Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề

- Năm 2021, toàn tỉnh có kế hoạch đào tạo nghề cho 8.000 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 62,5%. Để thực hiện mục tiêu này, ngay từ đầu năm, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện kế hoạch dạy nghề, đẩy mạnh công tác tuyển sinh gắn với nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Từ đầu năm 2021, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các cơ sở đào tạo nghề phải cho học viên nghỉ học, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch năm học. Ngay sau khi có kế hoạch đi học trở lại, các cơ sở dạy nghề đã bổ sung, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp, tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh, thực hiện đào tạo nghề theo kế hoạch.

Đào tạo nghề điện công nghiệp tại trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang.

Một trong những mục tiêu quan trọng được trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang đặt ra trong năm nay là phấn đấu đạt chỉ tiêu trên 85% học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định với mức thu nhập từ 5 triệu đồng trở lên/tháng. Ông Lộc Văn Quang, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để hoàn thành mục tiêu trên nhà trường đã lựa chọn các ngành nghề mà xã hội đang cần, tăng cường công tác đào tạo nghề theo đơn đặt hàng. Trong quá trình đào tạo chú trọng gắn lý thuyết với thực hành, thường xuyên tổ chức cho học viên đi thực tập, thực tế tại các doanh nghiệp để nâng cao kỹ năng, hình thành tác phong công nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng…

Tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện, công tác đào tạo nghề “2 trong 1” (vừa dạy văn hóa kết hợp dạy nghề, ra trường được cấp bằng tốt nghiệp THPT và bằng nghề) và đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian qua cũng đã phát huy những kết quả tích cực. Đặc biệt, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã gắn với thế mạnh sản xuất của mỗi địa phương, căn cứ theo nhu cầu người học. Ông Hoàng Văn Chung, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chiêm Hóa cho biết, hiện nay tại Trung tâm có hơn 200 em học xong THCS đang theo học hệ vừa học nghề vừa học văn hóa. Năm 2021, Trung tâm có kế hoạch mở 10 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các ngành nghề có thể ứng dụng, phát triển tốt trên địa bàn như mây tre đan, trồng cây công nghiệp, chăn nuôi thú y… Việc mở các lớp đào tạo nghề dựa trên nhu cầu thực tế của xã hội và người học để từng bước nâng cao tỷ lệ người học có việc làm sau khi ra trường.

Cùng với việc triển khai kế hoạch đào tạo, các cơ sở dạy nghề đã đẩy mạnh công tác tuyển sinh, hướng nghiệp, đối tượng là lao động nông thôn, học sinh các trường trung học. Trong thời gian qua, các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh đều lập các fanpage, duy trì các trang thông tin điện tử để giới thiệu ngành nghề đào tạo, kế hoạch tuyển sinh, đồng thời triển khai kế hoạch tư vấn học nghề tại các trường khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát. Thông qua đó đã giúp nhiều lao động, học sinh trên địa bàn tỉnh lựa chọn ngành nghề phù hợp để theo học, có việc làm ổn định.

Chị Trần Thị Nhung, xã Phú Lương (Sơn Dương) sau khi học nghề may tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương đã xin đi làm tại Nhà máy May Tuyên Quang với thu nhập bình quân từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. Chị Nhung cho biết, nhờ lựa chọn học nghề phù hợp đã giúp chị và nhiều lao động nông thôn có thu nhập ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Năm 2020, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho hơn 9.200 người, đạt hơn 116% kế hoạch, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%. Từ những kết quả tích cực trên cũng như việc triển khai nhiều giải pháp trọng tâm, cụ thể ngay từ đầu năm sẽ tạo động lực để công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng chất lượng, hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục