Ngọn lửa nhiệt huyết

- Hơn 10 năm ông Trần Xuân Hạnh, Trưởng thôn Tân Bình 2, xã Bình Xa (Hàm Yên) không chỉ là “cầu nối” quan trọng giữa cấp ủy Đảng, chính quyền và đồng bào có đạo, mà còn là người nông dân sáng tạo trong làm kinh tế. Ông luôn gần dân, hiểu dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con phát huy truyền thống “kính Chúa yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo”.

Từ Trưởng thôn uy tín

Hơn 10 năm qua ông Trần Xuân Hạnh vẫn luôn được bà con quý mến tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Tân Bình 2 bởi sự tiên phong, nhiệt huyết và hết mình vì việc làng việc xóm. Thôn Tân Bình 2 với 118 hộ dân, cùng với xã được công nhận Nông thôn mới năm 2019. Sau khi đạt được thành tích đó, chính quyền và người dân trong thôn tiếp tục đề ra mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Để bà con trong thôn đồng thuận, ông Hạnh cùng với Ban Công tác Mặt trận thôn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” chuyện trò, sẻ chia, vận động người dân. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, ông đã phân tích để bà con hiểu lợi ích của xây dựng nông thôn mới nâng cao, về những việc bà con nên làm, cần làm. Đồng thời, tiên phong thực hiện các cuộc vận động hiến đất mở đường, chỉnh trang vườn hộ, phát triển kinh tế… để người dân noi theo.

      Ông Trần Xuân Hạnh, Trưởng thôn Tân Bình 2, xã Bình Xa (Hàm Yên).

“Mặc dù thôn có số dân đông, địa bàn rộng nhưng bất kể thời tiết nắng, mưa, ông Hạnh luôn sát sao, quan tâm tới công việc của từng hộ, vì sự phát triển chung của thôn xóm, quê hương. Chính từ sự gương mẫu trong cuộc sống, sinh hoạt và tinh thần làm việc không ngừng nghỉ của ông nên bà con trong thôn luôn tín nhiệm ông tuyệt đối” - ông Nguyễn Việt Hùng, người dân trong thôn Tân Bình 2 cho biết thêm.

Nhờ công tác dân vận khéo, từ năm 2020 đến nay, bà con giáo dân trong thôn đã hiến gần 3.000 m2 đất, đóng góp hàng tỷ đồng và hàng vạn ngày công để mở đường giao thông, hoàn thiện các công trình công cộng. Đến nay, 100% tuyến đường nội thôn, liên thôn được mở rộng, bê tông hóa sạch đẹp; 3 km tuyến đường thắp sáng đường quê; 2.600 mét tuyến đường hoa; 100% hộ dân xây được hố xử lý nước thải... Năm 2022, thôn Tân Bình 2 hoàn thành các tiêu chí, góp phần đưa xã về đích nông thôn mới nâng cao.

Đặc biệt có 1 kỷ lục về công trình đèn đường thắp sáng dài 1,4 km trên tuyến đường Quốc lộ 3B.  Được biết, đây là đoạn đường quốc lộ đi qua địa phận thôn của 122 hộ dân nhưng không có đèn đường, ảnh hưởng đến cuộc sống, lưu thông xe cộ, xảy ra vụ va chạm xe cộ vào buổi tối. Do đó, ông bàn bạc cùng các hộ dân tự đầu tư và làm tuyến đường. Mỗi hộ dân đồng tình ủng hộ 500 nghìn đồng và bản thân ông đi vận động sự ủng hộ các tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn. Với uy tín của mình chỉ trong 5 ngày công trình đã hoàn thiện với tổng trị giá gần 64 triệu đồng.

Đến Giám đốc Hợp tác xã

Trưởng thôn Trần Xuân Hạnh chia sẻ, “bí quyết” làm cán bộ thôn với ông đơn giản là: “Nói gì thì nói, muốn dân tin, mình phải làm gương trước đã”. Ông Hạnh nhớ lại, cây mía từng là cây trồng chủ lực xóa đói, giảm nghèo, làm giàu của bà con nơi đây thế nhưng cách đây gần chục năm về trước, người nông dân lao đao vì giá mía nguyên liệu tụt giảm. Người này ý kiến này, người kia ý kiến nọ khiến bà con hoang mang.

Trưởng thôn Hạnh đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển vườn cây ăn quả với 1 ha bưởi. Với sự nhạy bén của mình, ông nhanh chóng học hỏi kiến thức kỹ thuật trồng bưởi theo hướng sản xuất hữu cơ và nên duyên với nghề trồng bưởi. Nhờ đi đúng hướng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc nên vườn bưởi cho năng suất cao. Dần dà, ông đầu tư mở rộng trang trại bưởi với quy mô 4 ha.

Những tuyến đường bê tông rộng rãi phong quang ở thôn Tân Bình 2, xã Bình Xa (Hàm Yên)

Suốt bao năm nay ông là một chuyên gia trồng bưởi, bên cạnh đó là một thương lái thu mua bưởi rồi kết nối đưa bưởi Hàm Yên, Yên Sơn xuất bán sang các tỉnh bạn. Ông Hạnh chia sẻ, đến với nghề thương lái đó là cả một hành trình dài. Có những lúc thua lỗ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng vì chênh lệch giá, bảo quản không đúng, không tìm được đầu ra… Những vấp váp đó theo tháng năm tích lũy để ông có trong mình những kinh nghiệm, “ngón nghề” kinh doanh đặc biệt, riêng có.

Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, ông vận động người dân trồng cây ăn quả. Ông đứng ra thành lập Hợp tác xã Rau quả hữu cơ Nhật Tân, Bình Xa với 12 thành viên hợp tác xã, đều là người nông dân trong thôn Tân Bình. Ông dí dỏm chia sẻ: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi đông người. Không có gì mạnh bằng sự đoàn kết cả. Hợp tác xã có 30 ha cây ăn quả gồm bưởi, cam, chanh. Trong đó có gần 13 ha cây bưởi. Tất cả đều được Hợp tác xã hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm”.

Nhiều năm qua, Hợp tác xã Rau quả hữu cơ Nhật Tân trở thành địa chủ thu mua quả có múi. Ông Trần Xuân Hạnh chia sẻ: “Thời gian này hợp tác xã đã tìm được thị trường lớn tại các siêu thị miền Trung và miền Nam. Hiện nay trung bình mỗi ngày cơ sở xuất đi 13 - 18 tấn quả. Tạo công ăn việc làm cho 5 - 7 lao động với mức thù lao từ 200 - 300 nghìn đồng/ngày”.

Công việc một ngày ông Trần Xuân Hạnh luôn bận rộn với việc làng, việc xóm, đồng hành phát triển kinh tế cùng bà con. Ông đóng vai trò là cầu nối giữa cấp ủy Đảng - Chính quyền - Giáo dân, hướng bà con một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Các giáo dân khi nghĩ về Đảng “của dân, do dân, vì dân” trước tiên là qua hình ảnh đẹp của người cán bộ thôn như Trưởng thôn Trần Xuân Hạnh.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục