Giỏi việc hội
Chị Lê Thúy Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Chân Sơn (Yên Sơn). |
Chúng tôi tìm đến xã Chân Sơn, gặp chị trong một ngày rét đậm cuối năm. Trong ngôi nhà sàn bê tông 2 tầng khang trang làm theo kiến trúc dân tộc Cao Lan, chị Hằng trải lòng, sau 14 năm là cán bộ phụ trách lĩnh vực nông lâm nghiệp, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp xã Chân Sơn, cuối năm 2020, chị được hội viên phụ nữ tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội LHPN xã Chân Sơn.
Mừng thì ít mà lo thì nhiều vì đây là một công việc với bản thân chị rất mới mẻ, bỡ ngỡ và chưa thực sự tự tin vào năng lực của bản thân. Thế nhưng càng tìm hiểu, càng đi sâu vào các phong trào, các hoạt động của hội, chị càng thấy say mê và muốn đưa phong trào hội phát triển mạnh mẽ.
Là “chị cả”, chị Hằng luôn trăn trở, suy nghĩ phải làm gì, làm cách nào để tổ chức được những hoạt động, phong trào thực sự ý nghĩa, thiết thực để chăm lo, giúp đỡ hội viên phụ nữ, đặc biệt là hội viên nghèo và phụ nữ yếu thế.
Chị Hằng bảo, thôn Động Sơn có địa hình vườn đồi, lại có hồ Ngòi Là quanh năm trong xanh nước biếc rất thuận lợi cho chăn nuôi, trồng trọt. Tuy nhiên, trước đây, người dân thôn Đông Sơn nuôi gà thả đồi manh mún, lại thiếu kinh nghiệm phòng bệnh nên sản lượng và chất lượng gà không cao, hiệu quả kinh tế thấp. Để giúp hội viên thuận lợi trong phát triển kinh tế, chị đã đổi mới hình thức chăn nuôi theo hướng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Năm 2022, chị đã vận động, tập hợp, kết nối một số hội viên thành lập nhóm sở thích chăn nuôi gà thả đồi thôn Động Sơn với sự tham gia của 7 gia đình hội viên, quy mô chăn nuôi trung bình mỗi hộ 500 con/lứa. Đặc biệt, thông qua nhóm sẽ góp phần đưa gà thả đồi trở thành một sản phẩm đặc trưng của Làng Văn hóa dân tộc Cao Lan, thôn Động Sơn trong thời gian tới.
Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình, chị Mai Thị Hồng Tuyên, thôn Động Sơn, thành viên của nhóm chia sẻ, trước đây, người dân nuôi thả gà đồi một cách manh mún, tự phát, thiếu kinh nghiệm nên gà thường nhỏ, không đủ trọng lượng. Giờ đây, khi tham gia nhóm, thành viên được trang bị các kiến thức phòng tránh dịch bệnh, kỹ thuật chăn nuôi, cách lựa chọn con giống, chọn thời điểm nuôi và xuất bán có lãi nhất… cùng với sự giúp đỡ của mọi thành viên trong nhóm nên sản lượng, chất lượng gà ngày một tăng cao, sản phẩm gà đồi của nhóm thường xuyên trong tình trạng cung không đủ cầu.
Muốn thay đổi được người dân, đặc biệt là các chị em là người dân tộc thiểu số thì đầu tiên chúng ta cần phải là bạn, người thân của họ thì họ mới tin, rồi thay đổi tư duy. Thay đổi tư duy là rất khó, đòi hỏi cần phải kiên nhẫn, vì không phải ai nói cũng hiểu, chúng ta nên đưa cho họ cái cần, hướng dẫn cách câu - chị Hằng nói.
Chị Lê Thúy Hằng (ngoài cùng, bên phải) và hội viên phụ nữ xã Chân Sơn tại buổi ra mắt Gian hàng trưng bày và giới thiệu các sản phẩm của hội viên Phụ nữ xã Chân Sơn.
Qua đó, chị đã vận động hội viên các chi hội tích cực tham gia các buổi tập huấn chăn nuôi, trồng trọt, chuyển giao khoa học - công nghệ; các lớp học nghề mây tre đan, đan lát, thêu truyền thống. Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, giúp phụ nữ có thêm nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo bền vững.
Đến nay, chị đã giúp hơn 200 lượt hội viên vay vốn gần 7 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhiều hội viên tự vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Hội có trên hơn 400 hộ hội viên có mô hình kinh tế có thu nhập từ 80 triệu đồng trở lên. Tiêu biểu như chị Nguyễn Thị Tứ với mô hình trồng hoa, rau màu; chị Mai Thị Hồng Tuyên với mô hình kinh tế tổng hợp; chị Khổng Thị Thúy với mô hình chăn nuôi, cây ăn quả…
Năm 2021, UBND huyện Yên Sơn triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Làng Văn hóa dân tộc Cao Lan thôn Động Sơn, xã Chân Sơn” để Động Sơn trở thành điểm đến mới, hấp dẫn du khách trong hành trình khám phá Tuyên Quang. Ban đầu, việc vận động người dân Động Sơn xây dựng mô hình dịch vụ homestay rất khó khăn, chị Hằng gương mẫu, tiên phong, động viên gia đình xây dựng mô hình. Gia đình chị đã đầu tư hơn 300 triệu đồng sửa chữa lại nhà ở, đầu tư cơ sở vật chất để làm dịch vụ homestay và trở thành hộ đầu tiên đủ điều kiện, hoàn tất các thủ tục và đi vào hoạt động.
Cùng với đó, chị Hằng cũng tích cực cùng Đảng ủy, UBND xã vận động 5 hộ hội viên khác tham gia làm dịch vụ homestay, 13 hộ gia đình hội viên phụ nữ tham gia hiến đất làm đường phục vụ du lịch. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, Làng Văn hóa dân tộc Cao Lan thôn Động Sơn đã thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan, trải nghiệm, lan tỏa nét văn hóa, bản sắc văn hóa Cao Lan của địa phương đến nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.
Xác định nâng cao nhận thức, hiểu biết cho hội viên phụ nữ, chị chú trọng tuyên truyền, đẩy mạnh các phong trào phụ nữ: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Xây dựng gia đình hạnh phúc”; dân vận khéo; thành lập 8 mô hình “Thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình”; Nhà sạch - Vườn đẹp”; cùng hội viên trồng và chăm sóc 6 km đường hoa…
Bên cạnh chăm lo đời sống vật chất, chị Hằng còn luôn quan tâm đến đời sống tinh thần của hội viên phụ nữ. Chị phối hợp với UBND xã vận động hội viên, nhân dân thành lập Câu lạc bộ (CLB) Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao thôn Đèo Hoa với 30 thành viên; CLB Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan thôn Động Sơn với 19 thành viên; thành lập 12 CLB Dân vũ với sự tham gia của hơn 250 hội viên, phụ nữ sinh hoạt thường xuyên.
Chị Hằng và hội viên phụ nữ thôn Động Sơn trao đổi kỹ thuật thu hái quả ổi.
Đảm việc nhà
Trong cuộc sống đời thường, chị luôn làm tròn nghĩa vụ của người con, người vợ, người mẹ. Như các cụ xưa đã nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, vợ chồng chị luôn hòa thuận, biết sẻ chia cùng nhau những công việc, những khó khăn, những niềm vui trong cuộc sống. Hai con của chị đều ngoan, học giỏi. Ngoài thời gian công tác xã hội, 2 vợ chồng chị cùng đồng lòng, tích cực lao động sản xuất, phát triển mô hình homestay, trang trại chăn nuôi của gia đình mình với đàn lợn thương phẩm hơn 100 con lợn/lứa; 7.000 con gà tre, gà đồi/năm. Thu nhập hàng năm của gia đình chị Hằng đạt 250 - 300 triệu đồng/năm.
Đồng chí Ngô Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Sơn nhận xét, chị Lê Thúy Hằng là cán bộ phụ nữ năng động, nhiệt tình, trách nhiệm, không quản khó khăn, sâu sát với hội viên, sáng tạo tìm tòi nhiều cách làm hay, nâng cao chất lượng hoạt động hội được các hội viên, phụ nữ tin yêu, tín nhiệm. Đồng thời, phát huy tốt truyền thống “giỏi việc nước, đảm việc nhà” của phụ nữ huyện Yên Sơn.
Với những nỗ lực và nhiệt tình trách nhiệm trong công tác hội, chị Lê Thúy Hằng được các cấp, các ngành trong huyện biểu dương. Song có lẽ, đối với bản thân chị, niềm vui lớn nhất là được nhìn thấy cuộc sống của hội viên ngày một ổn định, ấm no.
Gửi phản hồi
In bài viết