Mỗi cá nhân là một điển hình “Dân vận khéo”
Đề án “Xây dựng Làng văn hóa dân tộc Cao Lan thôn Động Sơn, xã Chân Sơn” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 - 2025. Xã hội hóa xây dựng Làng văn hóa là yếu tố cốt lõi để triển khai Đề án thành công. Với người Cao Lan thôn Động Sơn, khái niệm “du lịch homestay” vô cùng lạ lẫm. Là người đứng đầu tổ chức Hội phụ nữ của xã với nhiệm vụ vận động gia đình hội viên tham phát triển dịch vụ du lịch homestay, gìn giữ bản sắc văn hóa người Cao Lan, chị Lê Thúy Hằng đã tìm tòi, học hỏi và tiên phong đầu tư hàng trăm triệu đồng để nâng cấp, cải tạo nhà ở, mua sắm trang thiết bị để phục vụ dịch vụ homestay; phát triển mô hình chăn nuôi gà thả đồi để tạo ra sản phẩm du lịch... Sau hơn 1 năm xây dựng, tháng 9-2022, mô hình homestay của gia đình chị Hằng bắt đầu đón khách. Đến nay, đã thu hút hàng nghìn lượt du khách thăm quan, trải nghiệm.
Chị Lê Thúy Hằng là 1 trong 1.550 điển hình “Dân vận khéo” của huyện giai đoạn 2020 - 2022 được phát hiện, lựa chọn, bồi dưỡng. Theo đồng chí Lê Thị Hoa, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” của huyện nhấn mạnh, để xây dựng điển hình tiên tiến “Dân vận khéo” hiệu quả, cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo các cấp luôn coi trọng, quan tâm, động viên các tập thể, cá nhân, các hộ gia đình có thành tích tiêu biểu và tạo điều kiện cụ thể, tạo môi trường thuận lợi để các điển hình phát huy hết năng lực.
Qua phong trào thi đua "Dân vận khéo", Công an huyện Yên Sơn vận động hiệu quả nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ các loại.
Việc xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có nội dung cụ thể, phù hợp tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị; có sức lan tỏa, khả năng nhân diện rộng và đem lại hiệu quả thiết thực, đảm bảo tính bền vững của mô hình. Đồng thời, cấp ủy từ huyện đến cơ sở nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo đăng ký nội dung mô hình “Dân vận khéo” bám sát nhiệm vụ chính trị, cấp bách; việc mới, việc khó, việc phát sinh; xác định rõ tiêu chí điển hình tiên tiến của tập thể, hộ gia đình và cá nhân “Dân vận khéo” để cùng lồng ghép với nội dung, tiêu chí xây dựng điển hình, tiên tiến của các cuộc vận động, các phong trào thi đua khác. Mỗi cá nhân phải tự xác định và phấn đấu để trở thành là một điển hình “Dân vẫn khéo”.
Gắn với các phong trào thi đua
Công an huyện là một trong những đơn vị tiêu biểu trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Đảng ủy Công an huyện đã chỉ đạo các chi bộ, đội nghiệp vụ đăng ký mô hình “Dân vận khéo” gắn thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào “Vì an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Giai đoạn 2016 - 2021, Công an huyện đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; vận động hộ gia đình ký cam kết không vi phạm pháp luật cho 112.000 lượt người; phát trên 26.000 phiếu tố giác tội phạm. Lực lượng công an huyện đã vận động nhân dân giao nộp gần 640 khẩu súng, lựu đạn, viên đạn, vũ khí nguy hiểm các loại. Đặc biệt, năm 2022, Công an huyện xây dựng mô hình “Dân vận khéo” về thực hiện Đề án số 78 về
“Đấu tranh, ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình” trên địa bàn huyện. Đến nay, huyện Yên Sơn được đánh giá, căn bản xóa bỏ được tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Qua đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với “Dân vận khéo” đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến được các cấp khen thưởng. 5 năm qua, Công an huyện có 20 lượt tập thể, 157 lượt cá nhân được các cấp khen thưởng về công tác dân vận.
Là xã vùng khó khăn với đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, cấp ủy, chính quyền xã Chiêu Yên tích cực chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” gắn với xây dựng các mô hình “Dân vận khéo”. Theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Trần Anh Quân, từ năm 2020 đến nay, toàn xã xây dựng được 132 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó có 54 cá nhân, 78 mô hình tập thể. Các mô hình đều là điển hình trong phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết khó khăn, vướng mắc tại địa phương, tập trung thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, giảm nghèo. Qua đó, đã có 24 mô hình tập thể, 16 cá nhân được các cấp khen thưởng.
Nhằm nâng cao hiệu quả mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, trong giai đoạn tiếp theo, Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” các cấp của huyện tiếp tục làm tốt công tác kiểm tra, đánh giá tác dụng, tính hiệu quả, xác định khả năng phát triển của từng mô hình, việc ảnh hưởng của các điển hình ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương và trong xã hội. Từ đó, rút kinh nghiệm để điều chỉnh và bổ sung hoàn thiện, phát hiện những khó khăn, thiếu sót, kịp thời có biện pháp giúp đỡ điển hình tiên tiến phấn đấu, rèn luyện, tiếp tục duy trì thành tích và phát huy hiệu quả.
Đồng thời, thời lựa chọn những mô hình thật sự xuất sắc tiêu biểu, đem lại giá trị kinh tế cao, ý nghĩa xã hội lớn, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tổ chức tôn vinh khen thưởng, học tập và nhân rộng các mô hình trong phạm vi toàn ngành, toàn địa phương. Từ huyện đến cơ sở tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả những nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đổi mới nội dung, hình thức và biện pháp tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến theo hướng thiết thực, phù hợp với thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương và yêu cầu nhiệm vụ chính trị mới.
Gửi phản hồi
In bài viết