Chùa Hương Nghiêm (hay còn gọi là chùa Hang) ở dưới chân núi Hương Nghiêm, thuộc xóm Phúc Thọ ở xã An Khang, thành phố Tuyên Quang.
Về kinh tế:
- Thời Lê sơ
Sau cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, nhà nước Lê sơ rất quan tâm đến việc phục hồi và phát triển nền kinh tế, ổn định xã hội.
Tuyên Quang là tỉnh có nhiều tài nguyên, sản vật, rất thuận tiện cho việc canh tác nông nghiệp và phát triển nghề khai mỏ. Phan Huy Chú cũng chép về một số vùng đất có hầm mỏ bấy giờ, trong đó có Tuyên Quang: xứ Hưng Hóa sản xuất ra bạc, đồng, thiếc; xứ Tuyên Quang: châu Bảo Lạc sản xuất ra vàng, bạc, sắt, thiếc; châu Lục Yên thì sản xuất ra chì, đồng, diêm tiêu... (Theo Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Quốc dụng chí, Sđd, t.III).
Nhờ sự phát triển của nghề khai mỏ ở Tuyên Quang nói riêng và các châu miền núi phía Bắc nói chung mà năm 1450, nhà Lê đã giải quyết được nạn thiếu tiền đồng vào buổi đầu thời Lê sơ (vì thời nhà Hồ và thời Minh đô hộ chỉ dùng tiền giấy, sau cuộc kháng chiến chống Minh số tiền đồng “trăm phần chỉ còn độ một”).
Theo ghi chép của Dư địa chí, sản vật của Tuyên quang thời đó ngoài các khoáng sản còn có dầu, nến, trầm hương, răng voi, áo cỏ. Đặc biệt nghề dệt khá phát triển ở vùng này: “người Thổ dệt vải vàng ánh, thêu xanh, trông rất đẹp”(Nguyễn Trãi: Dư địa chí toàn tập, Sđd, tr.229).
- Thời Lê Trung Hưng
Một trong những chính sách kinh tế đối với Tuyên Quang được triều đình rất quan tâm đó là chú trọng phát triển nghề khai mỏ.
Thế kỷ XVI, XVII, và đầu XVIII có nhiều mỏ được khai thác, như mỏ đồng Tụ Long (Tuyên Quang); mỏ đồng Tống Tinh, Vụ Nông, Sảng Mộc (Thái Nguyên); mỏ bạc Long Xưởng, Long Tinh (Tuyên Quang); mỏ vàng Kim Mã, Tam Lộng (Thái Nguyên), mỏ kẽm, mỏ thiếc... Nghề khai mỏ nói chung, đặc biệt là khai thác đồng đã thu hút sự chú ý đầu tư của Nhà nước, của tư nhân và cả thương nhân nước ngoài. Tuyên Quang có nguồn lợi về mỏ là mỏ đồng (Tụ Long).
Có hai hình thức khai mỏ:
+ Do Nhà nước bỏ vốn khai thác.
+ Cho tư nhân đứng ra khai thác. Những mỏ do tư nhân đứng ra khai thác lại chia thành ba nhóm:
- Chủ mỏ người dân tộc, chủ yếu là các tù trưởng. Họ thường huy động nhân công là những người sống trong các vùng mình cai quản và khai thác bằng một kỹ thuật thấp kém và phương thức đơn giản.
- Một số chủ mỏ là người Việt, họ là những quan chức ở miền xuôi nhận với triều đình xin thầu và thuê người Việt lên khai thác.
- Chủ mỏ là người Hoa thường đưa nhân công từ Trung Quốc sang. Sản phẩm thu được một phần nộp cho Nhà nước Lê - Trịnh, còn lại chở về Trung Quốc.
Từ nửa đầu thế kỷ XVII, Nhà nước chú ý đến việc khai thác các mỏ khoáng sản để phục vụ cho nhu cầu chiến tranh và quốc dụng. Nhưng do điều kiện khách quan như cuộc nội chiến Lê - Mạc kéo dài gây nên sự bất ổn định ở khu vực miền núi, các thổ tù ở đây lại chỉ bị ràng buộc với chính quyền trung ương một cách lỏng lẻo nên triều đình không thể quản lý, điều hành. Việc khai thác mỏ ở giai đoạn này chủ yếu do các tư nhân tiến hành rồi nộp thuế cho triều đình. Ở vùng biên giới người Hoa kéo sang khai thác gây nên nhiều sự lộn xộn không thể kiểm soát nổi.
Từ nửa sau thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII, tình hình chính trị tạm thời ổn định, Nhà nước có điều kiện quan tâm thích đáng và đầu tư vào công cuộc khai thác. Những hiện tượng tiêu cực trong nghề khai mỏ ở vùng biên giới phía Bắc đã dần được khắc phục. Sự phát triển của kinh tế hàng hóa cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển của nghề khai mỏ, đặc biệt ở giai đoạn thế kỷ XVIII. Nhà nước bắt đầu quản lý chặt chẽ các trường mỏ từ khâu khai thác, sản xuất, vận chuyển, mua bán... Nhà nước đã khẳng định độc quyền quản lý việc khai thác các mỏ. Chế độ quản giám bắt đầu được thực hiện từ năm 1760. Thành phần của quản giám thuộc ba tầng lớp:
- Các vương hầu, quý tộc.
- Các quan lại trong triều đình tự nguyện xin làm.
- Các thổ tù quan lại địa phương có các mỏ khoáng sản (Xem Viện sử học: Lịch sử Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007, t.IV, tr.219).
Phan Huy Chú đã đánh giá cao hình thức quản lý này bởi trước đó các mỏ khai thác “nộp thuế 10 phần chỉ được 1”. Nhà nước còn khuyến khích bằng biện pháp “miễn thuế cho 5 năm, sau đó chiếu số sản xuất hằng năm mà bổ thuế. Viên quan nào khai thác xong mỏ thì cho vĩnh viễn được quản giám để họ nỗ lực đôn đốc công việc, làm lợi thuế khóa cho nhà nước” (Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Quốc dụng chí, Sđd, t.III, tr.78).
Người muốn khai thác bất kỳ mỏ nào phải có đơn xin phép và được Nhà nước chấp thuận mới được tiến hành. Người khai thác phải tự bỏ vốn để chiêu tập nhân công và tổ chức khai thác. Nhân công có thể là người trong nước hoặc người nước ngoài. Số lượng nhân công trong các hầm mỏ đã được Nhà nước quy định rõ vào khoảng năm Vĩnh Thịnh (1705 - 1719): mỏ nhiều là 300 người, mỏ vừa là 200 người và mỏ ít là 100 người. Sau đó vẫn có hiện tượng các mỏ ở vùng biên giới mộ quá nhiều nhân công Trung Quốc như người Triều Châu gây nên tình trạng mất ổn định ở vùng biên giới, triều đình phải can thiệp, giải tán bớt như trường hợp mỏ bạc Tống Tinh năm 1767.
Năm 1728, bằng việc đấu tranh ngoại giao kết hợp với quân sự, triều đình Lê Trịnh đã đòi lại được mỏ đồng Tụ Long ở vùng Tuyên Quang bị nhà Thanh chiếm vào những năm cuối của thế kỷ XVII. Đây là mỏ đồng quý có trữ lượng lớn nhất ở thời bấy giờ. Sau một thời gian bị đình trệ, khoảng từ năm 1756 trở đi, ngành khai thác mỏ được phục hồi. Năm 1757, biên thú châu Vị Xuyên là Hoàng Văn Kỳ xin khai lại mỏ đồng Tụ Long. Chúa Trịnh cử thêm quan giám đương ở Hộ phiên và quan lưu thủ Tuyên Quang cùng trông nom việc khai thác ở đây. Mức thuê nhà nước quy định cho mỏ đồng Tụ Long là 1 vạn cân mỗi năm (Xem Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Sđd, t.I, tr.711). Đây là mức thuế cao nhất cho trường mỏ có trữ lượng và năng suất lớn nhất ở nước ta thời đó.
Phương thức khai thác trong các trường mỏ ở Tuyên Quang cũng như trong hầu hết các mỏ ở Đàng Ngoài thời bấy giờ vẫn mang tính chất thủ công. Quặng được đào lên bằng những dụng cụ thô sơ sau đó được đãi rồi nấu trong những lò nổi thô sơ. Với một quy trình hoàn toàn thủ công như vậy, người thợ không thể tận dụng hết nguồn tài nguyên trong lòng đất, năng suất lao động cũng chỉ đạt được ở mức tối thiểu.
Tại những hầm mỏ có sử dụng lao động người Trung Quốc có tay nghề cao, có kinh nghiệm khai thác nên trong công việc khai thác có sự phân công hoặc hiệp tác giản đơn, chính vì vậy năng suất lao động cũng cao hơn. Nhưng cũng tại các mỏ này, các sản phẩm khai thác, trừ đi phần đóng thuế, hầu hết lại bị các thương nhân đem về Trung Quốc, đây chính là sự thất thoát về tài nguyên rất đáng tiếc mà chính quyền Lê - Trịnh không quản lý được. Tình trạng nhập cư hỗn loạn và việc các phu mỏ nước ngoài gây rối trật tự trị an ở các khu vực khai thác cũng khiến nhà nước phải áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế số lượng nhân công và hạn chế việc mở rộng phạm vi các mỏ.
Mối lợi tự nhiên của các loại mỏ khoáng sản đã đóng góp một phần không nhỏ cho nền tài chính quốc gia ở thế kỷ XVII, XVIII. Phan Huy Chú đã từng nhận xét về điều này: “Mối lợi về hầm mỏ phần nhiều là các xứ Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn. Các mỏ vàng, bạc, đồng, thiếc, đáng giá không biết bao nhiêu của. Việc chi dùng của nhà nước sở dĩ được dồi dào là do ở thuế các mỏ nộp đầy đủ...”(Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Quốc dụng chí, Sđd, t.III, tr.78).
Từ nửa sau thế kỷ XVIII, ở Đàng Ngoài phong trào nổi dậy của nông dân diễn ra khắp nơi, trong đó có các cuộc nổi dậy của Hoàng Công Chất, Vũ Đình Dung, Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Nguyễn Danh Phương... làm cho các địa phương ở biên giới náo động, nên việc khai mỏ không được quan tâm. Sau khi tình hình tạm lắng, nhà nước Lê - Trịnh mới có điều kiện tập trung đến việc khai mỏ, giao cho các viên quan địa phương, thổ mục đứng ra tổ chức lần lượt khai lại. Vì của cải ở đây, công và tư đều có lợi, cho nên người đứng ra mộ người làm không ngại khó nhọc phí tổn, “mỏ này, mỏ khác nhộn nhịp, mà những của ở rừng núi đều được lấy ra hết”.
Về Văn hóa - Giáo dục:
Trong các thế kỷ XVI, XVII và XVIII, trong khi Nho giáo suy đồi, không còn giữ địa vị thống trị như trước nữa thì Phật giáo lại có điều kiện phát triển. Nhiều ngôi chùa lớn được trùng tu lại. Nhiều chùa mới được xây dựng, có không ít chùa là do hoàng thân, hoàng tộc nhà Mạc, họ Lê - Trịnh và các quan lại các cấp góp tiền của.
Tuyên Quang thời kỳ này cũng có một số ngôi chùa được xây dựng như chùa Hương Nghiêm (hay còn gọi là chùa Hang) ở dưới chân núi Hương Nghiêm, thuộc xóm Phúc Thọ ở xã An Khang, thành phố Tuyên Quang; chùa An Vinh có tên chữ là “An Vinh thiền tự” thuộc tổ 7, phường Hưng Thành, thành phố Tuyên Quang.
Giáo dục - thi cử: Tại Tuyên Quang, thời Lê Thánh Tông (thế kỷ XV) có ông Tạ Thông thôn Yên Hưng, xã Yên Hưng, huyện Sùng Yên (nay là Hàm Yên) nổi tiếng thần đồng, thi đình đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475), làm quan đến chức Đô Ngự sử (Đô ngự sử: Trưởng quan của Ngự sử đài, chức rất trọng. Ngự sử đài là cơ quan có chức năng giữ phong hóa pháp độ, giám sát trăm quan và các địa phương.).
Theo Địa chí Tuyên Quang
Gửi phản hồi
In bài viết