Ngăn chặn thực phẩm không an toàn

- Càng đến gần Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, an toàn thực phẩm được quan tâm hơn bao giờ hết. Công tác thanh tra, kiểm tra của ngành chức năng được tăng cường để hạn chế đến mức thấp nhất thực phẩm không an toàn, bảo đảm sức khỏe của người tiêu dùng, mang đến Tết yên vui cho mọi nhà.

Kiểm soát chặt từ nơi sản xuất 

Mới đây, Đoàn kiểm tra của Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản, thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiểm tra các trang trại chăn nuôi gà của Hợp tác xã Gia cầm Hợp Thành (Sơn Dương). Nội dung kiểm tra tập trung nguồn gốc, thành phần thức ăn, thuốc thú y sử dụng trong quá trình chăn nuôi. Đồng chí Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng cho biết, quá trình kiểm tra các trang trại đều sử dụng nguồn thức ăn chăn nuôi có xuất xứ rõ ràng, thành phần trong thức ăn là các sản phẩm đậu, đỗ, ngô, cám gạo... Thuốc thú y nằm trong danh mục cho phép của Việt Nam. 


Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thực phẩm tại đại lý
trên địa bàn thành phố Tuyên Quang.

Ông Nguyễn Văn Hợi, Giám đốc Hợp tác xã gia cầm Hợp Thành (Sơn Dương) cho biết, với nhiều năm chăn nuôi cung ứng gà thương phẩm cho các nhà hàng, khách sạn lớn trong và ngoài tỉnh, hợp tác xã đặc biệt coi trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm gà của hợp tác xã được sản xuất theo đúng quy trình vệ sinh thú y, giám sát từ con giống đầu vào đến quá trình chăn nuôi và tiêu thụ. Ông Hợi cho biết, trong 5 lần kiểm tra lấy mẫu đột xuất của Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và thủy sản tỉnh, sản phẩm gà của hợp tác xã đều đảm bảo các tiêu chuẩn không tồn dư kháng sinh, không chất tăng trưởng.

Các cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra tại nơi sản xuất, cơ sở giết mổ gia súc lớn. Bà Đặng Thị Việt, nhân viên Thú y Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Tuyên Quang cho biết, 2 giờ sáng bà và anh em đã có mặt tại lò mổ Tân Hà để giám sát quá trình giết mổ và thực hiện đóng dấu kiểm dịch trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Theo bà Việt, từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tăng gấp đôi, những ngày cận Tết có thể tăng gấp 4 - 5 lần, đội ngũ nhân viên phải căng mình để giám sát kiểm dịch.

Các đội kiểm tra liên ngành gồm Quản lý thị trường, Y tế, Công an, Nông nghiệp từ tỉnh đến huyện, thành phố cũng đã vào cuộc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cửa hàng, đại lý, chợ... Đồng chí Đào Lương Nhân, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho rằng, khoảng 1 - 2 tháng trước đoàn tập trung kiểm tra nơi tập kết nguyên liệu dự trữ Tết, sau đó là những cơ sở sản xuất bánh mứt, kẹo, các cơ sở sản xuất thực phẩm chế biến để chuẩn bị tung ra thị trường Tết. Bắt đầu từ thời điểm này trở đi đến qua Tết Nguyên đán, đoàn tập trung kiểm tra lưu thông phân phối, trọng tâm là thực phẩm. Tinh thần xử lý đúng quy định của pháp luật, không có vùng cấm với các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. 

Sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, ý thức lựa chọn thực phẩm đảm bảo an toàn cho gia đình cũng đã được người tiêu dùng đặt lên hàng đầu. Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, tổ 8, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cho biết, không riêng Tết, thường ngày chị cũng đến các cửa hàng thực phẩm sạch, an toàn để mua, dù giá cả có chênh lệch hơn nhưng có tem nhãn, xuất xứ rõ ràng và được kiểm định của cơ quan chuyên môn. Theo chị Nhung, hiện tại trên địa bàn thành phố Tuyên Quang có rất nhiều cửa hàng thực phẩm sạch mở ra với nhiều sản phẩm chất lượng do các hợp tác xã, doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất nên người nội trợ như chị yên tâm phần nào.

Vẫn lo ngại thực phẩm trôi nổi

Chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng các mặt hàng phục vụ Tết đã tràn ngập các chợ từ thành thị đến nông thôn. Chị Hoàng Thị Hiền, tiểu thương chuyên kinh doanh thịt lợn, giò, chả và lạp xường tại chợ Tam Cờ (TP Tuyên Quang) cho biết, chị buôn bán tại chợ đã gần 20 năm, lợn thịt chị trực tiếp đi bắt trong dân, mổ bán, thường ngày chị để bán thịt tươi, dịp Tết chị để lại 1 phần chế biến thêm các sản phẩm giò, chả và lạp xường để phục vụ khách hàng. Chị Hiền bảo, kinh doanh buôn bán phải đặt chữ tín lên hàng đầu để giữ khách, khách tin mình thì mới bán được hàng để chăm lo Tết cho gia đình đầm ấm.


Đoàn kiểm tra của Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản, thủy sản kiểm tra lấy mẫu rau, củ
tại xã Kim Phú (TP Tuyên Quang).

Song không phải tư thương nào cũng giữ được chữ tín, tình trạng hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, thậm chí là hàng giả, hàng nhái vẫn được một số đối tượng trà trộn đánh lừa người tiêu dùng ở vùng nông thôn. Anh Đỗ Anh Tuấn, thôn Kim Xuyên, xã Hồng Lạc (Sơn Dương) nhớ lại, Tết Canh Tý 2020 anh mua một giỏ hàng, trong đó có chè, bánh, mứt, kẹo. Tuy nhiên, sau vài ngày, anh Tuấn mở hộp chè có nhãn hiệu chè búp đặc sản Thái Nguyên ra pha để thưởng thức, búp không thấy chỉ toàn chè bồm, đã bị mốc xanh không thể sử dụng được.

Không chỉ hàng kém chất lượng, các mặt hàng thịt trâu gác bếp, thịt lợn sấy, lạp xường vốn được coi là đặc sản đang được chào bán khá nhiều trên mạng xã hội trong dịp Tết Nguyên đán mà theo người bán quảng cáo là hàng nhà làm. Điều đáng nói là phần lớn các sản phẩm đều không có nhãn mác, ngày sản xuất, hạn sử dụng liệu có đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nhất là trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến rất phức tạp và bùng phát ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước, chưa kể bệnh viêm da vón cục trên trâu, bò đã xuất hiện tại một số tỉnh lân cận. Mặc dù các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực nhưng việc kiểm soát hàng hóa, đặc biệt là hàng thực phẩm tại các chợ phiên, chợ Online là vô cùng khó khăn. Lực lượng mỏng không thể túc trực tại các chợ để kiểm soát hoặc nếu có tin báo khi triển khai lực lượng xuống kiểm tra thì các tư thương đã tẩu tán xong số lượng hàng.

Đồng chí Đào Lương Nhân, Phó Cục trưởng cục Quản thị trường khuyến nghị người dân cần tỉnh táo, khi mua hàng cần kiểm tra kỹ các thông tin in trên bao bì sản phẩm; tránh mua ở các điểm bán hàng tự phát, hàng trôi nổi để đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân, gia đình trong những ngày Tết. Chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, không vì lợi nhuận mà “bán rẻ” sức khỏe của người tiêu dùng.


Ông Lê Xuân Vân,
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh

Để bảo vệ người tiêu dùng, bên cạnh sự nỗ lực vào cuộc của các ngành chức năng, người dân cần chọn mua thực phẩm an toàn bằng cách đọc kỹ nhãn mác sản phẩm, mua thực phẩm ở cơ sở kinh doanh uy tín, không mua thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ... Các gia đình không nên mua tích trữ nhiều thực phẩm trong ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng, hỏng mốc… Đồng thời, cần thực hiện khai báo kịp thời khi bị ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm với các cơ quan chức năng, các cơ sở y tế.


Ông Hoàng Quốc Cường,
Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên

Ban Chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra trên toàn địa bàn. Công tác kiểm tra được duy trì hàng tuần, khi phát hiện các trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Huyện kiên quyết không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc… lưu thông trên thị trường hoặc các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện các biện pháp khắc phục. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, nhất là sản xuất các mặt hàng phục Tết chấp hành nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm, không bán hàng trôi nổi trên thị trường, bảo đảm quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.


Ông Ngô Viết Tú,
Giám đốc Công ty cổ phần Chè Sông Lô

Thưởng chè là nét văn hóa đẹp của dân tộc. Uống chè có nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người, do đó việc sản xuất chè an toàn cần phải được chú trọng từ khâu trồng, chăm sóc và chế biến sản phẩm. Hiện nay, công ty có 450 ha chè chăm sóc theo tiêu chuẩn an toàn sinh học, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Tất cả các công đoạn sản xuất đều được công ty áp dụng quy trình sản xuất hiện đại, không gây ô nhiễm, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn thực p
hẩm là yếu tố quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm chè Sông Lô trên thị trường, góp phần phát huy giá trị chè Tuyên Quang trên thị trường trong nước và quốc tế.


Chị Triệu Thị Quyến,
thôn Nà Khán, xã Hà Lang (Chiêm Hóa)

Mua sắm thực phẩm đảm bảo an toàn, nhất là trong dịp Tết luôn được tôi quan tâm hàng đầu. Tôi lựa chọn mua hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, dán nhãn mác đầy đủ ở các đại lý, cửa hàng uy tín. Đồng thời, không mua thực phẩm qua mạng xã hội không rõ nguồn gốc, chất lượng. Đặc biệt, chỉ mua thực phẩm đủ sử dụng 3 ngày Tết, bảo quản tốt thực phẩm, tránh thực phẩm hư hỏng, ôi thiu gây lãng phí tiền của cho gia đình. 

 

Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục