Không dùng sổ hộ khẩu: Bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính

- Từ năm nay, sổ hộ khẩu đã được thay bằng công nghệ quản lý điện tử trên căn cước công dân, có đặc tính liên thông giữa các đơn vị khi người dân cần giao dịch, xác nhận... Thực hiện quy định này sẽ giảm được nhiều thủ tục hành chính rườm rà, là bước tiến mới trong cải cách thủ tục hành chính.

Đầu năm mới, chị Đinh Thị Huyền Trang, tổ 12, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) phấn khởi vì Nhà nước đã bỏ quy định sử dụng sổ hộ khẩu. Chị cho biết: Do sổ hộ khẩu của gia đình bố mẹ đẻ bị thất lạc, chị muốn tách khẩu về nơi ở mới tại tổ 12, phường Phan Thiết nhưng mất khá nhiều thời gian. Chị đành đăng ký tạm trú, tạm vắng, vì không có sổ hộ khẩu nên nhiều công việc cần xác nhận nơi cư trú cũng khá mất thời gian, chứng minh tài sản, thu nhập cũng khá phức tạp... Nhưng năm nay, khi bỏ quy định sử dụng sổ hộ khẩu, chị sẽ thuận tiện hơn nhiều khi nhập khẩu về nơi ở mới, chị cũng như nhiều người dân đều cảm thấy rất vui vì bước tiến mới trong cải cách thủ tục hành chính.

Luật sư Ngô Việt Thắng, Công ty Luật Quốc Cường, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cho biết: Hiện nay, tại các nước phát triển đều sử dụng công nghệ để quản lý con người từ rất lâu, sổ hộ khẩu đang còn rất ít quốc gia áp dụng. 

Hầu hết khi giải quyết các thủ tục hành chính, đều đòi hỏi bắt buộc phải có hộ khẩu, nhưng từ năm nay, việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ giảm được nhiều thủ tục phức tạp cho người dân. Công dân được giảm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký cư trú, như được bỏ hoàn toàn 7 thủ tục: Cấp đổi, cấp lại sổ hộ khẩu, cấp giấy chuyển hộ khẩu, cấp đổi, cấp lại sổ tạm trú, điều chỉnh những thay đổi trong sổ tạm trú, gia hạn tạm trú. Từ đó, giảm chi phí khi thực hiện liên quan cấp mới, cấp đổi, cấp lại các giấy tờ có liên quan nếu bị mất, hỏng...

Bỏ sổ hộ khẩu, bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho nhân dân.

Nhằm hướng dẫn cơ quan chức năng và người dân cách thức thực hiện thủ tục hành chính khi bỏ sổ hộ khẩu, theo khoản 3 Điều 15 Nghị định 104/2022/NĐ-CP, kể từ ngày 1-1-2023, đối với các thủ tục hành chính, dịch vụ công có yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy được thay thế bằng việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Trong trường hợp không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân theo các phương thức trên, cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong 4 giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú là: Thẻ căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Giấy xác nhận thông tin về cư trú, Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân.

Việc bỏ không dùng sổ hộ khẩu đã giảm thiểu chi phí cho các cơ quan hành chính Nhà nước trong việc khai thác dữ liệu về dân cư, giảm nguồn lực. Bên cạnh đó, giảm chi phí để lưu trữ khối lượng hồ sơ, giấy tờ tại cơ quan hành chính Nhà nước. Đồng thời, tăng cường tính công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính, đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính công qua mạng; kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành, lĩnh vực được thuận lợi.

Đại úy Nguyễn Bá Đoàn Long, Trưởng Công an xã Chân Sơn (Yên Sơn) cho biết: Bỏ sổ hộ khẩu không phải là không tiến hành công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, mà chính là thay đổi cách quản lý bằng mã số định danh cá nhân, tạo thuận lợi cho người dân. Đây thực sự là quy định rất phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ, giảm bớt các thủ tục hành chính, thuận tiện cho cả người dân và cán bộ làm công tác quản lý, nhất là công an xã, phường.

Khi bỏ quy định dùng sổ hộ khẩu, người dân làm các thủ tục hành chính có liên quan sẽ không cần xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú mà sẽ được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua mã số định danh cá nhân. Đây chính là bước đột phá, tạo những bước tiến mới, vững chắc trên nền tảng công nghệ thông tin. Việc quản lý cư trú bằng số định danh sẽ bảo đảm được sự minh bạch, công khai, góp phần hạn chế sự sách nhiễu, lạm quyền, tạo thuận lợi cho người dân và phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Bài, ảnh: Lê Duy

Tin cùng chuyên mục