Để không còn tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa"

- UBND thành phố Tuyên Quang vừa chỉ đạo các xã, phường đồng loạt ra quân thực hiện đợt cao điểm lập lại trật tự đô thị trên địa bàn. Trong đợt ra quân các lực lượng chức năng đã nhắc nhở và xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Tuy nhiên, tình trạng khi có lực lượng chức năng đến nhắc nhở, xử lý thì người dân chấp hành, khi lực lượng đi thì họ lại vi phạm vẫn còn xảy ra. 

Để không còn tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” trong công tác lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường thì việc quản lý vỉa hè, lòng đường, xây dựng văn minh đô thị cần tiến hành một cách bài bản, căn cơ hơn. Thực tế cho thấy lòng đường, vỉa hè là gắn với sinh kế của người dân, phần nào đó là kinh tế đô thị. Nếu cấm kinh doanh vỉa hè thì những người lao động họ sẽ làm gì? Do đó, giải pháp quan trọng là cần lập quy hoạch thiết kế đô thị quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường từng tuyến phố, tuyến đường, có tính tới các yếu tố thực tiễn trước mắt và lâu dài, phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, từng địa bàn cụ thể. 

Chính quyền thành phố có thể nghiên cứu mô hình quản lý của các nước phát triển như cho phép kinh doanh vỉa hè dưới hình thức cho thuê, thu phí theo giờ, bố trí chỗ đỗ xe dưới lòng đường tại những nơi phù hợp...

Đối với những địa bàn phát triển thương mại, dịch vụ, có thể cho phép sử dụng vỉa hè để kinh doanh trong những khung giờ nhất định, nhưng phải bảo đảm mỹ quan, trật tự đô thị. Để cho phép kinh doanh trên vỉa hè cần có các giải pháp để bảo đảm quản lý chặt, nghiêm, đúng nền nếp, bảo đảm sự công bằng, minh bạch.

Cụ thể có bao nhiêu vỉa hè trên các tuyến đường được kinh doanh? Kinh doanh vào khung giờ nào? Ô thửa kinh doanh là bao nhiêu? Tiêu chuẩn, đối tượng được thuê vỉa hè? Khi đã minh bạch thông tin thì phải có chế tài để xử lý thích đáng trường hợp vi phạm. Tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm, trách nhiệm cụ thể ra sao nếu vỉa hè tiếp tục bị lấn chiếm...

Đối với các tuyến phố không cho phép kinh doanh trên vỉa hè, thì các cơ quan chức năng thành phố cũng cần định hướng nghề nghiệp cho người dân đang có nguồn thu nhập chính từ việc chiếm dụng hè phố, lòng đường để kinh doanh. Đồng thời vận động người dân thay đổi thói quen mua sắm, không mua hàng hoặc ăn, uống tại những hàng rong trên vỉa hè...

Nếu không có giải pháp tổng thể, thì những chiến dịch “đòi lại” vỉa hè của thành phố sớm muộn cũng rơi vào tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, dẫn đến lãng phí thời gian, nguồn lực mà không giải quyết được triệt để ngọn nguồn của vấn đề.

Phương Đông

Tin cùng chuyên mục