Cảnh giác chiêu trò lừa đảo du lịch giá rẻ

- Du lịch là nhu cầu tất yếu của mỗi gia đình, nhất là vào các dịp nghỉ lễ kéo dài. Nắm bắt nhu cầu đi du lịch với giá cả phải chăng, các đối tượng xấu đã thực hiện các chiêu trò lừa đảo như bán vé máy bay giảm giá, đặt phòng, đặt tour "combo du lịch"... giá rẻ.

Thời đại công nghệ 4.0, mỗi người đều dễ dàng tìm kiếm thông tin, đặt mua các tour du lịch, vé máy bay hay "săn sale" các "voucher du lịch" giảm giá trong và ngoài nước. Lợi dụng nhu cầu đó, các đối tượng xấu cũng gia tăng hoạt động lừa đảo với đủ chiêu trò. Tháng 4 vừa qua, Công an tỉnh Bắc Giang đã triệt phá đường dây lừa đảo bán vé máy bay giá rẻ qua mạng Internet do nhóm đối tượng ở tỉnh Bình Dương thực hiện.

Chị Chẩu Thị Nga (bên phải), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Cô Sơn Nữ (TP Tuyên Quang) tư vấn giúp khách lựa chọn được tour du lịch phù hợp.

Nhóm lừa đảo đã lập ra trang web, tạo nhiều fanpage thuê chạy quảng cáo để bán vé máy bay giảm 20% so với các đại lý khác. Khách hàng có nhu cầu đặt vé trên fanpage, chúng sẽ lấy số điện thoại liên lạc rồi chuyển sang tư vấn, báo giá chuyến bay trong nhóm Zalo. Khách hàng đồng ý mua, chúng sẽ tạo mã đặt chỗ giả gửi cho khách để họ sử dụng mã này truy cập web để kiểm tra. Kiểm tra thấy đầy đủ thông tin chuyến bay, khách chuyển tiền, bọn chúng sẽ chặn liên lạc và chiếm đoạt tiền. Nhóm này lừa chiếm đoạt của khoảng 200 khách hàng với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Ở tỉnh ta chưa có số liệu thống kê cụ thể số trường hợp bị lừa đảo liên quan đến du lịch giá rẻ, có thể do người bị lừa ngại đi trình báo cơ quan chức năng. Theo thông tin phóng viên nắm được từ phía các công ty lữ hành, đã có một số người dân đi du lịch bị lừa tiền đặt phòng, mua giá ở phòng vip nhưng chỉ được ở phòng thường không như lời quảng cáo. Trường hợp anh T.T.C, ở thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương), dịp tháng 5 vừa qua, anh cho gia đình đi chơi ở Phú Quốc (Kiên Giang). Để giảm chi phí, anh C. không đi theo tour mà tự đặt vé máy bay từ Hà Nội vào đó.

Anh cũng lên mạng tra thông tin, liên hệ đặt phòng trước tại một khách sạn thông qua mạng Facebook. Anh đã đặt cọc tiền 1,7 triệu đồng (bằng 50% chi phí trong 2 ngày) qua một người tự xưng là nhân viên của khách sạn nhưng khi vào đến nơi, khách sạn kiểm tra không có thông tin anh C. đặt trước. Lúc đó, anh C. không liên hệ được người mình đã đặt cọc nên đành chịu mất tiền và phải thuê ở một cơ sở lưu trú khác.

Bà Trương Thị Thủy, ở Tân Hà (TP Tuyên Quang) cho biết, hai tháng trước, vợ chồng bà có chuyến đi du lịch một tuần tại các tỉnh, thành miền Nam. Trước khi đi, bà cũng lên mạng, nhóm Fanpage tham khảo, gửi thông tin nhờ tư vấn. Nhưng khi bà kiểm tra lại thông tin tour (điểm đến, khách sạn...), vé chuyến bay không trùng khớp như lời tư vấn. Nghi có dấu hiệu lừa đảo bà đã hủy đặt tour và vé máy bay trên mạng. Bà đã trực tiếp đến một công ty lữ hành tại tỉnh nhờ đặt giúp vé máy bay. Suốt chuyến đi, cứ mỗi điểm đến bà mới đặt phòng, tuy chịu chi phí đắt so với đặt trước nhưng không lo bị lừa đảo.  

Đáp ứng nhu cầu đi du lịch của người dân, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 10 đơn vị lữ hành tổ chức các tour du lịch trong và ngoài nước. Theo chị Chẩu Thị Nga, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Cô Sơn Nữ (TP Tuyên Quang): Thực tế, các tour du lịch, đặt phòng, vé máy bay... được tung ra nhằm kích cầu du lịch, nhất trong thời gian dịch Covid-19 khó khăn. Hiện nay, kinh tế, du lịch đang hồi phục mạnh mẽ nên khi đi du lịch ở địa điểm nổi tiếng, dịch vụ cao cấp, nhất là vào mùa cao điểm du lịch thì việc giảm giá là rất ít nên du khách cần hết sức cảnh giác. Để tránh bị lừa đảo nếu có thể du khách nên đến tận nơi có trụ sở, chi nhánh của các đơn vị lữ hành có uy tín để đặt tour.

Khi tìm kiếm trên mạng, quyết định chuyển tiền đặt mua tour, đặt phòng, "combo du lịch", vouche khuyến mại… khách hàng hãy tìm được số điện thoại công bố trên các website chính thống của các đơn vị lữ hành, của đơn vị lưu trú hay hãng bay để xác nhận. Đồng thời, khách hàng có thể gọi nhờ cơ quan chức năng địa phương (địa điểm mình muốn đến) kiểm tra các thông tin về tour, địa chỉ công ty, cơ sở lưu trú... để xác thực là đúng, tránh rủi ro mất tiền.

Vừa qua, Bộ Công an đã có cảnh báo các phương thức, thủ đoạn lừa đảo liên quan đến du lịch giá rẻ để Nhân dân hiểu rõ và đề cao cảnh giác. Trên mạng Internet và mạng xã hội, các đối tượng sẽ đăng tải quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ với nhiều tiện ích kèm theo. Đối tượng sẽ tư vấn, rồi đề nghị nạn nhân chuyển và chiếm đoạt tiền đặt cọc. Đối tượng sẽ mạo danh đại lý bán vé máy bay, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức. Sau đó, đối tượng quảng cáo với các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng. Nếu khách hàng liên hệ, đối tượng sẽ đặt chỗ vé máy bay, gửi mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu khách hàng thanh toán, rồi chiếm đoạt tiền.

Tinh vi hơn, đối tượng xấu làm giả website, fanpage của công ty du lịch uy tín, làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch. Sau khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán dịch vụ du lịch, các đối tượng sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết. Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân khi có nhu cầu đi du lịch cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch, nên lựa chọn dịch vụ đặt tour, đặt phòng, đặt vé máy bay của những đơn vị uy tín.  

Bài, ảnh: Lý Thịnh

Tin cùng chuyên mục