Từ bản sắc...
Bản dân tộc Mông thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) những ngày này rộn ràng tiếng máy dệt thổ cẩm. “Xưởng may của em có được là nhờ nguồn vốn ngân hàng Chính sách xã hội đấy ạ, với dư nợ 100 triệu đồng. Đây là động lực giúp em biến ước mơ thành hiện thực”. Chị Hoàng Thị Mai, dân tộc Mông 28 tuổi, có kinh nghiệm 7 năm làm chủ xưởng may trang phục Mông ở Nà Tang chia sẻ.
Chị Mai bảo, người Mông rất yêu trang phục truyền thống của dân tộc mình, nhất là trong những ngày Tết được diện trang phục mới, xuân như vui hơn, ấm áp hơn. Chị phấn khởi cho biết, cách đây 3 tháng, xưởng của chị đã nhận đơn hàng dệt 300 váy áo Mông của các tỉnh Tây Bắc nên đã tập trung làm ngày đêm để bà con kịp diện trong Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trang phục dân tộc Mông do xưởng làm không bao giờ bị tồn, không đủ để bán, nhất là vào dịp lễ Tết. Trang phục người Mông may cầu kỳ và mất thời gian nên không làm nhanh được. Hơn nữa ngoài bán trực tiếp thì chị Mai còn giới thiệu và bán trên các nền tảng công nghệ số như Zalo, Facebook, Youtube nên người Mông trong cả nước đều có thể đặt hàng của chị.
Xưởng dệt may của chị Mai đầu tư đến nay cũng ngót tiền tỷ, gồm máy dệt, máy thêu, máy in, máy dập sóng, máy may… để tạo ra sản phẩm hoàn thiện. Nhiều khâu trong sản phẩm phải thực hiện bằng tay như đính cườm, thêu tạo hình, làm khuy. Xưởng đang tạo việc làm cho 15 lao động người Mông. Doanh thu mỗi tháng đạt trên 200 triệu đồng. Chị Hoàng Thị Rĩa, thôn Nà Tàng chia sẻ, chị đã làm ở xưởng 4 năm rồi, thu nhập trung bình khoảng 5 triệu đồng/tháng nhưng gần nhà và quan trọng nhất là được may trang phục dân tộc mình, tự hào lắm.
Xưởng dệt của chị Dương Thị Luyến, thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi (Yên Sơn).
Đang nhanh tay cắt những sợi chỉ thừa trên khung dệt vải thổ cẩm, chị Dương Thị Luyến, sinh năm 1994, một trong những hộ người Mông trẻ tuổi có xưởng dệt vải thổ cẩm cho biết: Vợ chồng chị đã đầu tư 500 triệu đồng mua máy thêu thổ cẩm. Vốn được vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Sơn và người thân. Qua 2 năm thấy nghề này có triển vọng phát triển nên hai vợ chồng tập trung làm. Khi có đơn hàng lớn hai người không làm kịp thì thuê thêm người trong thôn hỗ trợ. Số tiền lời chưa nhiều, mới được khoảng 20-30 triệu đồng/tháng nhưng công việc ổn định lại được làm ở nhà nên đỡ vất vả hơn nhiều.
Anh Hoàng Văn Sông, chồng chị Dương đang tương tác trên Zalo, Facebook để bán hàng với vẻ mặt đầy hứng khởi. Anh nói, “hầu hết hàng dệt nhà anh đều bán qua mạng. Chụp ảnh giới thiệu trên các nền tảng, khách hàng đặt hàng, chuyển cọc thì làm. Không sản xuất sẵn vì người Mông ở các nơi khác nhau có hoa văn khác nhau. Người Mông thật thà và tin tưởng nhau lắm!. Cộng đồng người Mông có nhóm Zalo, Facebook trên toàn quốc ấy. Tôi mong tiếp tục được vay vốn của ngân hàng để mở mang xưởng sản xuất, tạo thêm việc làm cho bà con”.
Phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình cộng với sự hỗ trợ nguồn vốn, người Mông ở Nà Tang đã phát triển nghề dệt may quần áo người Mông để tạo sinh kế. Ông Lầu Văn Thào, Bí thư Chi bộ, người có uy tín ở Nà Tang bảo: “Bây giờ, nhiều người Mông mặc quần áo được dệt bằng máy móc, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc”. Nhiều thanh niên Mông ở bản Nà Tang đã đầu tư máy móc dệt thổ cẩm, may trang phục cung cấp cho người Mông trong cả nước. Hiện Nà Tang có 4 xưởng dệt, may trang phục Mông, tạo việc làm cho trên 30 phụ nữ trong thôn.
Mùa xuân đang về Nà Tang mang theo khát vọng làm giàu của các chàng trai, cô gái Mông làm giàu từ quê hương, bản sắc dân tộc mình.
Trợ lực lúc khó
Nguồn vốn của ngân hàng Chính sách không chỉ giúp hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp mà còn là trợ lực giúp nhiều thanh niên duy trì, chuyển đổi nghề thành công.
Anh Nông Văn Tuyên, thôn Bản Bon, xã Phúc Yên (Lâm Bình) chia sẻ, để có vốn trang trải chi phí nhập hàng hóa, nhiều lúc anh phải vay ngoài với lãi suất khá cao. Đầu năm 2022, anh được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lâm Bình cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm để đầu tư mở rộng cửa hàng cơ khí, nhôm, kính, sắt. Nguồn vốn thực sự đã giúp gia đình anh thêm động lực đầu tư trang thiết bị máy móc, tạo việc làm cho bản thân và 1 lao động tại địa phương.
Vườn chanh tứ thì của gia đình chị Vi Thị Vĩnh, thôn Minh Hà, xã Minh Khương (Hàm Yên).
Gia đình chị Vi Thị Vĩnh, thôn Minh Hà, xã Minh Khương (Hàm Yên) trước đây trồng 2 ha cam sành trên đất đồi thấp. Do không phù hợp với chất đất, sau hơn 4 năm, cam đã chết dần không được thu hoạch. Vốn liếng của hai vợ chồng trẻ cũng theo cây cam đi hết, còn cõng thêm khoản nợ 50 triệu đồng.
Chị Vĩnh chia sẻ, lúc ấy nản lắm! Bao tiền của, công chăm sóc đổ bể hết. Vợ chồng phải gửi con nhỏ ở nhà đi làm công ty để có thu nhập. Sau đó, hai vợ chồng lại bàn nhau, không bỏ cuộc, phải chuyển đổi cây khác. Năm 2020 người dân ở Minh Dân, Phù Lưu bắt đầu trồng chanh tứ thì và hiệu quả khá tốt. Hai vợ chồng lại liều một phen, vay 100 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cộng với tiền tích cóp làm công nhân trồng 2 ha chanh tứ thì.
Dẫn chúng tôi xem vườn chanh tứ thì sau 3 năm lúc lỉu quả, chị Vĩnh bảo, chanh năm nay được giá, vườn chanh tứ thì đã cho thu hoạch được khoảng 20 tấn quả, doanh thu được trên 500 triệu đồng. Nguồn vốn vay của ngân hàng đúng là trợ lực để vợ chồng khởi nghiệp lại. Lúc khó khăn nhất có được sự hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với những người như chị thật sự là “cứu cánh”.
Theo thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, năm 2023 có 5.037 lượt khách hàng được vay vốn hỗ trợ giải quyết việc làm, nâng tổng dư nợ nguồn vốn này toàn tỉnh lên trên 610 tỷ đồng với 11.022 khách hàng còn dư nợ.
Thành công của những bạn trẻ là người dân tộc thiểu số cho thấy nguồn lực vốn ưu đãi đã giúp nhiều thanh niên có điều kiện và động lực làm giàu trên chính quê hương.
Gửi phản hồi
In bài viết