Cần có chính sách tăng cường đầu tư cho công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Trong ảnh: Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa 2023. (Ảnh MONSOON MUSIC FESTIVAL)
Thực hiện chiến lược, vài năm gần đây, thị trường CNVH và sáng tạo tại Việt Nam đã có những bước tiến mới, đóng góp thiết thực cho tăng trưởng kinh tế đất nước, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Theo Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, năm 2022, các ngành CNVH đóng góp 4,04% vào GDP, tạo khoảng một triệu việc làm cho xã hội.
Doanh thu xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ văn hóa; số lượng doanh nghiệp, trung tâm sáng tạo, thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong cả nước không ngừng tăng lên. Năm 2014, số lượng không gian văn hóa sáng tạo ở nước ta mới chỉ dừng ở con số 37, thì năm 2019 là 198 và năm 2022 là 300.
Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Hoàng nhận định: Chiến lược với tầm nhìn đến năm 2030 đã đặt ra những mục tiêu khá tham vọng, không chỉ tìm cách giải phóng, khai thác tiềm năng kinh tế của các nguồn lực văn hóa và tài năng sáng tạo, mà còn hướng tới các mục tiêu có tính phát triển bền vững như thúc đẩy hội nhập, nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, thương hiệu địa phương và quốc gia ra thị trường khu vực và thế giới.
Sự tích cực, chủ động tham gia của các nghệ sĩ, doanh nhân, nhà nghiên cứu, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức quốc tế... đã kết nối, dần hình thành hệ sinh thái văn hóa và sáng tạo đa dạng, sống động ở nước ta.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận, việc phát triển các ngành CNVH Việt Nam thời gian qua vẫn còn những rào cản. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, vai trò cũng như tầm quan trọng của các ngành CNVH trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế chưa được nhận thức đầy đủ.
Việc đầu tư cho văn hóa, trong đó có các ngành CNVH chưa phù hợp với quan điểm đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan các cấp, giữa khu vực nhà nước và tư nhân còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ, cho nên chưa phát huy được sự đóng góp của các chủ thể tham gia vào chuỗi giá trị CNVH.
Việc chưa kịp thời hoàn thiện, điều chỉnh chính sách ưu tiên đầu tư, khuyến khích sáng tạo cùng những hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực, về thực thi chính sách, biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyền liên quan... đang tạo ra “nút thắt” làm giảm năng lực cạnh tranh của các ngành CNVH Việt Nam.
Trong những năm tới, ngành CNVH Việt Nam sẽ phải đối mặt nhiều thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ và sự phát triển vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. “Bản chất năng động của các ngành CNVH và sáng tạo đòi hỏi phải có đánh giá thường xuyên, điều chỉnh kịp thời, thích ứng liên tục để tối đa hóa nguồn lực hiện có, nắm bắt xu hướng phát triển của tương lai”, ông Trần Hoàng nhấn mạnh.
Đó cũng chính là lý do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch giao Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp Cục Bản quyền tác giả thực hiện nhiệm vụ xây dựng “Đề án Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Nhạc sĩ Quốc Trung - nhà tổ chức sự kiện âm nhạc quy mô lớn “Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa” thường niên, đề cập điểm nghẽn về chính sách gây tình trạng thiếu hài hòa giữa khu vực công lập và tư nhân trong tiếp cận nguồn hỗ trợ của nhà nước.
Các doanh nghiệp tư nhân luôn gặp khó khăn trong sử dụng, khai thác các thiết chế văn hóa công, nhất là kinh phí, thủ tục, giấy tờ... khiến nhiều thiết chế văn hóa do nhà nước đầu tư bị lãng phí, làm hạn chế sự đóng góp của khối tư nhân.
Vì vậy, cần điều chỉnh chính sách để tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sáng tạo. Đồng quan điểm, ông Lê Quốc Vinh-Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Lê cho rằng, ngành CNVH ở Việt Nam muốn phát triển phải hội tụ đầy đủ các yếu tố cấu thành kinh tế thị trường, với 6 thành phần gồm: (1) nhà đầu tư; (2) nhà quản trị kinh doanh; (3) nhân lực sáng tạo; (4) khâu trung gian (nhà thầu, nhà phân phối...); (5) người tiêu thụ; (6) nhà quản lý.
Tuy nhiên, hiện nay, mọi cơ sở pháp lý, văn bản luật về CNVH đều chỉ đang hướng tới các nhóm (3), (5), (6), phần nào đó hỗ trợ cho nhóm (4), còn hoàn toàn chưa quan tâm đến lợi ích của nhóm số (1), (2) - tức các nhà đầu tư, nhà quản trị kinh doanh.
Theo ông Vinh, các sản phẩm văn hóa sáng tạo luôn được coi là sản phẩm đặc biệt cho nên bị kiểm duyệt chặt chẽ hơn, rào cản để ra với thị trường cũng lớn hơn so với sản phẩm ở các ngành khác. Đây là rủi ro lớn với nhà đầu tư, nhà sản xuất.
Tiến sĩ Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nêu quan điểm: Việt Nam trước tiên cần áp dụng khái niệm mới mang tính bao trùm hơn là “các ngành CNVH và sáng tạo” thuật ngữ này đang được UNESCO, các nước EU và nhiều nước trên thế giới sử dụng nhằm thể hiện sự gắn kết, đóng góp của CNVH trong nền kinh tế sáng tạo.
Với Việt Nam, vấn đề quan trọng là cần đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện đồng bộ thể chế, gắn chiến lược phát triển các ngành CNVH sáng tạo với các chiến lược khác có liên quan, trở thành một bộ phận trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương và quốc gia.
Đặc biệt, cần tăng cường đầu tư cho văn hóa, sử dụng các công cụ tài chính, ưu đãi thuế để thu hút các nguồn lực xây dựng, mở rộng thị trường văn hóa, xây dựng các quỹ hỗ trợ phát triển văn hóa như Quỹ phát triển điện ảnh, Quỹ hỗ trợ văn hóa số, Quỹ hỗ trợ nghệ thuật...
Gửi phản hồi
In bài viết