Dịch nghĩa: “Bia chùa Hương Nham. Bài ký về chùa Hương Nham:
Cả huyện Cảo Sùng (*?) đều là núi. Giữa huyện có một gò hơi thấp, nhưng là trung tâm, gọi là núi Hương Nham. Trong núi có hang nhũ, đã lâu đời rồi, đó là động Hương Nham. Trước động có dòng nước uốn quanh như rồng cuộn gọi là Vị Giang. Sau động xe ngựa tấp nập trên đường, đó là đường cái quan. Phía tây động, nhà xây san sát, đó là nha môn Đô đường. Phía bắc động, tường vây trùng điệp, đó là trụ sở Hiến ty vậy. Giữa động, hương bay ngút trời, ấy là cung Phật vậy. Sửa cũ làm mới, ngói son lớp lớp. Trước cung Phật là nhà thiêu hương 3 gian. Ngày rằm, mồng một, các sãi vãi tấp nập đổ về, các tăng ni cúi đầu tụng niệm. Gặp khi trời đất bất thường, cần cầu tạnh thì trời trong khí mát; cần xin mưa, thì mưa mới rộng ban. Sự linh ứng của chùa thật khôn lường vậy. Người khai sáng ra chùa là ai? Đó là Hiến sát sứ Ngô Nghiêm Khê và Hiến sát phó sứ Vũ Trạch Xuyên vậy. Bài minh rằng:
Động cổ u minh, hương nhũ ngời ngời
Dựng chùa khắc đá, bền tựa đất trời.
Ngày 27 năm Đại Chính thứ 8 (1537). Ngô Hoằng, Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1526) chức Triều liệt đại phu Tuyên Quang đẳng xứ, thanh hình Hiến sát sứ ty, Hiến sát sứ, tước tu thận Doãn soạn văn bia. Đỗ Bá Chiêu chức thông chương đại phu, tư chính khanh, tri phủ Yên Bình viết chữ.
Dựng chùa hai vị là: Quan bản ty Ngô Nghiêm Khê xã Nghiêm Xá huyện Thường Phúc và Vũ Hoàng, xã
Mộ Trạch huyện Đường An.
Viên lại bản ty gồm: Lê Duy Nhất người xã Hoàng Lưu huyện Phú Nguyên...”.
Tiếp đó bia ghi họ, tên, quê quán 12 Đề lại là: Nguyễn Thụy, Nguyễn Tử Khoáng, Phan Văn Tháo, Lê Cử Nghê, Nguyễn Đức Lương, Phạm Tự Quy, Tô Hạng, Phạm Văn Đô, Lương Thọ Sơn, Lưu Huệ, Nguyễn Đình Chân, Vũ Duật. Rồi đến các tín thí, tức người cúng tiền xây chùa. Cúng 1 lạng có: Vũ Dự chức Tổng chi vệ Định Tây, Nguyễn Tôn chức kiêm Tổng tri, Đỗ Bá Chiêu chức tri phủ Yên Bình, Nguyễn Cung chức Đồng tri châu, Nguyễn Công Quyết chức tri châu Đại Man, Vũ Giới, chức tri huyện Phúc Yên, Bùi Bá Thông, chức Đồng chi châu Thu Vật, Vũ Sự chức Nho học huấn đạo, Nguyễn Văn Ban, chức quản lãnh vệ Tuyên Quang. Sau cùng là 50 người cúng 3 quan cũng ghi đầy đủ chức vị như Nguyễn Văn Tố Đề lại châu Thu Vật, Nguyễn Vinh, chức Điển bạ...
Thời nào cũng vậy, trên mỗi tấm bia hầu hết đều có niên đại. Niên đại đó được ghi theo niên hiệu Vua. Đó là niên hiệu vua đương thời, chính thống. Trong thời Lê - Mạc cùng một lúc tồn tại hai triều đại, hai niên hiệu vua. Đương nhiên vùng nào chịu sự trị vì của triều đại nào, tôn sùng triều đại nào thì dùng niên đại triều đại đó. Bia Chùa Hương Nham ghi niên hiệu Đại Chính thì đó là niên hiệu của vua Thái Tông nhà Mạc tức Mạc Đăng Doanh. Đăng Doanh là con trưởng Thái Tổ Mạc Đăng Dung, được truyền ngôi năm Canh Dần (1530), ở ngôi từ đó đến năm Canh Tý (1540). Trong thời gian ở ngôi Mạc Thái Tông chỉ đặt một niên hiệu là Đại Chính.
(*) Chữ Cảo thể nhầm từ chữ Sóc. Từ đời Trần về trước, huyện Hàm Yên có tên là Sóc Sùng. Thời Lê - Mạc huyện Hàm Yên bao gồm thành phố Tuyên Quang và huyện Yên Sơn ngày nay.
Mạc Ninh
(Theo Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử. Viện Sử học.
Hội đồng Lịch sử thành phố Hải Phòng xuất bản. Hà Nội -1996)
Gửi phản hồi
In bài viết