Toàn cảnh hội thảo.
Tham gia hội thảo có đại diện lãnh đạo Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam; Hiệp hội Gỗ Việt Nam; lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố; các doanh nghiệp trồng rừng, chế biến gỗ trong tỉnh.
Kinh tế lâm nghiệp của tỉnh Tuyên Quang đã có bước phát triển nổi bật, thế mạnh ngành nông nghiệp từng bước được phát huy. Tỉnh đã sớm triển khai điều chỉnh hợp lý quy hoạch phân 3 loại rừng, phê duyệt quy hoạch vùng cung cấp nguyên liệu cho 5 nhà máy chế biến lớn với diện tích trên 200.000 ha, giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình…
Hiện nay, toàn tỉnh đã hình thành vùng nguyên liệu 190.000 ha, sản lượng khai thác 900.000m3 gỗ/năm, đứng đầu cả nước; trồng mới 11.000 ha rừng/năm; tính đến hết năm 2022 toàn tỉnh có 43.879 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC); độ che phủ rừng luôn duy trì 65%, đứng thứ 3 cả nước; thu hút 8 doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu; ngành lâm nghiệp của tỉnh tăng trưởng bình quân đạt trên 7,5%...
Lãnh đạo Hiệp hội Gỗ Việt Nam tham gia ý kiến tại hội thảo.
Đề án “Xây dựng Tuyên Quang trở thành khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất và chế biến gỗ” đề ra mục tiêu đến năm 2030, Tuyên Quang xây dựng được 1 trung tâm nghiên cứu, khảo nghiệm, phát triển các giống cây lâm nghiệp, cung ứng 20% nhu cầu cây giống cho vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Đồng thời phát triển vùng nguyên liệu bền vững, nâng cao năng suất rừng trồng, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, sản xuất chuyên sâu đồ gỗ, kết nối sàn thương mại điện tử quốc tế để xúc tiến tiêu thụ sản phẩm chế biến gỗ và lâm sản.
Định hướng đến năm 2050, Tuyên Quang trở thành trung tâm vùng về công nghiệp chế biến lâm sản, sản xuất đồ gỗ và giấy, có vị trí vững chắc trong chuỗi giá trị ngành gỗ và lâm sản của vùng, tham gia chuỗi sản xuất lâm sản ứng dụng công nghệ cao phục vụ xuất khẩu.
Các đại biểu đã tham gia ý kiến về các nội dung như vị trí và mô hình quản lý và hoạt động của khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công tác quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững, rà soát tính thống nhất của các số liệu.
Đặc biệt là các giải pháp về nguồn lực lao động, khoa học công nghệ, thu hút đầu tư. Các ý kiến cũng đề nghị đơn vị tư vấn đánh giá kỹ các hiệu quả của đề án về kinh tế, xã hội và môi trường.
Những ý kiến tại hội thảo đã được lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị tư vấn tiếp thu để bổ sung, tiếp tục hoàn thiện dự thảo đề án trước khi trình UBND tỉnh, Tỉnh ủy xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.
Gửi phản hồi
In bài viết