Nền tảng cho Nông nghiệp hiện đại
Trang trại bò sữa Tuyên Quang, phường Phú Lâm (TP Tuyên Quang) được đánh giá là đơn vị mở đầu cho làn sóng ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh. Anh Hồ Tuấn Nam, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Bò sữa Việt Nam tại Tuyên Quang cho biết, trang trại thực hiện quy trình chăn nuôi bò sữa kỹ thuật cao theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Những “cô” bò giống chất lượng cao được nhập trực tiếp từ các nước Mỹ, Úc đảm bảo các tiêu chuẩn thể trạng, sức khỏe; chuồng trại chăn nuôi cũng được thiết kế khoa học, đồng bộ từ quy trình chống sốc nhiệt mùa hè, giữ ấm mùa đông, nền chuồng đúng tiêu chuẩn êm, sạch chống bệnh viêm móng và tạo sự thoải mái cho bò.
Riêng khẩu phần, chế độ ăn, đàn bò giống được ăn 15 - 16 loại thức ăn ủ chua đa dạng như ngô, cao lương và được uống nước tinh khiết, tắm mát và được vui chơi vận động. Trang trại cũng ứng dụng công nghệ 4.0, bất cứ sai sót nhỏ trong quá trình vận hành cũng sẽ được phát hiện; các yếu tố chi phí, giá thành, chất lượng, sản lượng sữa luôn luôn được kiểm soát một cách chặt chẽ.
Anh Hồ Tuấn Nam quả quyết, quy trình chăm sóc hoàn hảo nên đàn bò của trang trại luôn có sức khỏe tốt nhất, cho sản lượng sữa cao nhất, tươi, sạch và tinh túy nhất. Hiện tại, trung bình mỗi tháng, trang trại cung ứng về Tổng Công ty Vinamilk gần 1.000 tấn sữa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Hợp tác xã Nông nghiệp Ỷ La (Tp Tuyên Quang) sử dụng máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu cho lúa.
Hợp tác Nông, lâm nghiệp Kim Bình (Chiêm Hóa) cũng đang gặt hái những thành quả sau thời gian ngắn ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao vào sản xuất. Trong năm 2022, hợp tác xã đã cung ứng vào hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch khoảng 100 tấn sản phẩm dưa chất lượng cao các loại. Anh Cao Văn Phúc, Giám đốc Hợp tác xã khẳng định, sản xuất một sản lượng dưa lớn với chất lượng cao nhưng hợp tác xã không phải tác động đến 1 tấc đất.
Dưa được sản xuất trong môi trường nhà màng, nước tưới được kiểm nghiệm, nguồn dinh dưỡng được cung cấp đầy đủ theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây. Anh Cao Văn Phúc, Giám đốc Hợp tác xã khẳng định, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã giảm thiểu những bất lợi từ thời tiết, sâu, bệnh hại, người nông dân như anh không còn phải trông trời, trông đất trong suốt quá trình sản xuất.
Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có trên 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản khẳng định, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đem lại mục tiêu kép, nâng cao năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nông sản. Các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất đã đảm bảo tiêu chuẩn cao nhất về thực hành nông nghiệp tốt như GlobalGAP, VietGAP đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu.
Chuyển đổi số
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, sạch giảm phát thải, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng chạy đua với công cuộc chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, các trang trại đã áp dụng thành công hệ thống quản lý đồng bộ, điều khiển tự động về độ ẩm, nhiệt độ, nước tưới, dinh dưỡng thông qua hệ thống IoT cảm biến kết nối với hệ thống máy tính, điện thoại thông minh.
Việc ứng dụng công nghệ thông minh trong nông nghiệp đã giúp hiện đại hóa khâu sản xuất; tiết kiệm đáng kể được lượng nước tưới nhờ cảm biến độ ẩm đất, cây trồng; giảm lượng phân bón; giảm nhân công lao động và giúp tăng năng suất. Ngoài ra, hệ thống IoT còn giúp quản lý chuỗi liên kết phân tích dưỡng chất đất, giá thể, nước tưới, quản lý sâu bệnh, phân tích dữ liệu và nhật ký điện tử điều chỉnh quy trình canh tác hiệu quả, góp phần kiểm soát chất lượng sản phẩm, tạo nền móng phát triển nền nông nghiệp hiện đại, có thương hiệu và chất lượng cao. Áp dụng chuyển đổi số trong quá trình canh tác, việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử cũng được ngành Nông nghiệp tỉnh quan tâm, góp phần mở rộng thị trường và tiếp cận với xu thế thương mại thời đại công nghệ số.
Hợp tác xã Nông, lâm nghiệp Kim Bình (Chiêm Hóa) đầu tư trồng dưa trong nhà màng.
Anh Cao Văn Phúc, Giám đốc Hợp tác xã Nông, lâm nghiệp Kim Bình (Chiêm Hóa) khẳng định, ứng dụng công nghệ cao trên nền tảng công nghệ 4.0 sản xuất nông nghiệp gần như đã được tự động hóa, ngay cả khâu chào hàng, tiêu thụ sản phẩm. Anh Phúc chia sẻ, khi dưa của hợp tác xã đến kỳ thu hoạch thiết bị sẽ báo, hình ảnh sản phẩm được chuyển về đầu mối ký kết thu mua. Doanh nghiệp thu mua chỉ cần đánh mã số trên tem truy xuất, mọi thông tin về sản phẩm gồm giống, quy trình chăm sóc, chất lượng sản phẩm sẽ hiển thị đầy đủ.
Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, mục tiêu xuyên suốt của ngành là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, đặc biệt phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.
Ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của địa phương, những sản phẩm đã ứng dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP giúp tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghiệp số trong nền kinh tế; tiếp tục xây dựng thí điểm mô hình sản xuất kết nối nông nghiệp thông minh, quản lý theo chuỗi, kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa một số quy trình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương; ứng dụng IoT để hỗ trợ theo dõi, giám sát và hỗ trợ tự động hóa quá trình canh tác, sản xuất nông nghiệp.
Ngành đang phối hợp với cơ quan chuyên môn thực hiện truy xuất nguồn gốc 150 sản phẩm của 100 cơ sở sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn và đưa 128 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử quốc gia. Năm 2023, ngành phối hợp với VNPT Tuyên Quang xây dựng kiến trúc tổng thể cơ sở dữ liệu nền tảng, trung tâm giám sát, điều hành ngành nông nghiệp và các mô hình nông nghiệp thông minh...
Nỗ lực của ngành Nông nghiệp tỉnh, đặc biệt là sự năng động, nhạy bén của các doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân trong ứng dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số đã và đang từng bước hình thành nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết