Trình diễn áo dài và thổ cẩm truyền thống các dân tộc huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.
Cùng với sự phát triển của kinh tế- xã hội, 28 dân tộc anh em trên địa bàn huyện luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, sẻ chia, để vòng xoang trong mỗi dịp lễ hội được nối rộng thêm bởi sắc màu văn hóa của người Xê Đăng, Ba Na tại chỗ và cộng đồng người Thái, Tày, Nùng… từ phía bắc vào sinh sống lập nghiệp.
Đến với Đăk Hà trong không khí xuân mới, du khách gần xa dễ dàng có cơ hội cùng hòa mình vào những nhịp cồng chiêng, điệu xoang tràn đầy sức sống của đồng bào nơi đây. Nhịp cồng chiêng và nối rộng vòng xoang là nét đẹp văn hóa gắn với đời sống hằng ngày, trở thành máu thịt của đồng bào.
TRUYỀN GIỮ NÉT ĐẸP VĂN HÓA DÂN GIAN
Là một trong những nghệ nhân đầu tiên của huyện Đăk Hà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, nghệ nhân Y Kha (chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa dân gian thôn Kon K’Lốc, xã Đăk Mar) luôn đau đáu tâm nguyện gìn giữ và truyền dạy lại nét đẹp văn hóa dân gian của dân tộc mình cho thế hệ con cháu. Bà đứng ra vận động thành lập Câu lạc bộ Văn hóa dân gian làng Kon K’Lốc với gần 40 thành viên, trong đó người lớn tuổi nhất đã ở tuổi thất thập, người trẻ tuổi nhất còn là học sinh lớp 5.
Vào những dịp cuối tuần, hoặc khi làng có việc, tình yêu văn hóa dân gian ăn sâu trong huyết quản từng người là thành tố xóa tan đi cách biệt về tuổi tác. Người già, người trẻ, thanh niên, phụ nữ… đều hòa mình vào những điệu xoang, những bài hát theo truyền thống của cha ông để lại.
Nghệ nhân Ưu tú Y Kha cho biết, bà may mắn được tham dự rất nhiều sự kiện văn hóa trong và ngoài tỉnh, được giao lưu với nhiều dân tộc anh em nên bà hiểu rõ những nét đẹp rất riêng mà không dân tộc nào giống dân tộc nào. Đối với dân tộc Xê Đăng, cồng chiêng, xoang đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của dân làng, nên để gìn giữ nét đẹp văn hóa này, các bà, các mẹ, những người cha, người ông và các thầy, cô giáo đã cất công truyền dạy cho lớp lớp những búp non mới nhú của núi rừng từng nhịp chiêng, nhịp xoang, và dạy cho thế hệ trẻ cả cách cảm thụ thứ tình yêu bền chặt với chiêng, xoang. Năm 2024 là năm đầu tiên em Y Pên, thành viên Câu lạc bộ Văn hóa dân gian làng Kon K’Lốc được tham gia biểu diễn, quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình đến với người xem tại Tuần văn hóa, du lịch và liên hoan cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum.
Cùng với niềm vinh dự, tự hào, bản thân em luôn nỗ lực tập luyện để thuần thục, nhuần nhuyễn từng bài cồng chiêng, xoang. Với sự dìu dắt tận tình của Nghệ nhân Ưu tú Y Kha, Y Pên cùng các bạn trong câu lạc bộ văn hóa dân gian đã tái hiện lại nghi lễ mừng lúa mới, nghi thức dọn về ngôi làng mới của người dân tộc Xê Đăng, cộng đồng người dân tộc thiểu số có truyền thống lâu đời nhất của quê hương Đăk Hà. Không chỉ để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả trong và ngoài tỉnh, màn thể hiện độc đáo, đậm chất truyền thống của đội nghệ nhân trẻ đã lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về tầm quan trọng của không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Xê Đăng.
Trong đời sống tinh thần của các thôn, làng người Ba Na hay Xê Đăng tại huyện Đăk Hà, cồng chiêng luôn có sức sống mãnh liệt và có tính kế thừa. Người già đánh cồng chiêng, múa xoang và truyền dạy lại cho những người con, người cháu của mình. Những đứa trẻ lớn lên từ làng hay phố thị, đều cần mẫn tìm tòi, say mê múa hát trong những mái nhà rông cao vút, bên ánh lửa bập bùng. Và trân trọng biết bao, khi các trường học, dù ở ngoài trung tâm huyện hay vùng sâu, vùng xa cũng cùng góp sức trong hoạt động truyền dạy cồng chiêng, xoang.
BẢO TỒN, PHÁT HUY BẢN SẮC TRUYỀN THỐNG
Người Tây Nguyên chưa bao giờ thôi yêu những làn điệu mà cha ông bao đời dựng xây. Ở những bản làng xa xôi, nơi ký ức về những tháng ngày đói khổ vẫn chưa nguôi, nơi ánh điện và văn hóa đa dạng của nhiều vùng miền đã vượt qua ngọn núi cao để về với dân làng, thì tất thảy người già và trẻ nhỏ người dân tộc thiểu số ở huyện Đăk Hà vẫn giữ lấy cồng chiêng, xoang như linh hồn, như nguồn cội…
Em Y Khuyinh, thành viên Câu lạc bộ Văn hóa dân gian Kon Trang Long Loi luôn nhận thức được vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Dưới sự dìu dắt của các nghệ nhân, Y Khuyinh từng bước sử dụng, trình diễn các loại nhạc cụ như: Đàn t’rưng; đàn Klông pút; thuộc và thể hiện thành công nhiều bài xoang truyền thống, hát nhiều bài dân ca truyền thống của người Ba Na nhánh Rơ ngao. “Khi đến và trải nghiệm các nghi lễ truyền thống của người
Ba Na, cũng như các dân tộc khác, được hòa mình vào những điệu xoang vừa uyển chuyển, vừa sống động, với âm thanh vang vọng của cồng chiêng, với sắc mầu thổ cẩm, với đôi chân trần… du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp, sức sống mạnh mẽ của không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống tinh thần của người Ba Na cũng như cộng đồng các dân tộc thiểu số tại huyện Đăk Hà” - Y Khuyinh chia sẻ. Bà Vi Thị Diệp, thành viên Câu lạc bộ múa sạp Thái tại thôn Thanh Xuân, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà cho biết thêm:
Những ngày đầu vào Tây Nguyên lập nghiệp, đời sống vật chất còn khó khăn, chuyện miếng cơm manh áo hằng ngày phần nào đã ảnh hưởng việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống. Nhiều năm trở lại đây, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống kinh tế của người dân trong thôn trở nên khấm khá hơn.
Người già bắt đầu tìm về quê hương để sưu tầm, mang những loại nhạc cụ truyền thống vào đất Tây Nguyên để truyền dạy lại cho con cháu mình. Từ bộ khung cửi, bộ cồng chiêng đến con thoi dệt, chiếc kèn lá, bộ sạp… sự xuất hiện của những vật dụng gắn bó với đời sống tinh thần bao đời của đồng bào dân tộc Thái là chất xúc tác để thổi bùng lên ngọn lửa đam mê văn hóa trong mỗi người Thái đang sinh sống, lập nghiệp trên miền đất Đăk Hà.
“Nay trong thôn chúng tôi, nhà ai cũng có trang phục truyền thống, từ người già đến trẻ em. Mỗi khi huyện tổ chức lễ hội, chị em mặc đồ thổ cẩm đến múa sạp, đánh cồng chiêng, xoang và giao lưu. Chúng tôi rất tự hào vì ở quê hương thứ hai này, chúng tôi có cơ hội giới thiệu, quảng bá cái đẹp của văn hóa người Thái, để cùng với đồng bào các dân tộc khác
học hỏi lẫn nhau, chọn lọc những cái hay, cái đẹp để cùng nhau gìn giữ và phát huy” - bà Diệp phấn khởi cho biết. Bên cạnh nét đặc sắc riêng biệt của mỗi dân tộc, văn hóa cồng chiêng, xoang nơi huyện miền núi Đăk Hà đã có sự giao thoa hài hòa, tạo nên một nét đẹp tổng thể của không gian văn hóa cồng chiêng của nhiều dân tộc, vùng miền.
Đến với lễ hội của buôn làng ở Đăk Hà, không khó để bắt gặp hình ảnh những cô gái, chàng trai dân tộc Kinh, Tày, Thái,.. đang hòa mình vào nhịp chiêng, chung tay nối rộng những vòng xoang, cùng mời nhau thưởng thức vị nồng say của những ché rượu cần… Nhịp chiêng, xoang đi qua bao mùa xuân, đã trở thành nhịp cầu thắt chặt tình đoàn kết của các dân tộc anh em cùng sống chung trong mái nhà Kon Tum.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà Phạm Thị Thương cho biết, cùng với phát triển kinh tế, huyện luôn chăm lo xây dựng và phát triển các lĩnh vực văn hóa-xã hội nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện. Đến nay, huyện có 58 nhà rông truyền thống, 96 bộ cồng chiêng. Huyện đã thành lập và duy trì hai câu lạc bộ văn hóa dân gian, 92 đội cồng chiêng, xoang; 46/47 thôn dân tộc thiểu số có đội cồng chiêng thanh thiếu nhi; huyện có 19 Nghệ nhân Dân gian được Nhà nước công nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
Đất trời Đăk Hà vào xuân, lòng người cũng hòa chung những chồi non lộc biếc, phấn khởi vui mừng đón tiết xuân sang. Cùng với sự lớn mạnh, trưởng thành của vùng đất Đăk Hà, những nhịp chiêng, điệu xoang qua bao tháng năm vẫn đang được gìn giữ, phát huy bởi lớp lớp thế hệ các dân tộc anh em sống trên mảnh đất này. Với bầu nhiệt huyết, đam mê của những đóa Pơ lang đang độ hé nụ chào xuân, tin rằng, mỗi một mùa xuân đến, vòng xoang của niềm tin, khát vọng, của những giá trị truyền thống tốt đẹp trên quê hương Đăk Hà ngày càng được nối rộng hơn và bền chặt hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết