Xuân mới ở bản người Dao Đá Bàn

- Con đường đưa chúng tôi trở lại thôn Đá Bàn 1, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn)  giờ đã trải nhựa thông thoáng. Hai bên đường, những ngôi nhà sàn cột bê tông mới tinh của người Dao càng làm cho nơi đây mang đầy sức sống khi những cành hoa đào đã nở thắm...

Vươn lên thoát nghèo bền vững

Bí thư chi bộ, trưởng thôn La Chí Công hồ hởi tiếp chúng tôi bằng ấm trà xanh nóng hổi. Anh bảo: “Đời sống người Dao ở Đá Bàn 1 giờ khác trước nhiều lắm rồi. Đường giao thông đi lại thuận lợi, 100% bê tông hóa. Người Dao nơi đây không chỉ thay đổi nếp nghĩ mà còn thay đổi cả cách làm, cách sinh hoạt theo đời sống văn hóa mới. Những năm trước đây, tỷ lệ hộ nghèo của Đá Bàn 1 chiếm đến trên 50%, nhưng nay chỉ còn 2 hộ nghèo. Mà 2 hộ nghèo này đều neo đơn, quá tuổi lao động”. Anh Công lý giải, trước đây, người Dao ở đây nghèo là vì chưa mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Làm Bí thư chi bộ, trưởng thôn, anh Công luôn trăn trở làm thế nào để bà con thoát nghèo. Các cuộc họp chi bộ được anh và các đồng chí đảng viên tập trung thảo luận, đưa ra giải pháp vận động nhân dân phải chuyển đổi cách thức sản xuất. Nhận thấy trồng keo trên đất rừng không mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi ở Đá Bàn vì thổ nhưỡng không phù hợp với cây keo, anh Công ra tận xã xin chủ trương của Đảng ủy, UBND cho phép vận động người dân trong thôn chuyển từ trồng keo sang trồng bạch đàn. Từ khi chuyển đổi sang trồng bạch đàn, đời sống của người Dao ở Đá Bàn trở nên khá giả nhờ có thu nhập cao. Anh Công cho biết, mỗi chu kỳ bạch đàn trong 4 năm sẽ cho thu từ 70 đến 80 triệu đồng/ha. Có những gia đình sau khi thu hoạch bạch đàn thu từ 200 đến 300 triệu đồng. Có khoản tiền lớn từ rừng nên người Dao có của ăn, của để, làm nhà khang trang, mua sắm tiện nghi sinh hoạt trong gia đình. Hiện nay, toàn thôn có trên 300 ha rừng bạch đàn. Trung bình mỗi năm, toàn thôn khai thác trên 12 nghìn m3 gỗ. Thu nhập bình quân đầu người đến nay đã đạt 48 triệu đồng/người/năm.

Ở Đá Bàn 1, nhiều ngôi nhà sàn cột bê tông mới của người Dao đã hiện hữu.

Không chỉ phát huy thế mạnh từ rừng trồng, người Dao ở Đá Bàn còn tận dụng thế mạnh trong chăn nuôi để vươn lên thoát nghèo. Toàn thôn hiện có 1.000 con dê, trên 7.000 con gia cầm. Từ những mô hình chăn nuôi theo hướng gia trại, người Dao nơi đây đã tăng thu nhập gia đình. Anh Đặng Văn Toàn là hộ vừa thoát nghèo trong năm 2022 cho biết, gia đình anh có 2 ha rừng nhưng trước kia trồng keo cho sản lượng gỗ thấp. Giờ mỗi kỳ khai thác bạch đàn, gia đình anh có thu nhập gần 200 triệu. Có chút vốn liếng, anh đầu tư nuôi gà thả vườn. Lúc cao điểm, đàn gà của gia đình anh lên tới hơn trăm con. Tổng thu từ chăn nuôi gia cầm sau khi đã trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh có khoảng 40 triệu đồng. Từ khi năng động trong phát triển kinh tế, gia đình anh Toàn đã có điều kiện để kiến thiết nhà cửa, từng bước ổn định cuộc sống.

Những ngày này, xuân như về sớm hơn trong ngôi nhà mới của gia đình anh Lê Văn Tiến. Anh Tiến cho biết, những năm qua, từ thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm, gia đình anh có thu nhập khá từ chăn nuôi gia cầm và trồng rừng. Hiện nay, gia đình anh đang có 300 con gà thả vườn và 2 ha rừng. Năm nay, gia đình anh cũng vừa sửa sang mới ngôi nhà sàn bê tông và đầu tư xây dựng công trình vệ sinh đạt chuẩn.

Đá Bàn 1 giờ có trên 95% số hộ có nhà sàn bê tông vững chãi và 100% hộ gia đình đã có công trình vệ sinh đạt chuẩn. Bí thư chi bộ Lê Chí Công khẳng định: “Mùa xuân này, đời sống của người Dao ở Đá Bàn 1 khác hẳn những mùa xuân trước. Nhiều hộ đã đón Tết trong những ngôi nhà mới khang trang, có tiện nghi sinh hoạt đủ đầy. Mùa xuân no ấm hiện hữu trong từng ngôi nhà”.

Các thành viên trong Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa Dao thôn Đá Bàn 1 thêu trang phục mới đón Tết. 

Giữ hồn dân tộc

Đến Đá Bàn 1, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà, các mẹ, các chị đang cặm cụi thêu thùa những bộ trang phục truyền thống của người Dao bên ngôi nhà sàn. Người Dao ở nơi đây vẫn còn giữ gìn nhiều nét văn hóa đặc sắc như giữ hồn cốt của dân tộc mình. Đó là gìn giữ lời nói, chữ viết, câu hát giao duyên, đường thêu trang phục truyền thống. Nghệ nhân dân gian Lê Hải Thanh vừa đi mua mấy chiếc bút mới để viết lời cúng khai môn đầu năm cho bà con trong thôn. Ông nắn nót từng nét chữ rồi bảo: “Đầu năm, nhà nào cũng phải có một bài khai môn để cảm ơn và cầu mong tổ tiên, đất trời phù hộ cho các thành viên trong gia đình một năm mạnh khỏe, sung túc, ăn nên làm ra. Từ bao đời nay, người Dao ở Đá Bàn 1 dù có nghèo khó hay khá giả thì nhà nào cũng giữ được phong tục này”.

Bên trong ngôi nhà sàn của bà Đặng Thị Thu, các chị em phụ nữ đang say sưa, cặm cụi thêu thùa những chiếc yếm, túi, khăn mới để diện trong dịp Tết. Bà Thu là Đội trưởng Đội thêu trong Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao của thôn. Bà Thu chẳng nhớ mình đã truyền dạy cho bao nhiêu cô gái, phụ nữ trong thôn biết cách thêu thùa. Bà bảo: “Cuộc sống càng đi lên và hiện đại thì càng phải giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Người Dao nơi đây luôn đoàn kết là do có sợi dây văn hóa kết nối tình làng nghĩa xóm bền chặt”. Bên những bộ trang phục truyền thống của dân tộc, những chị em phụ nữ Dao cười nói rôm rả.

Từ nhiều năm nay, Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao của thôn đều duy trì và hoạt động hiệu quả với 25 thành viên nòng cốt được chia làm hai đội là đội văn nghệ và đội thêu. Chị Đặng Thị Tâm, đội trưởng đội văn nghệ của thôn đang say sưa chép lại từng bài hát giao duyên trong cuốn sổ mới để cho các thành viên trong đội văn nghệ học thuộc, chuẩn bị cho chương trình văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân của xã. Chị Tâm chia sẻ, những câu hát giao duyên của dân tộc đã đi theo những người phụ nữ như chị từ thuở bé cho tới tận khi về nhà chồng. Bởi vậy mà chị và các thành viên trong đội văn nghệ đều phải có trách nhiệm giữ gìn.

Đá Bàn 1 hôm nay thực sự đổi thay trong xuân mới với tinh thần vươn lên không ngừng của người dân. Và chắc chắn trong tương lai, nơi đây sẽ có sự chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa khi tinh thần tự lực của người dân được phát huy.

Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục