Thực hiện tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới: Chú trọng cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục

- Xác định giáo dục là một trong những tiêu chí then chốt trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, tỉnh ta đã tập trung đồng bộ nhiều giải pháp để có bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục, nhất là ở các huyện vùng cao.

Trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM có 2 tiêu chí thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đó là tiêu chí số 5 về trường học và tiêu chí số 14 về giáo dục. Để thực hiện được những tiêu chí đó, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục, huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đặc biệt đầu tư cơ sở vật chất xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Theo số liệu từ Sở Giáo dục và Đào tạo, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã có 227/474 trường học đạt chuẩn Quốc gia, 61/124 xã đạt tiêu chí số 5 và 124/124 xã đạt tiêu chí số 14.

Năm học 2020 - 2021, trường Mầm non Thổ Bình, xã Thổ Bình (Lâm Bình) được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Đây là niềm vui lớn của cô và trò nhà trường. Cô giáo Ma Thị Lâm, Hiệu trưởng trường Mầm non Thổ Bình cho biết: Sau 3 năm thực hiện xây dựng theo lộ trình đến nay trường đã được xây dựng khang trang với đầy đủ các hạng mục. Hiện tổng diện tích của nhà trường là 4.600 m2, khuôn viên đảm bảo các điều kiện để thực hiện tốt các nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ. Trường hiện có 14 nhóm lớp, 388 học sinh. 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên. Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp hàng năm đều đạt và vượt so với chỉ tiêu kế hoạch giao. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non từ năm 2013 đến nay đều đạt 100%. Tỷ lệ chuyên cần đạt 95% đối với trẻ 5 tuổi, 90% đối với trẻ dưới 5 tuổi. Là xã vùng khó, việc trường đạt chuẩn Quốc gia không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục mà còn là động lực, yếu tố quan trọng góp phần đạt mục tiêu về đích nông thôn mới của xã trong năm nay. 

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Phúc Sơn (Chiêm Hóa) đạt chuẩn Quốc gia năm 2018.

Hàm Yên được đánh giá là một trong những địa phương làm tốt công tác giáo dục và đào tạo. Xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, huyện triển khai lồng ghép nhiều chương trình xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học, từ chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xã hội hóa, kêu gọi sự vào cuộc của phụ huynh học sinh để đầu tư xây mới, sửa chữa  trường, lớp học. Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn huyện đã huy động được trên 150 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa, xây mới các công trình trường học. Đến nay, đã có 8/17 đạt tiêu chí số 5 và 17/17 xã đạt tiêu chí số 14.

Ông Phạm Minh Tiến, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hàm Yên cho biết: Toàn huyện hiện có 29/66 trường đạt chuẩn Quốc gia. Huyện xác định, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia là bước đệm rất quan trọng, có tác động rất lớn đến chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025. Trong giai đoạn 2021-2025, huyện phấn đấu tối thiểu có 22 trường đạt chuẩn Quốc gia; trong đó 6 trường mầm non, 5 trường tiểu học, 10 trường THCS và 1 trường THPT.  Để thực hiện được mục tiêu đó, ngành Giáo dục và Đào tạo  huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội cùng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Đồng thời tập trung kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đồng thời tham mưu để cấp trên ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, nhân viên các nhà trường tham gia các lớp bồi dưỡng đạt chuẩn, trên chuẩn để nâng cao hiệu quả quản lý và dạy học. Bên cạnh đó, cán bộ, giáo viên các trường học thực hiện cải tiến phương pháp dạy học; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học... tập trung xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới.   

Bài, ảnh: Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục