>> Bài 1: “Mạng lưới” thu mua công khai nhưng khó phát hiện
Quyết liệt từ cơ sở
Thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của tổ chức, cá nhân người dân về công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc-xin và chủ động phối hợp trong phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp xử lý, tiêu hủy khi gia súc mắc bệnh, chết để ngăn chặn dịch bệnh lây lan; ngăn chặn hệ lụy của “thực phẩm bẩn” từ gia súc bệnh, ốm, chết… đối với sức khỏe con người.
Lực lượng công an, quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y với nhiệm vụ tổ chức điều tra, đấu tranh, triệt phá việc vận chuyển, giết mổ và buôn bán gia súc nghi mắc bệnh, gia súc bệnh, gia súc chết và sản phẩm của chúng trên địa bàn. Các trạm, chốt kiểm dịch động vật phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc với mục đích để giết mổ. Năm 2020, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp kiểm tra, xử lý 5 vụ kiểm dịch động vật. Qua đó, xử phạt vi phạm hành chính 44,4 triệu đồng, giá trị hàng hóa tiêu hủy trên 105 triệu đồng. Trong đó 3 vụ vận chuyển lợn chết, không có giấy tờ kiểm dịch, tiêu hủy trên 1,5 tấn lợn chết. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, đơn vị đã phối hợp kiểm tra, xử lý 3 vụ về kiểm dịch động vật, số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 19,4 triệu đồng với hành vi không có giấy chứng nhận kiểm dịch, vận chuyển động vật không có dấu kiểm soát giết mổ.
Có thể thấy, số vụ việc phát hiện, xử lý vi phạm về kiểm dịch động vật còn “khiêm tốn”. Tuy nhiên, đó là nỗ lực của đơn vị trong khi lực lượng quản lý thị trường còn “mỏng”. Đơn cử, Đội quản lý thị trường số 1 chỉ có 8 cán bộ nhưng phải phụ trách địa bàn rộng và phức tạp là thành phố và huyện Yên Sơn.
Tổ kiểm soát cơ động của xã Minh Hương kiểm tra, tuyên truyền cho người chăn nuôi lợn của thôn Kim Giao.
Ông Đào Duy Quý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết thêm, toàn tỉnh hiện có 562 cơ sở giết mổ động vật, trong đó có 1 cơ sở giết mổ tập trung, còn lại là các cơ sở nhỏ, lẻ. Để kiểm tra, giám sát giết mổ gia súc thường xuyên, liên tục tại các cơ sở này với cơ quan Thú y cấp tỉnh chưa thể thực hiện được. Trong khi đó, Trạm Thú y các huyện, thành phố cùng với các đơn vị khác của ngành nông nghiệp cấp huyện đã được sáp nhập thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp do UBND cấp huyện quản lý nên hiệu lực quản lý Nhà nước của cơ quan Thú y không còn như trước đây.
Trước những khó khăn trên, các lực lượng chức năng đã phối hợp, tăng cường, xây dựng mạng lưới thông tin từ dưới cơ sở để có nguồn tin chất lượng, kịp thời về vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc nghi mắc bệnh, gia súc bệnh, gia súc chết… Cấp ủy, chính quyền cấp xã nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát hiện, ngăn chặn, xử lý ngay tại cơ sở là biện pháp then chốt, tiên quyết. Nhất là hiện nay, một thuận lợi ở cấp cơ sở là có lực lượng Công an chính quy đang phát huy vai trò, hoạt động hiệu quả.
“Lực lượng chức năng cấp tỉnh phát hiện, xử lý vi phạm chủ yếu là vụ việc với quy mô, số lượng lớn; việc phát hiện, xử lý hành vi vi phạm với quy mô nhỏ một vài con gia súc vẫn phải từ cấp cơ sở” - ông Hoàng Trung Thông, Chủ tịch UBND xã Thắng Quân (Yên Sơn) bày tỏ. Là 1 trong 4 xã bùng phát dịch tả lợn châu Phi, trong 6 tháng đầu năm 2021 của huyện, UBND xã Thắng Quân đã thành lập Tổ kiểm soát lưu động gồm Công an chính quy xã và dân quân là nòng cốt phối hợp với cán bộ chủ chốt của thôn đến từng hộ chăn nuôi gia súc vừa tuyên truyền, nắm tình hình phát triển đàn gia súc… Qua đó, không để xảy ra trường hợp vi phạm.
Theo quy luật cung cầu, khi nào thị trường còn nhu cầu “thực phẩm bẩn” thì tình trạng thu mua, vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc nghi mắc bệnh, gia súc bệnh, gia súc chết… tiếp tục diễn ra. Bản thân người thu mua, người chăn nuôi, người tiếp tay cho hành vi vi phạm cần hiểu rằng, đó là tội ác. Do cái bóng quá lớn của lợi nhuận bao trùm lên ý chí, chi phối dẫn đến hành vi vi phạm thì cần chế tài nghiêm khắc hơn của pháp luật, đồng thời người tiêu dùng cũng phải thông thái hơn để bảo vệ cho sức khỏe bản thân, gia đình.
Hãy là người tiêu dùng thông thái
Theo nhận định của các đơn vị chức năng, nguồn nguyên liệu từ gia súc nghi mắc bệnh, gia súc bệnh, gia súc chết sẽ được chế biến thành thức ăn sẵn tẩm ướp bằng các gia vị thơm, ngon nhằm “đánh lừa” người tiêu dùng. Ví dụ như: xúc xích, lạp sườn, giò, chả, thịt quay, thịt treo gác bếp, thịt khô… Bên cạnh kênh bán hàng truyền thống thì bán hàng online đang “nở rộ” tạo ra “ma trận” về chất lượng, giá cả, rất khó khăn trong kiểm định chất lượng thực phẩm và phát hiện, xử lý.
Cán bộ Đội quản lý thị trường số 1 kiểm tra việc thực hiện các quy định trong hoạt động kinh doanh
đối với sản phẩm thịt lợn tại chợ An Phú, phường An Tường (TP Tuyên Quang).
Qua facebook của chị N.T.T.H, phường Hưng Thành (thành phố Tuyên Quang), chúng tôi thấy một số mặt hàng có giá bán lẻ rẻ hơn thị trường rất nhiều: lạp sườn, lợn treo gác bếp giá 180 nghìn đồng/kg, trâu khô 500 nghìn đồng/kg, lợn khô 250 nghìn đồng/kg. Khi chúng tôi hỏi nguồn hàng này có nguồn gốc từ đâu, sao giá rẻ vậy, chị H chỉ trả lời bâng quơ “nguồn hàng của xưởng sản xuất có uy tín, vì hiện nay chúng tôi có 500 cộng tác viên bán hàng online nên nhập số lượng lớn, giá buôn tốt nên giá đến tay người tiêu dùng tốt. Chị cứ yên tâm về chất lượng. Chỉ riêng đợt Tết Nguyên đán vừa rồi, chúng tôi đã bán được hàng tạ thịt các loại đấy”.
Chúng tôi đưa mức giá tại cửa hàng chị N.T.T.H này cho chị Đ.T.H, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang), một người chuyên sản xuất thực phẩm chế biến sẵn từ lợn, trâu, bò, chị H khẳng định: nếu nguyên liệu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì không bao giờ sản phẩm có mức giá như trên. Chị lấy ví dụ, lạp sườn chị đã giao cho khách sỉ là 300 nghìn đồng/kg; lợn khô từ 350 nghìn đồng, trâu khô từ 720 - 750 nghìn đồng/kg. Chưa kể đến, khách buôn cộng thêm từ 50 - 70 - 100 nghìn đồng/kg khi bán cho khách lẻ. “Thực tế, có một số mối buôn đặt tôi loại hàng giá rẻ hơn nhưng tôi không làm vì nguyên liệu chắc sẽ không đảm bảo chất lượng.
Trừ trường hợp người tiêu dùng ham rẻ, biết là không an toàn nhưng vẫn sử dụng thì người tiêu dùng cần sự thông thái nên lấy kim chỉ nam “tiền nào của ấy” để sáng suốt lựa chọn thực phẩm, tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình” - chị H bày tỏ quan điểm.
“Nếu người tiêu dùng trên thị trường bán lẻ có thể chủ động, tự bảo vệ mình trước “thực phẩm bẩn” từ gia súc chưa đảm bảo chất lượng thì đối với người lao động tại các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất hay học sinh, sinh viên trong các trường học ít có sự lựa chọn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát định kỳ, đột xuất về việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn, nhà ăn tập thể và xử phạt thật nghiêm khắc nếu phát hiện trường hợp vi phạm” - ông Lê Xuân Vân, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết.
Qua trao đổi với đại diện một số cơ quan chức năng, một trong những giải pháp quan trọng để ngăn chặn, giải quyết dứt điểm tình trạng vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc nghi mắc bệnh, gia súc bệnh, gia súc chết đó là phải coi trọng công tác thú y. Đồng thời, quy hoạch, phát triển chăn nuôi gia súc tập trung; quy hoạch, xây dựng lò mổ gia súc tập trung. Đây là giải pháp mang tính chiến lược và không thể thực hiện trong một sớm, một chiều. Vì vậy, trước mắt, các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người chăn nuôi. Đồng thời, kiên quyết xử lý các hành vi vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc nghi mắc bệnh, gia súc bệnh, không để xảy ra tình trạng này trên địa bàn tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết