Thấu hiểu và yêu thương

- Cũng giống như bao đứa trẻ khác, trẻ tự kỷ cũng có nhận thức, cảm xúc, tình cảm, thế nhưng khó hoặc không thể bộc lộ, thể hiện một cách bình thường. Việc nhận thức đúng về chứng tự kỷ sẽ giúp các bậc cha mẹ sớm phát hiện và không bỏ lỡ “thời điểm vàng” để can thiệp, đồng hành cùng con trên con đường hòa nhập với cộng đồng.  

Mặc dù chưa có nghiên cứu chính xác, tuy nhiên có một số giả thiết về nguyên nhân dẫn đến hội chứng tự kỷ ở 2% trẻ khi sinh ra. Có thể kể đến như bất thường trong gen di truyền, trẻ bị tổn thương não, quá trình mẹ mang thai tiếp xúc với chất độc hại, căng thẳng, nghiện rượu, quá trình sinh trẻ bị ngạt…

Chăm sóc, điều trị cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ, chậm nói tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen.

Theo tiêu chuẩn đánh giá DSM IV, trẻ tự kỷ thường có các dấu hiệu đặc trưng như: suy giảm tương tác xã hội, không có cử chỉ giao tiếp; trẻ suy giảm về mặt ngôn ngữ như chậm nói hoặc không thể nói, không biết khởi xướng giao tiếp; trẻ có vấn đề về hành vi như đi hay kiễng chân, lắc đầu, vẩy tay, nghiến răng… Trẻ tự kỷ cũng có những biểu hiện rối loạn về cảm giác như khó chịu khi nghe những âm thanh rất nhỏ, rối loạn về xúc giác, thị giác.

Bác sỹ CKI Phục hồi chức năng Âu Thị Tuyên, Trưởng khoa Vật lý trị liệu - Hoạt động trị liệu - Ngôn ngữ trị liệu -Tâm lý trị liệu, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen là bác sỹ chuyên sâu trong điều trị rối loạn phổ tự kỷ với 25 năm gắn bó với bệnh viện. Bác sỹ chia sẻ: “Rối loạn phổ tự kỷ là vấn đề tập trung vào tương tác xã hội, giao tiếp nên ngay từ khi con còn nhỏ, phụ huynh có thể quan sát một số dấu hiệu xem con có nguy cơ hay không. Khi đến khám và được chẩn đoán tự kỷ, trẻ sẽ được đưa vào can thiệp cá nhân, can thiệp nhóm, điện xung hầu họng để kích thích nói. Trong quá trình can thiệp cho trẻ tự kỷ, giáo viên và phụ huynh là những người có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của trẻ. Nếu phụ huynh có kiến thức và giáo viên có kỹ năng chuyên môn tốt, biết can thiệp đúng phương pháp thì sẽ giúp trẻ có nhiều tiến bộ”.

Nếu được can thiệp sớm, đúng cách bằng sự thấu hiểu và tình yêu thương, trẻ tự kỷ có thể được chữa lành, phục hồi và sớm hòa nhập với cộng đồng. Chị N.B.T, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) tâm sự, chị đã từng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc từ khi phát hiện con bị tự kỷ. Thế nhưng đối mặt với những ánh mắt dò xét, lời xì xào bàn tán, chị đã dành nhiều thời gian để đồng hành cùng con. Theo chị, việc tôn trọng “thế giới riêng” của con, từ từ dẫn dắt con hòa nhập, tương tác với mọi người chính là cách tốt nhất để con cải thiện được hành vi của mình.

Hiện nay, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen là đơn vị duy nhất của ngành Y tế thực hiện chức năng khám, phát hiện và điều trị tự kỷ. Với các hoạt động giáo dục chuyên biệt như can thiệp cá nhân, can thiệp nhóm, điện xung hầu họng cùng với các phương pháp hướng dẫn trẻ hòa nhập cộng đồng, trẻ tự kỷ có thể phục hồi từ 70 - 80% nếu được phát hiện, điều trị tốt tại “thời điểm vàng” 18 - 36 tháng.

Bác sỹ CK II Trần Thị Kim Thoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen cho biết, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị từ 70 đến 90 trẻ mắc chứng tự kỷ. Thời gian cao điểm có trên 100 trẻ. Theo bác sỹ, khó khăn về giao tiếp cũng như tương tác xã hội chính là những rào cản lớn khiến trẻ tự kỷ không thể truyền đạt mong muốn của mình với người khác hoặc không hiểu hết những điều diễn ra xung quanh. Ngược lại, gia đình, thầy cô và mọi người cũng khó nắm bắt được mong muốn của trẻ nên khiến trẻ cảm thấy bất an, lo sợ. Với trẻ tự kỷ, sự quan tâm, thấu hiểu và tình yêu thương chính là liều thuốc tốt nhất để các em sớm hòa nhập cộng đồng.

Tự kỷ không phải là hội chứng hay căn bệnh kỳ quái, đáng sợ. Mỗi người bằng tình yêu thương, sự sẻ chia và thấu hiểu đều có thể bước vào “thế giới bí mật” của trẻ. Cùng với đó, những bậc cha mẹ có con mắc tự kỷ cũng cần được giúp đỡ, cảm thông, động viên và khích lệ trên hành trình giúp con hòa nhập cộng đồng đầy gian nan.

Bài, ảnh: Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục