Gia đình anh Lò A Lánh, thôn Nà Co, xã Xuân Lập (Lâm Bình).
Anh Lánh cho biết, khèn Mông được biết đến không chỉ là biểu trưng văn hóa dân tộc Mông mà còn là phương tiện kết nối cộng đồng, giao lưu văn hóa, mang nét độc đáo của dân tộc. Tiếng khèn, cây khèn chính là nhân chứng theo suốt cuộc đời của mỗi người Mông, hiện diện trong cả những lúc vui, lúc buồn của mỗi gia đình. Anh Lánh được bố truyền dạy thổi khèn từ khi còn rất nhỏ. Tiếng khèn đã cùng anh khôn lớn, trưởng thành. Vì vậy, khi lập gia đình, có con, anh cũng đã dạy con trai mình thổi khèn Mông, con gái múa theo điệu khèn từ khi còn rất nhỏ.
Con trai anh Lánh mới 12 tuổi, con gái 10 tuổi nhưng đã thổi thành thạo nhiều bài khèn và có những điệu múa khèn điêu luyện. Em Lò A Trường chia sẻ, em được bố dạy thổi khèn Mông từ khi lên 6 tuổi, từ những giai điệu đơn giản, qua thời gian luyện tập em đã có thể thể hiện vũ đạo, các động tác xoay, lộn, đá chân đều, đẹp và khỏe khoắn hoặc nhẹ nhàng, tùy thuộc vào hoàn cảnh, không gian khi biểu diễn.
Gia đình anh Lánh tham gia ngày hội với mong muốn lan tỏa những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông đến với du khách. Anh cũng mong muốn, những điệu khèn ấy sẽ nhận được sự yêu thích của mọi người. Khi một số bản sắc văn hóa truyền thống đang ngày càng mai một thì những tấm gương tiêu biểu như gia đình anh Lò A Lánh rất đáng ghi nhận và cần được nhân rộng. Bởi bằng tình yêu, niềm đam mê gia đình anh Lánh đã và đang nỗ lực trong việc gìn giữ, lưu truyền điệu khèn Mông truyền thống.
Gửi phản hồi
In bài viết