Xây dựng đô thị giàu bản sắc văn hóa

Thành phố Đà Nẵng hiện có 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có 3 di sản là nghề thủ công truyền thống. Công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc nói chung, các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nói riêng hiện đang được các cấp chính quyền thành phố đặc biệt quan tâm. Với việc ban hành các đề án cụ thể, Đà Nẵng kỳ vọng phát huy được các giá trị cốt lõi của di sản, hướng tới xây dựng đô thị giàu bản sắc văn hóa gắn với phát triển kinh tế-xã hội.

Đà Nẵng sẽ nâng cấp Lễ hội Cầu ngư truyền thống - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, lên Lễ hội cấp thành phố.

Các chính sách riêng dành cho văn hóa, di sản

Phát huy giá trị di sản gắn với khôi phục làng nghề, gắn kết du lịch là hướng Đà Nẵng đang triển khai, với việc ban hành các đề án, kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có di sản văn hóa phi vật thể như: Kế hoạch “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn TP Đà Nẵng giai đoạn 2015-2020”; Đề án “Mở rộng làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước-Ngũ Hành Sơn”, Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025”...

Các nội dung cụ thể của các đề án, kế hoạch góp phần rất lớn vào công tác bảo vệ giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, khuyến khích mạnh mẽ cộng đồng có di sản, chính quyền địa phương và xã hội tham gia quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Trong đó, hai di sản văn hóa phi vật thể Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước và Nghề làm nước mắm Nam Ô đang được bảo tồn và phát huy, lan tỏa giá trị của di sản. Riêng nghề làm nước mắm Nam Ô đang nằm trong Đề án phát triển du lịch cộng đồng với tổng kinh phí đầu tư hơn 46 tỷ đồng và Đề án Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng với mức đầu tư 4,7 tỷ đồng. Mục tiêu của hai đề án là đưa sản phẩm nước mắm Nam Ô trở thành sản phẩm du lịch, tăng thu nhập cho người làm nước mắm, xây dựng làng nghề trở thành điểm du lịch của thành phố; khai thác các tiềm năng di tích, phong cảnh cũng như các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương...

Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, định kỳ hằng năm, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức kiểm kê nhằm đánh giá thực trạng và phát triển các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn, trong đó có loại hình nghề thủ công truyền thống; trên cơ sở đó có kế hoạch bảo tồn và phát triển. Hiện, Bảo tàng đã số hóa, tư liệu hóa 3.300 tư liệu về văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố, lưu trữ tại Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng để phục vụ công tác tìm hiểu, nghiên cứu, học tập và quảng bá, giới thiệu với công chúng về các loại hình di sản văn hóa Đà Nẵng.

Đến nay, thành phố có 7 di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng, nghề đá Non nước Ngũ Hành Sơn, nghề làm nước mắm Nam Ô, Lễ hội Cầu ngư Đà Nẵng, nghệ thuật Bài Chòi, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, Nghề làm bánh tráng Túy Loan; trong đó có 3 di sản là nghề thủ công truyền thống bao gồm: Nghề điêu khắc mỹ nghệ đá Non Nước; Nghề làm nước mắm Nam Ô; Nghề làm bánh tráng Túy Loan. Đây là thành quả đáng tự hào nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị các di sản này.

Gắn kết di sản với du lịch

Những ngày đầu năm mới 2024, Lễ hội Cầu ngư truyền thống quận Thanh Khê được tổ chức với quy mô lớn, kéo dài 3 ngày cùng nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm lưu niệm, ẩm thực đặc trưng của Đà Nẵng. Năm nay, Lễ hội Cầu ngư truyền thống quận Thanh Khê mở rộng quy mô với sự tham gia của đông đảo người dân, du khách.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Công, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho biết: Việc bảo tồn và phát huy lễ hội Cầu ngư truyền thống là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo tồn các giá trị vốn có như giá trị tâm linh, tín ngưỡng, lịch sử truyền thống, văn hóa-nghệ thuật, xác lập chủ quyền biển đảo. Lễ hội cũng đề cao giá trị kết nối cộng đồng trong đời sống hiện đại, điểm hẹn văn hóa đặc sắc cho du khách muốn tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương.

Sau lễ hội này, quận sẽ phối hợp với Sở văn hóa, thể thao chủ trì, để thông qua Đề án về Nâng tầm Lễ hội Cầu ngư truyền thống quận Thanh Khê lên thành lễ hội cấp thành phố.

“Chúng tôi kỳ vọng và mong muốn cùng với các ngành của thành phố bảo tồn và phát huy tốt hơn các giá trị của Lễ hội Cầu ngư, trong đó trùng tu lại Lăng Ông, các di tích và kết nối hệ thống các chuỗi di tích trên địa bàn quận trở thành một sản phẩm du lịch cộng đồng và xây dựng Lễ hội Cầu ngư truyền thống thành sản phẩm du lịch đặc trưng của quận Thanh Khê, nhằm phát huy tối đa giá trị của di sản này” - ông Công kỳ vọng.

Tin vui đầu năm mới 2024 là làng nghề thủ công truyền thống Nghề làm bánh tráng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trở lại làng cổ Túy Loan, chúng tôi ghé thăm nghệ nhân làm bánh tráng Túy Loan Đặng Thị Túy Phong tại thôn Túy Loan 2, 85 tuổi, cái tuổi “xưa nay hiếm”, bà Phong vẫn minh mẫn và thuần thục khi ngồi tráng bánh và trò chuyện với khách ghé thăm. Gắn liền với bà cả cuộc đời, khi đã trao truyền lại bí quyết nghề. Trong ký ức của bà Phong, nghề tráng bánh tráng ở Túy Loan không biết cụ thể từ bao giờ khi lớn lên bà đã thấy cha mẹ, ông bà mình làm nghề này.

Trước đây, các hộ trong làng làm bánh tráng để phục vụ nhu cầu của gia đình, dòng họ là chính. Công cụ làm bánh tráng còn đơn sơ, thậm chí nắp đậy nồi bánh cũng chưa có, người dân địa phương dùng nón lá, lá sen để đậy. Sau năm 1975, các hộ mới có kinh phí để xây lò, mua thêm dụng cụ làm bánh.

“Rất vui mừng khi nghề làm bánh tráng Túy Loan trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vui nhất là làng nghề đang nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, hy vọng sẽ sớm có những sự hỗ trợ kịp thời để các hộ trong làng đỏ lửa lò làm bánh trở lại”, bà Phong nói.

5 năm trở lại đây, chị Nguyễn Đặng Thái Hòa, con gái bà Đặng Thị Túy Phong, đang nối nghiệp với thương hiệu “bánh tráng bà Túy Phong”. “Nghề này khá vất vả, thức khuya dậy sớm, và làm thủ công hoàn toàn. Thế hệ nối nghiệp hiện không có cho nên để duy trì, gìn giữ làng nghề, cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt. Làm sao để không khí sản xuất của một làng nghề truyền thống thực sự hồi sinh, xứng tầm Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, chị Hòa gửi gắm.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, năm 2021, Đà Nẵng phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025”. Theo đề án, Đà Nẵng xác định việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố là nhiệm vụ chiến lược mang tính lâu dài, là trách nhiệm của toàn xã hội, chính quyền các cấp có sự phối hợp chặt chẽ với người dân, các đoàn thể, tổ chức xã hội. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ, tạo điều kiện để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

“Thành phố đặt mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch bền vững; bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa phát triển văn hóa và kinh tế, giữa bảo tồn, phát huy di sản với phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, ưu tiên bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa được quốc tế, quốc gia và thành phố công nhận, các di sản mang tính đặc trưng của thành phố, tạo nên bản sắc văn hóa Đà Nẵng”, đồng chí Lê Trung Chinh khẳng định.

Theo Baonhandan

Tin cùng chuyên mục