Về đích trong giải quyết việc làm cho người lao động

- Với tinh thần đổi mới trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, thu hút đầu tư trên địa bàn... nhiều lao động đã có việc làm mới với mức thu nhập ổn định. Công tác giải quyết việc làm cho người lao động được thực hiện hiệu quả đã góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Năm 2022 được xác định là năm đẩy mạnh phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 nên cùng với các công tác khác, việc triển khai các giải pháp tạo việc làm cho người lao động luôn được các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai. Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các huyện, thành phố rà soát nhu cầu của người lao động để tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh nhằm kết nối người lao động với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Thông qua các phiên giao dịch này, hàng chục nghìn vị trí việc làm tại các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã được cung cấp để người lao động lựa chọn được công việc phù hợp. 

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

Chị Trần Thị Phương ở phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) cho biết, thông qua phiên giao dịch việc làm được tổ chức trên địa bàn thành phố Tuyên Quang chị đã tìm được việc làm phù hợp tại một công ty may xuất khẩu. Với mức thu nhập trung bình hơn 5 triệu đồng/tháng đã giúp gia đình chị tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Không chỉ tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp tại các huyện, thành phố, Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội còn đổi mới tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm bằng hình thức trực tuyến, Online để nâng cao hiệu quả. Anh Trần Văn Giang ở xã Hoàng Khai (Yên Sơn) cho biết, tham gia buổi phỏng vấn trực tuyến, anh đã được nhận vào làm việc tại một công ty sản xuất linh kiện điện tử tại tỉnh Bắc Giang với mức thu nhập trung bình hơn 8 triệu đồng/tháng trở lên. Tuy làm xa nhà nhưng mức thu nhập cao hơn so với làm việc tại tỉnh nên anh quyết định làm việc lâu dài, tiền hàng tháng anh đều gửi về cho gia đình qua tài khoản ngân hàng.

Tại các cơ sở giáo dục nghề trên địa bàn tỉnh, việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đã được chú trọng nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng và gắn với nhu cầu xã hội. Nhiều ngành nghề có tỷ lệ xin được việc làm cao, xã hội đang cần đã được mở rộng tuyển sinh như: sửa chữa ô tô, điện công nghiệp và dân dụng, xây dựng... Ông Hoàng Văn Chung, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chiêm Hóa cho biết, trước khi mở các lớp đào tạo nghề, Trung tâm đã phối hợp với các xã, thị trấn để rà soát nhu cầu của người lao động đồng thời tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THCS, THPT để các em lựa chọn học nghề phù hợp. Đồng thời tăng cường liên kết với các đơn vị tuyển dụng lao động đào tạo theo đơn đặt hàng để nâng cao tỷ lệ học viên học xong có việc làm ngay hoặc phát triển được nghề đã học.

Lao động làm việc tại Công ty TNHH Huiling Wood Products Việt Nam (Yên Sơn) có mức thu nhập trung bình hơn 6 triệu đồng/tháng.

Các chính sách thu hút, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến đầu tư đã tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động trên địa bàn. Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 21.625 lao động, vượt kế hoạch năm. Trong đó, giải quyết việc làm trong các ngành kinh tế tại tỉnh là 14.593 lao động; lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành phố là 6.383 người; xuất khẩu lao động là 649 người. Các giải pháp tạo việc làm hiệu quả gồm: mở rộng liên kết trong đào tạo nghề, tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh...

Mục tiêu hết năm 2022 toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 21.500 lao động. Như vậy, đến nay đã hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm, tăng thu nhập và thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục