Chăm lo cuộc sống cho người nghèo

- Bằng tất cả trách nhiệm, tình cảm, với tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, công tác chăm lo đời sống cho người nghèo, những hoàn cảnh yếu thế luôn được tỉnh ta quan tâm thực hiện trong những năm qua.

Những ngày thu lịch sử lại trở về trên quê hương cách mạng, Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến. Thế hệ chúng ta hôm nay luôn tự hào bởi lịch sử dân tộc hào hùng nhưng cũng không thể quên đi những mất mát, đau thương của dân tộc mình. Đó là những ký ức kinh hoàng, cơn ác mộng về nạn đói năm 1945. Chính sách vơ vét của phát xít Nhật và thực dân Pháp lúc bấy giờ cùng với lũ lụt, thiên tai, mất mùa đã đẩy hơn 2 triệu đồng bào của ta chết trong tận cùng của cái đói.

Cán bộ, chiến sỹ công an tham gia làm nhà ở cho hộ nghèo.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu sáu vấn đề cấp bách, trong đó cứu đói là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Đến nay đã hơn 7 thập kỷ trôi qua, công tác xóa đói, giảm nghèo đã trở thành mục tiêu mang tính nhân văn sâu sắc của toàn Đảng, toàn dân. Trong suốt những năm qua, với tinh thần của “Thủ đô Khu Giải phóng - Thủ đô Kháng chiến”, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã cùng với cả nước thực hiện tốt các chương trình, chính sách chăm lo, hỗ trợ người nghèo. Tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực giảm nghèo, chăm lo đời sống nhân dân. Hàng năm, UBND tỉnh phê duyệt, ban hành các quyết định giao chỉ tiêu, kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo, phân bổ, giao kế hoạch vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.

Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, thực hiện. Từ cuộc vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp, giai đoạn 2016 - 2020, đã có 68 hộ được hỗ trợ làm nhà mới, 133 hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà. Thực hiện Dự án hỗ trợ hộ nghèo vay không tính lãi từ nguồn vốn của Trung ương, đã có 23 hộ nghèo, cận nghèo tại xã Kim Quan (Yên Sơn), 26 hộ tại Kiên Đài (Chiêm Hóa) được hỗ trợ mua bò cái sinh sản. Cùng với đó, hàng năm nhiều hình thức hỗ trợ như tặng quà Tết, tặng quà học sinh nghèo hiếu học, hỗ trợ mua thẻ BHYT, khám chữa bệnh miễn phí... cũng được tích cực triển khai thực hiện.

Các chương trình, dự án khác cũng được các ngành, địa phương tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ xây dựng nhà ở, phát triển sản xuất, tổ chức đào tạo nghề, trao sinh kế để hộ nghèo vươn lên. Giai đoạn 2016 - 2020, có trên 67.700 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn được vay trên 2.600 tỷ đồng từ nguồn vốn ưu đãi để làm nhà ở, phát triển sản xuất, kinh doanh; có gần 5.700 hộ nghèo được hỗ trợ sửa chữa, làm nhà mới với kinh phí trên 156 tỷ đồng... Từ năm 2021 đến nay, tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách về hỗ trợ việc làm, y tế, giáo dục, thông tin... đặc biệt là chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo theo Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025.

Người dân xã Tân Tiến (Yên Sơn) tham gia lớp học sửa chữa máy nông nghiệp.

Đồng chí Đỗ Minh Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết, đến nay đã có 2.051 hộ nghèo, cận nghèo được sửa chữa và làm nhà mới. Trong đó có 1.400 ngôi nhà “3 cứng” do Bộ Công an hỗ trợ. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, MTTQ các cấp đã vận động, huy động hỗ trợ gạch, cát sỏi, xi măng và trên 11.000 ngày công dỡ nhà, đào móng, vận chuyển vật liệu; các hộ gia đình đã đối ứng với tổng số tiền là 34,6 tỷ đồng để làm mới và sửa chữa nhà ở. Qua đó giúp hộ nghèo an cư, có điều kiện để phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống.   

Trong quá trình triển khai công tác giảm nghèo, đã xuất hiện nhiều tấm gương, mô hình điển hình nỗ lực vươn lên. Đến nay, câu chuyện của những người tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo như bà Ma Thị Ngân, thôn Đèo Nàng (Chiêm Hóa), ông Hà Tinh Tú, thôn Tháng 10, Yên Lâm (Hàm Yên)... đã tạo nên sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Qua đó cũng khuyến khích, động viên người nghèo tự lực vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng, từ đó góp phần giảm nghèo bền vững.

Song song với đó, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, xóa đói giảm nghèo cũng được tích cực triển khai, nhờ đó đã có tác động mạnh mẽ, giúp thay đổi các vùng quê, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đến nay, 100% số xã trên địa bàn tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm xã, trên 90% số thôn bản có đường giao thông nông thôn, 100% các xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã, thu nhập bình quân tăng lên đạt 44 triệu đồng/người/năm... Đối với đồng bào dân tộc thiểu số đến nay trên 96,5% có thẻ bảo hiểm y tế; trên 85% số hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh; tỷ lệ tham gia các lực lượng lao động đạt trên 84%; đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của người dân có sự chuyển biến tích cực, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống khá giả.

Ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào, công tác quan tâm, chăm lo đời sống của nhân dân cũng được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Bằng nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ và chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã nỗ lực thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Thời gian tới, các cấp, các ngành và toàn xã hội tiếp tục phấn đấu thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 giảm từ 2 đến 2,5% hộ nghèo mỗi năm, đồng thời quyết tâm xây dựng Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực phía Bắc. 

Bài, ảnh: Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục