Cấp thiết bảo vệ tài nguyên nước

- Nước là nguồn tài nguyên quý giá, cần thiết cho hoạt động sống của con người cũng như sinh vật. Tuy nhiên, trước tốc độ phát triển dân số, đô thị hóa và công nghiệp… gia tăng nhanh chóng, tài nguyên nước đang bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, đòi hỏi kịp thời có những giải pháp bảo vệ.

Báo động tình trạng ô nhiễm nguồn nước

Tỉnh ta có mật độ sông, suối cao, khoảng 0,9 km/km2, với 3 con sông lớn chảy qua, gồm sông Lô, sông Gâm và sông Phó Đáy. Trữ lượng nước ngầm có thể khai thác tại các lưu vực sông vào khoảng 4,2 triệu m3/ngày. Hệ thống sông ngòi của tỉnh có vai trò rất quan trọng, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các mục đích sử dụng khác.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa phát triển mạnh mẽ, tỷ lệ dân số tăng; các hoạt động xây dựng được đẩy mạnh, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi phát triển ngày càng mạnh mẽ, theo hướng quy mô lớn... lượng chất thải, nước thải, khí thải theo đó tăng cao. Trong khi đó, nhận thức, ý thức bảo vệ, chấp hành pháp luật về tài nguyên nước của một bộ phận tổ chức, cá nhân còn hạn chế. Đây là các nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm, suy thoái, làm cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm trên địa bàn, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân về lâu dài. 

Nguồn nước sông Lô được đảm bảo phục vụ cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Đầu tháng 1 vừa qua, lực lượng liên ngành của huyện Yên Sơn đã tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh của nhân dân thôn Đồng Cầu, xã Tứ Quận về việc cơ sở sản xuất tinh bột sắn của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn, tổ dân phố Tứ Quận, thị trấn Yên Sơn hoạt động gây ô nhiễm môi trường, trong đó có làm ô nhiễm nguồn nước. Trước đó, cũng trên địa bàn huyện Yên Sơn, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu một doanh nghiệp khẩn trương khắc phục hậu quả khi xả nước thải ra môi trường mà chưa qua xử lý.

Không dừng lại ở đó, nhiều các hồ ao, con suối trong khu dân cư trên địa bàn tỉnh, qua quan trắc cũng cho thấy có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ, bởi các chất hữu cơ, vi sinh… Nguyên nhân do đây là nơi tiếp nhận nước thải từ khu dân cư, chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Đối với nguồn nước ngầm, tình trạng mạnh ai nấy khoan giếng vẫn diễn ra. Điều này không những làm suy giảm chất lượng nước cũng như nguy cơ sụt lún đất tại các khu vực xung quanh.

Chủ động các giải pháp bảo vệ

Trước tình trạng nguồn nước mặt, nước ngầm bị ô nhiễm, suy thoái, có nguy cơ cạn kiệt, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quy định, điều chỉnh hoạt động trong lĩnh vực này. Cụ thể như Kế hoạch số 53/KH - UBND, ngày 21/3/2023 của UBND tỉnh thực hiện Kết luận số 36-KL/TW, ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các quyết định về phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước về quy định phân vùng các nguồn tiếp nhận nước thải trên địa bàn tỉnh...

Tỉnh cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm Nghị định số 02/2023/NĐ-CP, ngày 1/2/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; tổ chức hoạt động điều tra cơ bản, lập quy hoạch, lập hành lang bảo vệ tài nguyên nước; đánh giá khả năng tiếp nhận nguồn nước tại các sông, suối, ao, hồ...

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng để cấp nước cho người dân 2 xã Nhữ Khê, Nhữ Hán (Yên Sơn).

Đồng chí Phùng Thế Hiệu, Trưởng phòng Môi trường, Nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, sở đang phối hợp với các cơ quan liên quan xác định đặc điểm hiện trạng môi trường nước của các sông, suối, hồ trên địa bàn, làm cơ sở để giám sát diễn biến chất lượng nước sông, hồ; điều tra, xác định, thống kê các nguồn xả thải ô nhiễm vào nguồn nước, các nguồn tiếp nhận.

Trên cơ sở đó, đánh giá được hiện trạng xả nước thải, biến động số lượng, tổng lượng nước thải của các đối tượng xả nước thải và đặc điểm ô nhiễm của các nguồn thải...Từ đó đề xuất các giải pháp khả thi để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý môi trường nước sông, hồ.

Sở cũng thường xuyên rà soát, cho ý kiến đối với các dự án có sử dụng nước trên địa bàn tỉnh liên quan đến việc thực hiện các quy hoạch về tài nguyên nước; tham mưu, ban hành các văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thành phố thực hiện công tác quản lý tài nguyên nước; hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác nước trên địa bàn lập hồ sơ thủ tục tài nguyên nước theo quy định...

Trưởng phòng Môi trường, Nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường Phùng Thế Hiệu cho rằng, bảo vệ tài nguyên nước đã trở thành vấn đề cấp thiết, vì thế, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương, cần có sự vào cuộc tích cực của cả cộng đồng. Bởi theo quy định của Luật Tài nguyên nước, mỗi cá nhân, tổ chức đều phải có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước bảo đảm sự phát triển lâu dài và bền vững.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục