Tình trạng mua thuốc không cần kê đơn vẫn còn phổ biến

- Không cần trình đơn thuốc, người dân có thể dễ dàng đến bất cứ hiệu thuốc nào để mua các loại thuốc kháng sinh, giảm đau và cả các loại biệt dược. Thực trạng này đang diễn ra phổ biến tại các hiệu thuốc trên địa bàn tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 8 doanh nghiệp kinh doanh thuốc, 118 nhà thuốc và 476 quầy thuốc tân dược. Các cơ quan chức năng của tỉnh luôn chú trọng kiểm soát chất lượng, qua đó kịp thời chấn chỉnh các sai phạm, bảo đảm việc kinh doanh thuốc diễn ra đúng quy định. Tuy nhiên, người dân cũng cần nâng cao ý thức trong việc mua, sử dụng thuốc, uống thuốc theo kê đơn của bác sỹ để bảo vệ sức khỏe của chính mình cũng như thực hiện đúng quy định về mua, sử dụng thuốc. 

Theo đánh giá của Sở Y tế, phần lớn các cơ sở kinh doanh thuốc tân dược trên địa bàn tỉnh đều có tư cách pháp nhân, có giấy phép hành nghề và được cấp phép hoạt động. Trong quá trình kinh doanh, các cơ sở này cơ bản chấp hành đúng quy định của pháp luật; giá thuốc hợp lý, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước; không có tình trạng tăng giá thuốc bất hợp lý; các cơ sở đều thực hiện tốt các quy định niêm yết giá. Tuy nhiên, qua khảo sát tại một số quầy thuốc, nhà thuốc vẫn diễn ra tình trạng mua bán thuốc không theo đơn của bác sỹ.

Nhà thuốc Hương Giang, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) thực hiện nghiêm việc bán thuốc theo đơn.

Tại một hiệu thuốc lớn trên đường Quang Trung (TP Tuyên Quang), sau khi nghe khách hàng kể về những triệu chứng khó chịu đang gặp phải, nữ nhân viên lập tức tư vấn cho khách một cách nhanh nhẹn và lưu loát. Theo chị, với biểu hiện hắt hơi sổ mũi thì khách hàng đã mắc bệnh cảm cúm. Để “tiêu diệt ngay con vi rút cúm”, chị nhân viên liền lấy cho vị khách của mình liều cảm cúm bao gồm các loại thuốc đa màu sắc cùng một vỉ thuốc kháng sinh Penicillin và không quên dặn dò: “Nhất định phải uống kháng sinh cho nhanh khỏi đấy nhé”.

Có mặt tại một quầy thuốc tại thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa, chúng tôi gặp anh Phan Văn Khoa, xã Xuân Quang đang mua thuốc tại đây. Khi được hỏi: "Anh mua thuốc mà không cần hóa đơn?", anh Khoa cho biết, mỗi khi đau họng hay sốt, ho, anh thường đến kể sơ bộ với người bán thuốc và tự chẩn đoán bệnh rồi mua thuốc về uống. Bởi vì anh ngại đến bệnh viện hay các cơ sở y tế khám bệnh vì mất nhiều thời gian, có khi lại phải ở lại điều trị và tốn kém chi phí. Mặc dù qua các phương tiện truyền thông anh cũng được biết đến tác hại của việc không dùng thuốc theo đơn hay tình trạng kháng thuốc, nhưng do thói quen nên chỉ lúc nào bệnh nặng anh mới đến khám tại bệnh viện, còn các bệnh thông thường vẫn tự mua thuốc về điều trị.

Hiện nay, phần lớn người dân thường giữ thói quen cứ thấy trong người có dấu hiệu sức khỏe không tốt là lập tức ra ngay hiệu thuốc để mua thuốc theo kinh nghiệm hoặc dùng lại đơn cũ hay mua theo chỉ dẫn của người thân quen... Việc đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế được cho là tốn thời gian và không cần thiết. Việc mua thuốc không kê đơn diễn ra quá dễ dàng, rất tiện nhưng không có lợi vì thực tế đã có nhiều trường hợp phải chịu hậu quả nặng nề và đáng tiếc vì sự thiếu hiểu biết, coi thường sức khỏe của chính mình và người thân trong gia đình.

Ghi nhận từ thực tế, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhiều trường hợp trẻ nhỏ ban đầu mắc các bệnh thông thường như ho, sốt, tiêu chảy, viêm phế quản... nhưng bị biến chứng nguy hiểm chỉ vì bố mẹ tự ý mua thuốc cho trẻ dùng một cách vô tội vạ. Hay có trường hợp bệnh nhi bị nấm khoang miệng nhưng gia đình nghĩ cháu bé bị viêm lợi nên tự ý điều trị tại nhà bằng thuốc kháng sinh. Chỉ đến khi cháu bé có dấu hiệu tiêu chảy, suy nhược cơ thể thì gia đình mới cho cháu đi khám và nhập viện.

Theo ông Nguyễn Thế Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế, nguyên nhân của tình trạng mua thuốc không cần hóa đơn này trước tiên là do chính người tiêu dùng không chịu bỏ thói quen cũ, vẫn mua thuốc theo kinh nghiệm của cá nhân và nghe người quen giới thiệu mà không cần thăm khám bác sỹ. Còn tại các nhà thuốc, quầy thuốc việc bán thuốc thì chủ yếu vẫn là bán theo yêu cầu trực tiếp của khách hàng. Mặt khác, chế tài xử phạt vi phạm này chưa đủ sức răn đe. Cụ thể, đối với hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc bị xử phạt từ 200 đến 500 nghìn đồng. Theo ông, mức phạt đó là thấp, lại khó có thể thanh, kiểm tra thường xuyên khiến nhiều cơ sở bán lẻ thuốc vì lợi nhuận sẽ vẫn tiếp tục vi phạm.

Theo các bác sỹ, việc tự ý mua thuốc để điều trị là việc làm rất nguy hại. Nếu dùng không đúng thuốc, không đúng liều lượng rất dễ dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh và khiến các bệnh thông thường biến chứng thành những bệnh nguy hiểm tới tính mạng.

Bài, ảnh: Tố Mai

Tin cùng chuyên mục