Việt Nam qua ống kính nhiếp ảnh quốc tế

Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam lần đầu được tổ chức trong năm 2021 đã tuyển chọn 177 tác phẩm tiêu biểu để trưng bày triển lãm, giới thiệu vẻ đẹp đất nước, con người, văn hóa Việt Nam đến đông đảo công chúng yêu nghệ thuật. Trong đó, nhiều hình ảnh thể hiện góc nhìn sáng tạo, giàu cảm xúc của các nhiếp ảnh gia trong nước và nước ngoài.

Festival do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức, với sự phối hợp của UBND tỉnh Ninh Bình. Trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp và gây khó khăn cho mọi hoạt động, ban tổ chức đã tổ chức thành công sự kiện với trọng tâm là triển lãm ảnh “Việt Nam qua ống kính nhiếp ảnh gia quốc tế”. Triển lãm mở cửa tự do tại Thư viện tỉnh Ninh Bình từ ngày 26/11 đến hết ngày 3/12/2021 và được giới thiệu trực tuyến tại website của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (http://ape.gov.vn).

Theo ban tổ chức, sau ba tháng phát động, đã có 1.567 tác phẩm của 98 nhiếp ảnh gia từ 19 quốc gia, vùng lãnh thổ gửi tới tham dự (gồm: Pháp, Canada, Nga, Australia, Singapore, Phillipines, Thổ Nhĩ Kỳ, Latvia, Trung Quốc, Campuchia, Italia, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Nam Phi, Brazil, Belarus, Nhật Bản, Indonesia và Việt Nam). Sự quy tụ các tay máy của nhiều châu lục, thuộc nhiều nền văn hóa và quan điểm thẩm mỹ khác nhau đã mang đến những cách thể hiện đa dạng, phản ánh đề tài muôn màu muôn vẻ cho các bức ảnh. Hội đồng Nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập đã chọn lọc 177 tác phẩm của 93 tác giả để triển lãm.

Với nội dung mở là phong cảnh, con người, văn hóa Việt Nam và thể loại là ảnh đơn, qua ống kính của các nhiếp ảnh gia, hình ảnh Việt Nam hiện lên tươi đẹp, sống động, đầy mầu sắc. Có thể chia ra một số nhóm ảnh như: Nhóm ảnh về kiến trúc, di tích, lễ hội, nghệ thuật truyền thống Việt Nam; nhóm ảnh danh lam thắng cảnh Việt Nam; nhóm ảnh về nghề thủ công truyền thống Việt Nam; nhóm ảnh đề tài miền núi; nhóm ảnh phong cảnh, sinh hoạt nông thôn; nhóm ảnh về sông nước Việt Nam; nhóm ảnh đường phố và nhịp sống hiện đại... Nói chung, tất cả đều cho thấy cái nhìn trìu mến, thân thiện, trân trọng của các tác giả đối với đất nước, con người Việt Nam. Chẳng hạn, đề tài văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam có nhiều tác phẩm tốt, như “Thăng hoa” của Bùi Quốc Sỹ đặc tả lễ hội nhảy lửa đặc sắc của người Pà Thẻn ở Tuyên Quang, hay “Thiếu nữ K’Ho” của Ngô Định tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ. Nhiều tay máy khác lại tâm đắc với hình ảnh trẻ em vui chơi bên nhau hồn nhiên và yên bình, như tác phẩm “Phan Rang” của Burak Senbak (Thổ Nhĩ Kỳ) hay “Những đứa bé ở Lao Xa, Hà Giang” của Ninh Mạnh Thắng. Cảnh sinh hoạt, lao động thường ngày của cư dân vùng duyên hải như kéo lưới, gánh muối… hiện lên đầy chất thơ qua các bức ảnh “Minh Thu” của Marie José Tack (Pháp) hay “Muối Hòn Khói, Khánh Hòa” của Nguyễn Ngọc Sơn. Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài, nên không thể không kể đến những tác phẩm ghi lại hình ảnh địa danh du lịch biển hấp dẫn du khách, như “Đà Nẵng” của Domenico Ziccardi (Italia) hay “Bình minh đồi cát Phan Thiết” của Ho Hon Yew (Singapore). Tác giả Jared Fraser (Canada) có 4 năm gắn bó với Thủ đô Hà Nội cũng đóng góp nhiều khoảnh khắc ấn tượng, được chọn triển lãm hai tác phẩm là “Cầu Long Biên” và “Trà thuốc phố cổ Hà Nội”… 

Thông qua triển lãm, người xem có cơ hội trải nghiệm “du lịch” qua những khung hình, cảm nhận một phần nào sự hoang sơ và tươi đẹp của thiên nhiên, sự giàu có và độc đáo của văn hóa tại nhiều vùng miền trên khắp đất nước Việt Nam. Ngoài ra, triển lãm còn tạo sự gắn kết, quan tâm của các nhiếp ảnh gia, người yêu nhiếp ảnh trong và ngoài nước, đồng thời là dịp để các nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế và Việt Nam giao lưu, học hỏi, giới thiệu thành quả sáng tạo.

Theo Nhandan điện tử

Tin cùng chuyên mục