Người Đà Nẵng và du khách diễu hành trong trang phục áo dài, nón lá. (Ảnh: BTC)
Lễ công bố thành lập Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam thành phố Đà Nẵng vừa diễn ra tại Nhà văn hóa Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). Tham dự chương trình có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam; Tiến sĩ Đặng Thị Bích Liên - nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Tô Văn Động - Giám đốc Quỹ hỗ trợ bảo tồn Di sản văn hóa Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam; ông Nguyễn Đức Tuấn - Chủ tịch Hội Di sản thành phố Đà Nẵng…
Được thành lập và trực thuộc Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam (Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam), Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam thành phố Đà Nẵng là tổ chức tập hợp những người yêu áo dài, nơi trao đổi thông tin, kinh nghiệm và thực hiện các hoạt động tôn vinh, quảng bá giá trị áo dài Việt Nam - bao gồm cả áo dài nữ và nam. Cùng nhiều câu lạc bộ thành viên trên cả nước và tại một số quốc gia trên thế giới, Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam thành phố Đà Nẵng hoạt động hướng tới việc đưa áo dài được ghi danh trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đề nghị UNESCO công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam thành phố Đà Nẵng gồm 10 thành viên là các chuyên gia nghiên cứu, nhà quản lý, doanh nhân... đam mê và tâm huyết với áo dài, như bà Nguyễn Thị Vân Lan - nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng; bà Lê Thị Lý - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển văn hóa Hùng Vương...
Chủ tịch Hội Di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng Nguyễn Đức Tuấn nhấn mạnh việc thành lập Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam thành phố Đà Nẵng không chỉ là hoạt động tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống mà còn góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Đà Nẵng, tiếp tục khẳng định vị thế là là điểm đến hấp dẫn của con đường di sản, của liên kết vùng miền Trung và Tây Nguyên.
Tại buổi lễ, dàn người mẫu của VKSTAR (thành viên câu lạc bộ) trình diễn các tiết mục nghệ thuật phong cách áo dài qua các thời kỳ, từ phong cách cổ điển đến hiện đại, mang đến nhiều cảm xúc tự hào về áo dài Việt Nam, một biểu tượng của di sản văn hóa đã được người Việt nâng niu, bảo tồn và phát huy mạnh mẽ giá trị trong đời sống.
Trong khuôn khổ sự kiện, chiều 14/8, khoảng hơn 1.000 người đã diễu hành trong trang phục áo dài trên cầu Nguyễn Văn Trỗi và phố đi bộ của thành phố Đà Nẵng, tạo nên những ấn tượng đẹp trên thành phố biển.
Nhân dịp này, Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam thành phố Đà Nẵng cùng các nhà tài trợ đã đồng hành với chương trình “Nếp áo thanh xuân”, trao tặng 17 bộ áo dài cho các giáo viên cùng 119 bộ áo dài trắng cho các nữ sinh trường Hermann Gmeiner Đà Nẵng.
Gửi phản hồi
In bài viết