Đời sống của một bộ phận không nhỏ người khuyết tật còn nhiều khó khăn, nhất là người khuyết tật đặc biệt nặng. Vẫn còn người khuyết tật chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách trợ giúp của Nhà nước về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm, tín dụng…
Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức chưa đầy đủ, xem công tác người khuyết tật là hoạt động nhân đạo, từ thiện, là trách nhiệm của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật. Một số nơi công tác tổ chức thực hiện pháp luật về người khuyết tật còn chậm, chưa toàn diện. Hiệu quả hoạt động của một số tổ chức người khuyết tật chưa cao.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế nêu trên là công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người khuyết tật chưa được quan tâm đúng mức. Một số chủ trương của Đảng liên quan đến người khuyết tật chưa được thể chế hóa kịp thời, đồng bộ, thống nhất. Công tác quản lý nhà nước, nhất là việc bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách, công tác thống kê và quản lý người khuyết tật, công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế. Việc huy động các nguồn lực xã hội cho công tác người khuyết tật chưa được phát huy. Số lượng người khuyết tật, đặc biệt là khuyết tật vận động tăng dần trong những năm qua và tiếp tục gia tăng, tạo áp lực đối với việc bảo đảm an sinh xã hội.
Theo một công bố của Tổng cục Thống kê năm 2019 về kết quả Điều tra quốc gia về người khuyết tật tại Việt Nam, dự báo tỷ lệ người khuyết tật trên cả nước trong tương lai có chiều hướng gia tăng do tác động của việc già hóa dân số, biến đổi khí hậu, tai nạn giao thông, tai nạn lao động…
Năm 2019, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị về công tác này, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trợ giúp người khuyết tật; cùng với những nhiệm vụ cụ thể khác để chăm lo người khuyết tật.
Thiết nghĩ, cùng với việc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Ban Bí thư; cần quan tâm đến người khuyết tật một cách thực chất hơn như hỗ trợ chăm sóc y tế, trợ giúp về giáo dục, văn hóa, thể thao; dạy nghề, vốn vay, giải quyết việc làm phù hợp, tạo thu nhập ổn định…
Có như vậy, người khuyết tật mới vượt qua mặc cảm, khó khăn để từng bước tự đảm bảo cuộc sống, hòa nhập thuận lợi hơn vào đời sống xã hội.
Gửi phản hồi
In bài viết