân ca đối với các nghệ nhân tiêu biểu để khích lệ, động viên các thế hệ nghệ nhân tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa trong việc bảo tồn, lưu truyền và phát huy giá trị của văn hóa dân gian là việc làm có ý nghĩa thiết thực.
Nghệ nhân... chân đất
Qua giới thiệu của Trung tâm văn hóa huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, chúng tôi đến thăm gia đình Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Hải Lý ở làng Đại Phong, xã Phong Thủy. Chỉ vài lời mở đầu câu chuyện song như đã chạm vào quá khứ và niềm tự hào của vợ chồng người nông dân đam mê hát dân ca này.
Tuổi thơ của nghệ nhân Nguyễn Thị Hải Lý đắm trong giai điệu hò khoan. Bố của bà, cố nghệ nhân hò khoan nổi tiếng của Lệ Thủy Nguyễn Hữu Sào đã dạy và gieo vào các con niềm đam mê hò khoan từ nhỏ. Nghệ nhân Ưu tú Hải Lý chia sẻ: "Hò khoan Lệ Thủy là loại hình diễn xướng dân gian, hát như để vơi đi sự nhọc nhằn trong lao động, để truyền dạy kinh nghiệm sản xuất, để giao duyên, gửi gắm tình cảm lứa đôi... đã ngấm vào con người mình lúc nào không hay".
Để có bạn diễn xướng, bà Hải Lý cùng người anh trai là Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Điệp tập hợp những người biết hát thành câu lạc bộ dân ca Đại Phong. Cũng từ đấy, nhiều người yêu hò khoan xin góp mặt để sinh hoạt văn nghệ. Ban ngày, họ lo việc đồng áng, tối về sân nhà bà Lý tập luyện. Dưới ánh trăng, người dựng sân khấu, người thì đưa cối xay, cối giã vào để hò điệu giã gạo, quết vôi, người tập hò... Bà Hải Lý kể rằng, mấy hôm nay vợ chồng bà đang tập bài Quảng Bình quê ta ơi bằng các đạo cụ cổ truyền và mời khách nghe thử. Trong căn phòng khách bày biện nhiều nhạc cụ dân tộc, bà gảy đàn tranh và hát, ông lim dim mắt so ngón tay trên chiếc đàn nhị. Vẫn là giai điệu Quảng Bình quê ta ơi quen thuộc song qua đàn nhị và đàn bầu, thanh âm như lắng lại, da diết và chất chứa hơn. Ông chơi đàn nhị, bà đánh đàn bầu vừa hát, hai đôi chân chai sạm bởi ruộng đồng nhấp lên xuống nhịp nhàng trên nền nhà, họ say sưa "cháy lên" cùng ca từ và nhịp điệu bài hát.
Cũng như vợ chồng Nghệ nhân Ưu tú Hải Lý, Nghệ nhân Ưu tú Lê Thành Lộc ở làng biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch là người "tiếp lửa" bằng sự đam mê, tâm huyết đối với làn điệu hát ru của làng biển có lịch sử gần 400 năm. Có lẽ, ông cũng là người đàn ông duy nhất ở vùng biển miền trung biết hát và hát ru con rất hay: "Bôồng bôổng bôông bôông/Trông ra ngoài biển lu mù/Thấy anh câu đục câu đù em thương/Hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôông bôông/Đêm qua anh gối tay nàng/Ngày nay ra biển, anh gối đàng giây neo/Hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôông bôông".
Theo nghệ nhân Thành Lộc, hát ru ở làng biển Cảnh Dương không bắt đầu câu "à ơi" như thông thường mà mở đầu hoặc kết thúc bằng câu "hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôông bôông...". Những lời hát ru ở Cảnh Dương đều xuất phát từ thực tế lao động của ngư dân miền biển, vì thế không đơn thuần là mẹ ru con, bà ru cháu mà còn là ông ru cháu, cha ru con, anh ru em. Đi biển về có mớ cá thì người vợ đi chợ bán cá và người chồng ở nhà ru con. Quanh năm, đàn ông ở Cảnh Dương lênh đênh trên biển. Những lúc nhớ người yêu, nhớ vợ con, nhớ làng thì họ hát ru và như ru chính mình.
Năm 2017, nghệ nhân Lê Thành Lộc cùng các thành viên thành lập câu lạc bộ dân ca để "tiếp lửa" cho văn hóa dân gian làng biển Cảnh Dương, trong đó có làn điệu hát ru độc đáo và riêng có. Để bảo tồn văn hóa của làng, ông đang sưu tập lại những câu hát ru bằng nhiều hình thức như ghi âm, viết lại lời rồi lồng ghép vào các hoạt động của câu lạc bộ. Không chỉ đóng vai trò chủ chốt trong các lễ hội quan trọng của làng, những năm qua, câu lạc bộ dân ca Cảnh Dương còn biểu diễn phục vụ nhiều nơi. Điều đáng mừng là câu lạc bộ có rất nhiều bạn trẻ yêu tha thiết làn điệu hát ru của quê hương qua sự trao truyền và cộng hưởng từ những người như Nghệ nhân Ưu tú Lê Thành Lộc.
Dường như với nghệ nhân dân gian, niềm đam mê dân ca truyền thống vượt qua cả giới hạn về tuổi tác và sức khỏe. Nghệ nhân Đinh Thị Phương Đống, thành viên "gạo cội" câu lạc bộ đàn và hát dân ca huyện Minh Hóa là một người như vậy. Tuy tuổi cao nhưng sức khỏe còn khá dẻo dai, đôi mắt bà ánh lên niềm vui khi nghe chúng tôi muốn nghệ nhân chia sẻ câu chuyện gắn bó với các làn điệu dân ca Minh Hóa. Sinh ra trong gia đình hát hay những làn điệu dân ca của quê hương như hò thuốc, hát đúm, ví, tuổi lên lên 10, bà Đống đã thuộc nhiều khúc dân ca và trở thành hạt nhân văn nghệ ở thôn, xóm. Cuộc sống gia đình bà lắm lúc khó khăn bởi những chuyện đời thường, song luôn đầy ắp tiếng cười, rộn ràng câu hò, điệu hát. Từ một diễn viên nghiệp dư với chất giọng ngọt ngào và truyền cảm, tuổi tác cao dần, bà dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu cội nguồn các làn điệu, ca từ, góp thêm lời mới.
Không chỉ dày công sưu tầm, tìm hiểu các làn điệu, tích hát cũ xưa, nghệ nhân Phương Đống còn đảm nhận việc truyền dạy dân ca. Những năm gần đây, từ chủ trương khôi phục, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tại huyện Minh Hóa xuất hiện nhiều câu lạc bộ, nhóm đàn, hát dân ca. Bất kể nơi xa hay điểm gần, bà Đống luôn có mặt đúng giờ và say sưa truyền dạy, tiếp thêm niềm đam mê dân ca cho những người trẻ. Nhiều năm nay, hình ảnh một cụ bà say sưa dạy hát cho nhóm trẻ và cả những người mê hát đã trở nên quen thuộc với người dân Minh Hóa. Bà chia sẻ, niềm hạnh phúc lớn nhất của mình là được chứng kiến sự hăng hái của người dân khi tham gia các buổi học hát, hay khi ngắm nhìn những gương mặt trẻ say sưa nắn nót từng lời, từng chữ trong mỗi khúc dân ca mà bà truyền dạy.
Lan tỏa văn nghệ dân gian
Với các nghệ nhân dân gian, việc lưu giữ, truyền dạy văn hóa dân gian xuất phát từ đam mê và sự trăn trở trước thực tế các nét đẹp văn hóa địa phương đang ngày càng bị mai một. Họ tập hợp nhau lại trong các câu lạc bộ văn nghệ dân gian, câu lạc bộ đàn hát dân ca để chung tay và chung ý tưởng lưu giữ, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ đến với đông đảo nhân dân, nhất là những người trẻ.
Mỗi câu lạc bộ dân ca được ví như đoàn văn công của làng bởi quy tụ được nhiều gương mặt có tài năng từ hát, sử dụng nhạc cụ dân tộc, sáng tác và biên đạo.
Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Quảng Bình cho biết, từ các câu lạc bộ, nhiều làn điệu dân ca như hò khoan, hát kiều, ca trù, hát đúm, ví, hát nhà trò… được khôi phục và ngày càng có nhiều chương trình biểu diễn chất lượng cao, phục vụ các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn ở các địa phương. Nơi nào có các nghệ nhân và câu lạc bộ, ở đó các giá trị của văn hóa dân gian dường như được khôi phục, truyền dạy khá tốt. Nhiều làn điệu dân ca, dân vũ tưởng chừng như mai một đi thì được phục hồi và trở thành "món ăn tinh thần" trong đời sống của người dân. Điều đó cũng giúp người dân ý thức hơn về vai trò của mình trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với việc bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa của quê hương.
Qua câu chuyện với các nghệ nhân, chúng tôi được biết, cái khó nhất hiện nay của các câu lạc bộ đàn hát dân ca là kinh phí để duy trì hoạt động. Nơi nào chính quyền, các doanh nghiệp cùng chung tay, nơi đó có thêm điều kiện thuận lợi cho các nghệ nhân hoạt động và ngược lại. Nghệ nhân Lê Thành Lộc cho biết, câu lạc bộ dân ca Cảnh Dương được chính quyền và cơ quan văn hóa cơ sở rất ủng hộ nhưng đó chỉ về mặt tinh thần, còn vật chất thì phần lớn các thành viên phải tự lo. Theo ông Lộc, các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống rất khó tồn tại nếu không có phương hướng đúng, không có kinh phí duy trì hoạt động và đặc biệt là không tự đổi mới thường xuyên để đáp ứng sở thích của người dân, nhất là lớp trẻ.
"Dù khó khăn, nhưng bản thân tôi và các thành viên câu lạc bộ cố gắng duy trì hoạt động thường xuyên. Hiện nay, Cảnh Dương đang hướng tới làng văn hóa du lịch kiểu mẫu của tỉnh. Chúng tôi mong được đưa các làn điệu dân ca vào phục vụ du khách. Đó là cách vừa bảo tồn, vừa quảng bá văn hóa địa phương đến với mọi người, lại có thêm nguồn kinh phí cho câu lạc bộ sinh hoạt"- ông Lộc chia sẻ.
Còn theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao Quảng Bình, để văn nghệ dân gian ngày càng được lưu giữ, trao truyền, các cấp chính quyền cần phải có chế độ, chính sách đãi ngộ thiết thực hơn đối với các nghệ nhân. Có như vậy mới động viên, khích lệ các nghệ nhân để có những tác phẩm hay hơn phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Gửi phản hồi
In bài viết