Thời Minh Mệnh, việc tuyển chọn quan lại trị nhậm các địa phương rất được quan tâm. Trước hết phải là những người có kinh nghiệm vỗ về, phủ dụ an dân, đặc biệt là những địa phương ở xa Kinh đô.
Tháng 7-1829, Minh Mệnh ra lệnh bãi lệ thổ ty thế tập ở các trấn Bắc Thành.
Theo quy định thì châu, huyện nào có số đinh từ 5.000 người, ruộng từ 500 mẫu trở lên, thì châu đặt 1 thổ tri châu, huyện đặt 1 thổ tri huyện cùng người thổ lại mục đều 1 người; đinh từ 100 người, ruộng từ 100 mẫu trở lên, thì châu đặt 1 thổ tri châu, huyện đặt 1 thổ huyện thừa; đinh điền không đủ 100, thì chỉ đặt 1 thổ lại mục 1.
Năm 1831, Minh Mệnh tiến hành cải cách hành chính, Tuyên Quang trở thành một tỉnh dưới quyền kiểm soát của Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên.
Cổng Dinh Tuần phủ, điếm canh và nhà ở của lính cơ. Nguồn: TTLTQG1.
Ở tỉnh đặt hai ty Bố chính và Án sát dưới quyền Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên. Tỉnh Tuyên Quang phía bắc giáp tỉnh Quảng Tây và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía đông giáp Cao Bằng và Thái Nguyên, phía nam giáp Sơn Tây và Hưng Hóa, phía tây giáp Lào Cai. Chức nhiệm của các quan đứng đầu tỉnh Tuyên Quang được quy định cụ thể:
Bố chính sứ giữ việc thuế khóa, tài chính toàn hạt. Triều đình có ân trạch, chính lệnh gì ban xuống thì truyền đạt cho các người phần việc.
Án sát sứ giữ việc kiện tụng hình án trong toàn hạt, chấn hưng phong hóa, kỷ cương, trừng thanh các quan lại, kiêm coi công việc chạy trạm trong hạt. Khi có những việc trọng đại, hai ty (Bố chính và Án sát) hội đồng bàn bạc, rồi trình bày với Tổng đốc hay Tuần phủ.
Bộ phận nhân viên giúp việc ở các ty Bố chính là:
Bát phẩm thư lại ty Bố chính: 1 người.
Cửu phẩm thư lại: 3 người.
Vị nhập lưu thư lại: 30 người.
Thư lại ty Án sát: 1 bát phẩm, 2 cửu phẩm, 20 vị nhập lưu.
Thủy sư lãnh binh quan đặt 1 lãnh binh, chuyên cai quản bộ binh.
Năm 1835, nhà Nguyễn bắt đầu đặt lưu quan ở Tuyên Quang và một số tỉnh miền núi phía Bắc.
Mặc dù đặt chức lưu quan nhưng nhà Nguyễn vẫn quan tâm đến lợi ích về chính trị và kinh tế của đội ngũ Thổ quan, vẫn cho họ là những thần tử tin cậy của triều đình, chịu trách nhiệm cai quản dân địa phương vùng cao mà triều đình chưa đủ điều kiện quản lý. Năm 1836, Minh Mệnh cho phép các thổ ty Lạng Sơn, Cao Bằng, Hưng Hóa, Tuyên Quang và Thái Nguyên ở Bắc Kỳ vào Kinh bái chầu.
Năm 1844, Thiệu Trị bàn đặt chức quan ở các tỉnh biên giới phía Bắc, vua giao cho đình thần bàn nghị xem xét các tỉnh hạt duyên biên, chỗ nào nên đặt quan bổ đến, chỗ nào nên dùng người thổ trước (quan địa phương), châm trước định ra chương trình...
Theo Địa chí Tuyên Quang
----------------
1. Xem Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lực chính hiệu, Sđd, t.III, tr.296.
Gửi phản hồi
In bài viết