Trường hợp của học sinh lớp 1 không có suất ăn do phụ huynh không đóng tiền có rất nhiều luồng ý kiến. Tất cả được phân tích mổ xẻ ở nhiều góc độ, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Và chắc hẳn sau vụ việc, người trong cuộc thì ân hận, day dứt, người ngoài cuộc thấy vô cùng đáng tiếc. Trong lớp có ngần ấy đứa trẻ, chỉ 1 bé duy nhất không có suất ăn. Bé bị bơ vơ, lạc lõng trong chính lớp học của mình với thầy cô, bạn bè và có cả các bậc phụ huynh.
Nhưng, trong lớp ấy, một hành động đẹp của chính những đứa trẻ là san sẻ suất ăn của mình cho bạn khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ. Đứa trẻ mới lên 6 tuổi có thể làm được điều đó, vậy người lớn tại sao không? Phải chăng vì cơm áo gạo tiền, vì những quy định bó buộc hay vì tình yêu thương chưa đủ lớn? Bất kể lý do gì thì chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào sự thật rằng: Trẻ con làm được vậy tại sao người lớn lại không? Dẫu có vẻ nực cười nhưng giá như lúc ấy, người lớn có được hành động bản năng như mấy đứa trẻ kia thì tốt biết bao!.
Người lớn vẫn dạy trẻ phải biết yêu thương bên cạnh hàng loạt kiến thức chúng ta kỳ vọng vào con trẻ. Nhưng trong tình huống này, những đứa trẻ như tờ giấy trắng kia lại dạy người lớn về tình yêu thương vô điều kiện và ý nghĩa thực sự của sự đồng cảm và sẻ chia. Chúng thương yêu bạn nên mới san sẻ suất ăn cho bạn. Chúng đồng cảm với bạn, không muốn bạn buồn nên đã nhường một phần ăn. Chúng muốn tất cả có được niềm vui trong buổi liên hoan. Hành động của một đứa trẻ có thể chỉ là bản năng, xuất phát từ tình bạn vô tư, trong sáng nhưng khiến bao người lớn phải suy ngẫm.
Chúng ta vẫn nói, người lớn phải làm gương cho con trẻ bởi ở độ tuổi còn nhỏ con trẻ sẽ có thói quen bắt chước hành động của người lớn. Nhưng tấm gương mà những đứa trẻ nhìn thấy trong buổi liên hoan thì sao? Là sự thờ ơ, vô cảm của người lớn? Và nếu chúng học theo thì hậu quả sẽ ra sao? Có thể sự việc không đi quá xa như chúng ta tưởng tượng nhưng cũng không hẳn không xảy ra. Và chính em bé không có suất ăn kia là người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Có ai quan tâm đặt câu hỏi, bé cảm thấy thế nào trong tình huống ấy? Hay chúng ta lại tặc lưỡi rằng: Trẻ con ấy mà, chúng chưa hiểu gì đâu?
Dù sao, ở tình huống này chúng ta có thể rút kinh nghiệm, có thể có cơ hội để sữa chữa, bù đắp tình yêu thương cho trẻ. Nhưng còn đứa trẻ bị bỏ quên trên xe và mãi mãi ra đi thì chúng ta không còn cơ hội để nói lời yêu thương. Chúng ta có thể hình dung được một mình bé phải trải qua những gì trong 1 ngày vật lộn trên xe. Cậu ruột của bé thuật lại việc tìm thấy cháu trên xe trong tình trạng bất tỉnh, phần ghế ngồi nơi tìm thấy cháu bị cào xước như thể cháu đã cố gắng vùng vẫy để mong được cứu.
Bé từ sợ hãi, đến hi vọng rồi rơi vào tuyệt vọng để rồi mãi mãi ra đi… Thật quá đau xót. Đau xót hơn khi đây không phải là trường hợp đầu tiên. Trước đó đã có bé tử vong trên xe. Đã có án phạt thích đáng cho người mắc lỗi nhưng vì sao vẫn xảy ra? Những ân hận muộn màng có thể nào xoa dịu được nỗi đau mất đi người thân yêu. Mạng sống của một đứa trẻ trông chờ vào 2 từ trách nhiệm của người lớn thật mong manh làm sao?.
Đến khi nào chúng ta mới không phải ngồi với nhau thở dài rằng, giá như lúc đó…? Chúng ta vẫn đề ra nhiều giải pháp quan tâm, chăm lo cho trẻ, ưu tiên nguồn lực cho trẻ. Nhưng tất cả sẽ là vô nghĩa nếu trái tim chúng ta vô cảm. Chúng ta chỉ hành động vì trách nhiệm mà thiếu đi tình yêu thương thì không ai dám chắc những sự việc tương tự sẽ không xảy ra. Bởi vật chất có thể bù đắp nhiều thứ, nhưng không thể bù đắp được tình yêu thương. Chỉ có yêu thương mới chạm tới yêu thương, lan toả yêu thương. Yêu thương chính là một phẩm chất đẹp, cao quý và là giá trị sống cốt lõi của con người.
Gửi phản hồi
In bài viết