“Không biết nói tiếng dân tộc thì về đi!”
Lê Thị Duyên, sinh năm 1990, là người dân tộc Tày ở xã Côn Lôn. Ước mơ được làm cô giáo, mang con chữ đến các bản làng vùng cao cháy bỏng trong Duyên từ những ngày thơ bé. Mang giấc mơ vượt lũy tre làng, Duyên thi đỗ Cao đẳng Sư phạm Hà Tây (cũ).
Ra trường, được phân về điểm trường Bản Lá, xã Sinh Long dạy học, Duyên háo hức lắm. Trong tưởng tượng, Duyên nghĩ từ cách chào học sinh, cách truyền tải những kiến thức mới đến lũ trẻ, đến chuyện làm sao để dạy các con học hát, học múa, đọc thơ.
Ngày đầu đến điểm trường, Duyên được bố đưa đến tận nơi. Ngồi sau tay lái của bố, những háo hức ban đầu vỡ vụn dần. Điểm trường cách trung tâm xã hơn 10 cây số. Không điện, không nước, không có cả đường. Con đường đến thôn chỉ là đường mòn đầy đá. Điểm trường được người dân lợp lá, trông như chiếc lều.
Chỗ ở của Duyên là căn lán mà người dân dựng đầu thôn để bán quán, sau này không bán nữa mà để lại cho các thầy cô giáo mầm non và tiểu học ở điểm trường làm nhà ở. Thương cô giáo mới ra trường, các thầy cô ở điểm trường Tiểu học nhường Duyên chiếc giường sạch sẽ nhất.
Một giờ học của cô Duyên và các em học sinh.
Ngày đầu vào lớp, lũ trẻ con ngơ ngác. Cô giáo cũng ngơ ngác. Bản Lá 100% đồng bào Dao. Học sinh mầm non không biết tiếng Kinh. Cô giáo người Tày không biết nói tiếng Dao. Vào lớp cô trò nhìn nhau, đến chào nhau cũng không ai hiểu ai. Những mường tượng về buổi học đầu tiên, với Duyên, giống như trò đùa ác của chính mình vậy.
Phụ huynh đến đón con thấy thế bảo nhau, cô giáo không biết tiếng dân tộc thì về đi. Đổi cô giáo khác lên mới dạy con mình được chứ... Các thầy cô điểm trường Tiểu học dịch lại. Đêm đầu tiên ở bản, Duyên nằm khóc suốt.
Duyên bảo, sau buổi lên lớp đầu tiên ấy, em đã nghĩ chắc mình sẽ bỏ việc mà về quê với bố mẹ thôi... Nhưng ở “ngôi lều chung”, được nghe chuyện bám bản của các thầy cô giáo dạy Tiểu học ở điểm trường, nghe các thầy các cô kể chuyện lũ trẻ con ham học, giữa mùa đông, có khi chỉ mặc độc bộ cánh mỏng dính, vẫn đều đặn lên lớp học lấy cái chữ, Duyên lại chạnh lòng, nghĩ bụng nếu giờ bỏ về thì uổng công mấy năm đèn sách, thương cả người cha người mẹ ở quê trông chờ con làm được điều có ích cho những nơi thiếu thốn như Sinh Long.
Đêm ấy, Duyên nhờ những người đi trước dạy lại tiếng dân tộc Dao, từng từ, từng từ một. Từ đấy, trong “ngôi lều chung” chỉ bập bùng ánh đèn dầu và tiếng lách tách bếp lửa, tiếng cô giáo Duyên lẫn trong tiếng côn trùng kêu rả rích, trôi trong đêm mưa, ngọng nghịu từng từ tiếng Dao... sao cho chuẩn nhất, mềm mại nhất.
Những tháng lương... âm
“Tre Coóng là Gà trống
Tre nhế là Gà mái
Cái bát là Viên
Con lợn là Túng”
Từ ngày thành thạo tiếng Dao, việc dạy học của cô Duyên ở Sinh Long thuận lợi hơn. Học sinh mầm non ở Sinh Long đa phần chưa nói sõi tiếng phổ thông. Để các con hiểu bài học, gần như từ nào cô Duyên cũng phải dịch từ tiếng phổ thông sang tiếng Dao để các con hiểu nghĩa. Sau đó, mới nắn nót dạy các con nói sang tiếng phổ thông.
Sau này, được chuyển ra trường chính ở Trung tâm xã, cô giáo Lê Thị Duyên vẫn giữ cách dạy song ngữ này.
Cô giáo Lê Thị Duyên chăm sóc trẻ.
Lớp học của Duyên có 35 em, nhiều em bố mẹ đi làm ăn xa, phải ở với ông bà. Ông bà già, lại không biết cách chăm sóc, nhiều em có khi cả tuần không được tắm gội, không được thay quần áo. Nhiều em không đủ quần áo ấm, cả mùa đông nhiệt độ có khi xuống đến 4 - 5 độ cũng chỉ mặc độc bộ quần áo mỏng, đi chân đất đến lớp.
13 năm qua, việc đầu tiên mà Duyên làm mỗi khi đến lớp là đun một nồi nước sôi, chia vào từng chiếc bình giữ nhiệt để học sinh đến lớp có nước ấm uống ngay. Ở Sinh Long, nơi nhiệt độ mùa hè cũng mát mẻ như mùa thu ở dưới xuôi, còn mùa đông thì luôn thấp hơn dự báo thời tiết ít nhất 2 - 3 độ, những chiếc bình giữ nhiệt của cô Duyên là cứu cánh cho lũ trẻ.
Những ngày mùa đông, tuần nào Duyên cũng soạn lại quần áo cũ của con mình, xin quần áo cũ của hàng xóm, rồi chuẩn bị tất, khăn len, mang lên lớp chia cho từng em chưa đủ ấm.
Nhiều em vắng bàn tay chăm sóc của mẹ, chấy cắn chảy máu khắp gáy, cả giờ học không tập trung nổi, chỉ chực chờ gãi ngứa. Hết giờ học, cô Duyên lại đun một nồi nước, tắm gội, rồi bắt chấy... Duyên bảo, ban đầu nhìn thấy chấy lúc nhúc trên đầu lũ trẻ cũng sợ, nhưng nhìn những ngón tay nhỏ xíu gãi đến sứt tai, chảy máu, những mái đầu xơ xác như râu ngô, cô gạt nỗi sợ, xắn tay áo vệ sinh, chăm sóc cho lũ trẻ như con mình vậy.
Ngay cả tiền lương, với những cô giáo vùng cao như cô Duyên, hầu như tháng nào cũng bị âm. Là bởi, tháng nào, các cô cũng phải bỏ tiền túi đóng tiền ăn cho các con trước. Mỗi tháng, mỗi trẻ chỉ phải đóng chưa đến 300 nghìn đồng tiền ăn, nhưng nhiều gia đình, phụ huynh chưa có tiền, cô giáo ứng tiền trước chờ bao giờ bố mẹ có tiền mới trả... trở thành chuyện thường ngày. Có bố mẹ cuối tháng chuyển tiền trả cô, nhưng có những phụ huynh khó khăn, có khi vài tháng mới chuyển.
Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày lễ tết, Duyên, cũng như các thầy cô giáo ở đây gần như không biết đến lời chúc mừng. Phụ huynh vùng cao, có khi cả đời chỉ lo làm sao để con có bữa cơm ngon, có quần áo ấm, ngày lễ ngày kỷ niệm, với họ xa vời như chuyện làm sao vượt qua ngọn núi đầu làng mà ngắm nhìn thế giới vậy.
Duyên bảo, 13 năm qua, mình cũng quen rồi. Chỉ cần các con đi học đều, đến lớp vui và ngoan, với các thầy cô giáo ở đây đã là món quà lớn nhất rồi.
Ở Trường mầm non Sinh Long, tình yêu, tâm huyết với nghề, với trẻ của cô giáo Lê Thị Duyên trở thành tấm gương để các cô giáo trong trường học tập và nỗ lực. Hiệu trưởng Trường mầm non Sinh Long Lương Thị Bền chia sẻ, cô Duyên cũng là tổ trưởng chuyên môn, nhiều năm liền đạt danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cơ sở.
Với học trò ở Sinh Long, cô giáo Lê Thị Duyên như ngôi sao Mai trên núi, đem theo tất cả tình yêu, ánh sáng và niềm tin, để lũ trẻ thêm tự tin bước về phía trước,
Gửi phản hồi
In bài viết