Đổi mới toàn diện, đồng bộ trong công tác cán bộ

- Tỉnh ủy vừa ban hành hai đề án về công tác cán bộ gồm: Đề án Luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh giai đoạn 2023 – 2025 và Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số giai đoạn 2023 – 2030. Đây là giải pháp quan trọng nhằm đổi mới toàn diện, đồng bộ, liên thông các khâu để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Nét mới trong công tác luân chuyển cán bộ

Những năm qua, công tác điều động, luân chuyển cán bộ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chú trọng, góp phần đào tạo, rèn luyện cán bộ, giúp cán bộ có cơ hội trưởng thành. Trong luân chuyển đã kết hợp với việc bố trí cán bộ không là người địa phương nên khắc phục được tình trạng cục bộ, khép kín, mất đoàn kết nội bộ ở một số địa phương, đơn vị; đồng thời tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, góp phần củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trong tỉnh.

Theo thống kê từ năm 2016 đến năm 2022 tổng số cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được luân chuyển là 4 đồng chí; cán bộ cấp huyện về cấp xã và ngược lại là 33 đồng chí. Ngoài ra, tổng số cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý là 252 đồng chí.

Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng trong công tác luân chuyển, điều động cán bộ, song theo đánh giá của Tỉnh ủy, do số đơn vị hành chính ít nên số cán bộ được thực hiện luân chuyển, điều động còn hạn chế, nhất là luân chuyển cán bộ trẻ trong quy hoạch để đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo các chức danh trong quy hoạch. Luân chuyển giữa ngành này sang ngành khác, huyện này sang huyện khác và từ xã này sang xã khác mới được thực hiện ở một số ít đơn vị; chưa kịp thời thay thế điều chuyển cán bộ năng lực hạn chế không đáp ứng được yêu cầu.

Lãnh đạo huyện Chiêm Hóa nắm tình hình sản xuất của người dân.

Theo Đề án về công tác luân chuyển, điều động cán bộ, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành 100% việc bố trí Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương; từng bước bố trí các chức danh Chủ tịch UBND cấp huyện không phải là người địa phương. Cùng với đó, tỉnh sẽ chú trong luân chuyển đối với cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi), cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, có phẩm chất đạo đức tốt, được đào tạo cơ bản, có năng lực nổi trội, triển vọng đào tạo và trong quy hoạch.

Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng đổi mới về tiêu chuẩn cán bộ, công khai, minh bạch, dân chủ hóa việc đánh giá, lựa chọn cán bộ; quan tâm bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ thực sự khoa học, dân chủ, đúng pháp luật và quy định của Đảng “đúng người, đúng việc” nhằm tạo sự đoàn kết, thống nhất cao, không để xảy ra có đơn thư hay dư luận bức xúc trong công tác cán bộ.

Trong đó, công tác đánh giá cán bộ sẽ được quan tâm thực hiện với nhiều đổi mới, cơ bản bám sát các tiêu chuẩn, tiêu chí, bảo đảm gắn kết giữa thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao với thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các văn bản của Trung ương về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu... Qua đó nhằm đào tạo, rèn luyện cán bộ trong thực tiễn, nhất là cán bộ trong diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đồng thời sắp xếp hợp lý hơn đội ngũ cán bộ, tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và cục bộ, khép kín.

Quan tâm tạo nguồn cán bộ

 Tại Đề án Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số đánh giá hiện nay, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số tham gia lãnh đạo, quản lý trong một số cơ quan, đơn vị chưa nhiều. Số cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số giữ các chức vụ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý chưa cao. Tỷ lệ cán bộ trẻ chiếm 6,64%, cán bộ nữ 22,66%, cán bộ người dân tộc thiểu số 33,59%. Tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy tỉnh mới chỉ chiếm 4,17%, cấp huyện chiếm 13,92%.

Theo đó, tỉnh xác định mục tiêu xây dựng cán bộ phù hợp với thực tiễn của tỉnh nhằm  đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ trước mắt và lâu dài, bảo đảm có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; có sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh trong tình hình mới.

Cán bộ xã Phúc Sơn (Lâm Bình) kiểm tra mô hình liên kết trồng ớt gắn bao tiêu sản phẩm ở thôn Bản Chỏn.

Tỉnh phấn đấu trong nhiệm kỳ 2025 – 2030, tỷ lệ  cán bộ bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy và tham gia HĐND các cấp bằng và cao hơn nhiệm kỳ trước. Trong đó, cấp ủy viên cấp tỉnh, cấp huyện cấp xã trẻ từ 10% trở lên, nữ từ 15% trở lên, dân tộc thiểu số đối với cấp ủy tỉnh trên 42% còn cấp huyện cấp xã tùy thuộc vào đặc điểm tình hình địa phương. Đối với đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2026-2031 phấn đấu tỷ lệ nữ từ 42% trở lên đối với cấp tỉnh, cấp huyện cấp xã từ 35% trở lên; dân tộc thiểu số cấp tỉnh từ 55% trở lên.

Bên cạnh đó, trình độ của đội ngũ cán bộ cũng sẽ được nâng lên về mọi mặt. Bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo nhân tố mới, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho tỉnh, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị và cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

Với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, toàn diện được đề ra trong các Đề án sẽ tạo ra những  bước đột phá, đổi mới, chuyển biến tích cực về công tác cán bộ theo hướng ngày càng chặt chẽ, khoa học, bài bản, công khai, dân chủ. Đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số tiếp tục được chăm lo, xây dựng, từng bước ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ và có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, góp phần xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục