Bộ xương cá Ông được phục dựng, trưng bày tại Lăng Tân, huyện đảo Lý Sơn.
Theo đó, 2 bộ xương cá Ông được các nhà nghiên cứu xác định có niên đại trên 200 năm. Trước đây, ngư dân cất giữ trong Lăng Tân và trải qua bao thế hệ, người dân đất đảo tiếp nối giữ gìn, thờ cúng như một nghi thức văn hóa.
Đến năm 2020, chính quyền huyện đảo Lý Sơn mời chuyên gia về phục dựng. Bộ xương lớn hơn dài hơn 22m, người dân Lý Sơn gọi là “Đồng Đình Đại Vương”. Bộ xương nhỏ hơn dài 18m được gọi là “Đức Ngư tôn thần”. Mỗi bộ xương cá Ông gồm có 50 đốt xương sống; xương đầu cao 4m; xương ngà dài 4,7m.
Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện đảo Lý Sơn, việc phục dựng 2 bộ xương cá Ông có ý nghĩa quan trọng đối với ngư dân vùng biển. Vì vậy, nghi thức thờ cá Ông hay nghi thức mai táng nghiêm trang mỗi khi cá Ông lụy vào bờ của các vạn chài đến nay vẫn còn lưu giữ khá rõ nét, chứng tỏ tín ngưỡng này vẫn có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống của ngư dân.
Đây là một tín ngưỡng hết sức phổ biển và có từ lâu đời của cư dân ven biển nước ta trên suốt dải bờ biển từ Nam Trung Bộ tới Nam Bộ. Cơ sở của tín ngưỡng này xuất phát từ niềm tin và ước vọng luôn được cá Ông bảo hộ cho ngư dân hành nghề trên biển được an toàn, bình yên.
Từ khi 2 bộ xương cá Ông được phục dựng, trưng bày và lưu giữ tại Lăng Tân, nơi đây trở thành điểm du lịch mới trên đảo Lý Sơn, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu văn hóa thờ cúng cá Ông.
Vì vậy, việc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa xác lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam với hai bộ xương cá Ông giúp huyện đảo Lý Sơn bảo tồn tốt hơn tín ngưỡng của người dân vùng biển và phát triển du lịch.
Gửi phản hồi
In bài viết